Hà Nội công bố CĐT ôm đất: Đã biết sợ nghèo đói!
Nhiều khu đất có vị trí đắc địa được TP Hà Nội giao cho doanh nghiệp với giá “rẻ như cho” đến khi cạn kiệt mới thức tỉnh thu lại.
Thà muộn còn hơn không!
Ngày 23/11/2018, chia sẻ với Đất Việt về việc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội công bố 16 dự án, chủ đầu tư đã thực hiện chấm dứt hoạt động do dừng triển khai, chậm triển khai trên địa bàn, KTS Trần Huy Ánh – Thành viên Hội đồng Khoa học, Viện Kiến trúc Quốc gia đánh giá, đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh tài sản công đang ngày càng cạn kiệt.
“Hành động thức tỉnh này của TP Hà Nội cũng là một bước tiến của kỹ thuật quản lý địa phương, trong đó coi đất đai là một nguồn tài sản trân quý, không phải thứ cho không các doanh nghiệp nữa nên cần phải thu hồi lại để có kế hoạch triển khai, phát huy giá trị loại tài sản công này.” – vị kiến trúc sư bày tỏ.
Theo ông Ánh, tình trạng bàn giao đất công tràn lan đã xảy ra rất lâu ở TP Hà Nội. Đất công từng được coi là thứ “cho không”, bàn giao cho doanh nghiệp với giá quá rẻ so với giá thị trường nên mới xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp đổ xô xin đất làm dự án nhưng sau đó gặp khó khăn, vướng mắc ở khâu nào đấy nên phải tạm dừng.
Bây giờ, cơ quan chức năng quản lý của TP Hà Nội mới nhận ra, nguồn tài sản công này đang ngày càng cạn kiệt, trong khi cần có ngân sách để đầu tư các dự án khác nên mới tính đến chuyện thu hồi để tránh lãng phí.
Ông Ánh bày tỏ: “Đến bây giờ TP Hà Nội mới kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ thì cũng đã là muộn. Nhưng dù sao, muộn vẫn tốt hơn là không bao giờ, cứ để cho các khu đất bỏ trống vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố, đất nước, lãng phí tài sản…
Dân gian có câu “buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè, hà tiện”, đây là câu châm ngôn được đúc kết từ câu chuyện của mỗi gia đình. Nhưng từ chuyện nhà có thể suy ra chuyện của đất nước. Dù có nguồn tài nguyên thiên nhiêu dồi dào thế nào đi chăng nữa nhưng sử dụng lãng phí thì cuối cùng cũng sạt nghiệp, nghèo đòi, khánh kiệt. Có lẽ đến bây giờ, TP Hà Nội đã biết sợ nghèo đói, khánh kiệt nên kiên quyết xử lý, thu hồi những dự án ôm đất công, chậm tiến độ!”.
Cần phải đấu giá công khai, minh bạch
Việc công bố 16 dự án, chủ đầu tư đã thực hiện chấm dứt hoạt động do dừng triển khai, chậm triển khai trên địa bàn của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội được đánh giá cao nhưng câu hỏi đặt ra, bước tiếp theo của việc công khai này là gì? Liệu cơ quan quản lý có tiến hành thu hồi các dự án chậm tiến độ hay không?
Trước vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh cho biết: Việc thu hồi các khu đất đã bàn giao cho doanh nghiệp phải có lộ trình hoàn thiện về mặt pháp lý, để tạo tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư trong tương lai. Việc bàn giao đất cho doanh nghiệp thường dễ nhưng lấy lại thì rất khó. Nhưng khó đến đâu cũng nên kiết quyết lấy lại để tránh lãng phí tài sản của đất nước!
Ông Ánh cho rằng, để xảy ra tình trạng nhiều khu đất công đã bàn giao cho doanh nghiệp nhưng bỏ hoang nhiều năm qua thì ngoài lỗi của doanh nghiệp thì cũng có một phần lỗi đến từ cơ quan quản lý khi không lựa chọn kỹ nhà đầu tư, không quy định cụ thể các điều khoản mà nhà đầu tư phải thực hiện khi bàn giao đất hay doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết sẽ phải chịu xử phạt như thế nào?
“Đó là những việc xảy ra trong quá khứ, cơ quan quản lý của TP Hà Nội nói riêng và các tỉnh trên cả nước nói chung cần coi đó là bài học trong vấn đề quản lý tài sản công để đưa ra những phương án khắc phục, quy định chặt chẽ hơn để tránh tình trạng tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Nếu biết chính sách này sẽ gây ra những hệ quả dự án chậm tiến độ, đất công bỏ phí mà vẫn cố tình thực hiện bàn giao đất cho các doanh nghiệp khác một cách rẻ mật, cậu thả… đến khi xảy ra sự việc tương tự lại chỉ biết đổ lỗi cho doanh nghiệp thì đó còn là điều đáng trách hơn nữa đối với các cơ quan quản lý” – ông Ánh bày tỏ.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp “ôm” đất không chịu thực hiện một lần nữa xảy ra, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, cơ quan quản lý cần phải tiến hành đấu giá công khai các khu đất công theo giá thị trường. Điều này vừa minh bạch thông tin, vừa tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, con người tìm đến đầu tư và tránh lãng phí, thất thoát tài sản công.
Vân Thành/Báo Đất Việt