Hà Nội có cần một cây cầu biểu tượng cho thế kỷ 21?
TCKTVN 236 – Hà Nội đã có một cây cầu mang tính biểu tượng là cầu Long Biên mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và các giá trị về mặt công nghệ. Cầu Long Biên là biểu tượng của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật đương thời, đại diện cho công nghệ xây dựng tiên tiến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo là 2 cây cầu còn lại chưa xây dựng nằm trong khu vực trung tâm nội đô Hà Nội. Xây dựng cầu Trần Hưng Đạo liệu đây có là cơ hội để Hà Nội có một cây cầu biểu tượng của thế kỷ 21.
Các cây cầu biểu tượng mới trên thế giới
Cầu là một bộ phận giao thông quan trọng ở những thành phố ven sông trên toàn thế giới, đặc biệt là các thành phố phát triển ở cả hai bên bờ sông. Tuy nhiên chỉ ở một số thành phố, thường là những thành phố có các khu đô thị ở hai bên sông mới có những cây cầu mang tính biểu tượng của đô thị, khi đó nhắc tới tên thành phố là người ta nghĩ ngay tới cây cầu – một trong những biểu tượng của thành phố, du khách khi tới đây không thể bỏ qua việc tham quan cây cầu biểu tượng, cư dân đô thị cũng tự hào về cây cầu biểu tượng cho thành phố mà mình đang sống.
Ngay từ những thế kỷ trước, đã có nhiều cây cầu trở thành một trong những biểu tượng của thành phố như cầu Cổng Vàng ở San Francisco, cầu Brooklyn ở New York, cầu Cảng ở Sydney hay cầu Tháp ở London… Đến thế kỷ 21, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ xây dựng cầu, các cây cầu đô thị càng có khả năng phô diễn những tuyệt tác kỹ thuật và khả năng biểu đạt các ý tưởng thẩm mỹ đa dạng mang tính thời đại.
Hãy điểm qua một số cây cầu đương đại đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của cư dân đô thị nơi chúng được xây dựng:
Gateshead Millennium là cây cầu nối giữa bờ nam bến cảng Gateshead và bờ bắc bến cảng Newcastle, nổi bật với hai đường cong tuyệt đẹp. Cầu Gateshead Millennium xứng đáng với cái tên Thiên niên kỷ bởi hình dáng đẹp cùng cách mà nó quay để cho tàu bè qua lại nhờ các piston thủy lực ở hai đầu cầu là vô cùng độc đáo và đặc biệt gây ấn tượng với du khách. Cây cầu đã đoạt giải thưởng của Hiệp hội Kiến trúc Hoàng Gia Anh năm 2002 và giải Kiến Trúc nổi bật nhất năm 2005 do Hiệp hội Công nghệ Cầu và Kiến trúc Quốc tế (IABSE).
Cầu Sheikh Zayed dài 842m nối đất liền với đảo Abu Dhabi, UAE. Cấu trúc vòm cầu bay lên độ cao đến 60m so với mực nước, tạo ra một cửa ngõ lớn vào thành phố. Cầu có hình dạng nổi bật giống như một tác phẩm điêu khắc khổng lồ, uốn lượn như gợi lên những đụn cát nhấp nhô của vùng sa mạc. Cầu Sheikh Zayed được coi là cây cầu phức tạp nhất từng được xây dựng, dáng điệu của các vòm thép và các trụ bê tông được thiết kế nhờ máy tính với chương trình mô phỏng thiết kế đặc biệt. Ngoài nét kiến trúc độc đáo, cây cầu còn được lắp đặt một hệ thống ánh sáng động chạy dọc thân cầu, hiệu quả ánh sáng tạo ra một cảnh quan đầy màu sắc huyền ảo cho người xem, nhất là từ phía xa. Cầu Sheikh Zayed như là một biểu tượng của sự kết hợp giữa vẻ đẹp hiện đại, tinh tế và sức sống của thành phố mới Abu Dhabi.
Với thiết kế độc đáo và màu sắc bắt mắt, cầu Hòa bình đã trở thành một biểu tượng văn hóa ở trung tâm thành phố Calgary. Màu đỏ tươi của nó nổi bật trên dòng sông bên dưới và cảnh vật phía sau, đồng thời bày tỏ sự tôn kính đối với màu đỏ của lá cờ Canada. Không giống như hầu hết các cây cầu trên thế giới, không có dầm hoặc cáp nào được đưa vào cấu trúc cầu vì kết cấu thép được thiết kế để hỗ trợ trọng lượng của chính nó. Với hình dạng giống như ống và mô hình đan chéo của các mảng đặc-rỗng, cây cầu độc đáo thường được so sánh với trò chơi đan ngón tay qua sông.
Cầu Seri Wawasan ở thành phố Putrajaya, Malaysia là một địa điểm hấp dẫn khách du lịch bởi sự độc đáo trong thiết kế của nó. Thiết kế cây cầu mang màu sắc của chủ nghĩa Vị lai, kết hợp dây văng với khung thép gia cố mang hình dáng một chiếc thuyền buồm có thể dễ dàng nhìn thấy từ nhiều điểm trong thành phố. Chiều dài của cầu là 240m, rộng 37,2 m, ngoài các làn đường cho ô tô còn có phần dành cho xe đạp và người đi bộ. Cầu Seri Wawasan là con đường trọng yếu dẫn vào khu đảo trung tâm, không chỉ là một bộ phận quan trọng trong giao thông của thành phố Putrajaya, mà còn là một địa điểm thu hút khách du lịch.
Ngoài ra còn nhiều cây cầu đã trở thành biểu trưng cho các đô thị khu vực Đông Á và Đông Nam Á như cầu Banpo ở Seoul, Hàn Quốc; cầu Lupu ở Thượng Hải và cầu Lucky Knot ở Trường Sa, Trung Quốc; cầu Helix và cầu Henderson Waves ở Singapore…
Ở Việt Nam, Đà Nẵng đã trở thành đô thị của những cây cầu nổi tiếng, du khách đến Đà Nẵng thường không bỏ qua việc ghé thăm cầu Rồng và đặc biệt là cầu Vàng, hai cây cầu độc đáo đều đã đoạt giải thưởng quốc tế về công nghệ và du lịch.
Các cây cầu ở Hà Nội
Hà Nội cũng đã có một cây cầu biểu trưng là cầu Long Biên, cây cầu mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và các giá trị về mặt công nghệ và thẩm mỹ. Về công nghệ, cầu Long Biên là biểu tượng của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật đương thời, đại diện cho công nghệ xây dựng tiên tiến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, một cây cầu thép nằm trong xu hướng phát triển Hi-tech tiên phong của kiến trúc thế giới lúc bấy giờ. Về thẩm mỹ, cầu Long Biên có dáng dấp của một con rồng đang uốn lượn rất phù hợp với tên gọi Thăng Long của thủ đô Hà Nội trước đây, mặc dù không ai biết rõ ý tưởng thực sự của tác giả cho hình dáng cây cầu này. Tuy nhiên với sự uốn lượn trên một độ dài lớn, rất phù hợp với cảnh quan khu vực, cầu Long Biên xứng đáng là một trong những cây cầu sắt đẹp bậc nhất thế giới xây dựng trong những năm đầu thế kỷ 20. Cầu Long Biên còn là điểm nhấn đặc biệt quan trọng của cảnh quan đô thị Hà Nội, góp phần tạo sự thu hút văn hóa – du lịch cho người dân cùng du khách trong nước và nước ngoài.
Hà Nội là thành phố có lịch sử trên 1000 năm, là thủ đô, đồng thời là một trong những đô thị đang phát triển mạnh mẽ bậc nhất Việt Nam. Cùng với năm tháng, Hà Nội đã có một di sản kiến trúc lớn lao, nhiều công trình mang tính biểu tượng ở các thời kỳ, vì vậy việc xây dựng công trình biểu tượng cho thời kỳ phát triển mới đầu thế kỷ 21, góp phần nối tiếp vào hệ thống các công trình biểu tượng của thủ đô là cần thiết và cấp bách.
Việc xây dựng những cây cầu trở thành biểu tượng của thời kỳ mới có nhiều ưu thế: Cầu nằm ngang sông sẽ có không gian quan sát rộng rãi hơn hẳn những công trình kiến trúc thông thường; Kiến trúc cầu ngoài vấn đề thẩm mỹ còn dễ dàng phô trương các giải pháp kết cấu và công nghệ tiên tiến đặc trưng cho thời đại; Cầu có độ dài lớn cũng là ưu thế cho việc tạo hình gây ấn tượng mạnh với người quan sát.
Theo Quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, Hà Nội sẽ là một đại đô thị phát triển ở cả hai phía của sông Hồng, và để phục vụ cho giao thông qua sông Hồng, Hà Nội dự kiến xây dựng thêm 10 cây cầu mới. Trong số này đáng chú ý có 02 cây cầu nằm ở khu vực trung tâm Hà Nội nên ngoài chức năng giao thông cũng cần chú ý tới khía cạnh thẩm mỹ là cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo. Đặc biệt, cầu Trần Hưng Đạo với vị trí gần trung tâm thành phố, kết nối khu phố di sản của Hà Nội với khu vực đô thị phát triển mới, nếu được thiết kế tốt hoàn toàn có thể trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội thế kỷ 21.
Ngày 11/10/2021, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP phối hợp với Hội KTS Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo quy định của Luật Kiến trúc. Vấn đề bây giờ là thành phố sẽ ra “đầu bài” như thế nào với các đơn vị tham gia thi tuyển?
Việc đầu tiên cần làm là đặt lại tên dự án cầu, nên lấy tên địa danh nơi cây cầu đi qua để đặt tên tạm thời cho cây cầu tương lai, tránh việc sử dụng ngay tên Trần Hưng Đạo cho cầu, vì nếu để như vậy các nhà thiết kế sẽ có những bó buộc về mặt ý tưởng cây cầu gắn với hình tượng của vị anh hùng dân tộc.
Để cây cầu có khả năng trở thành một trong những biểu tượng mới của Hà Nội thế kỷ 21, cần phải áp dụng công nghệ tiên tiến mang tính đột phá và các tiến bộ khoa học mới nhất về kết cấu, vật liệu cho việc xây dựng cầu.
Hình thức kiến trúc phải độc đáo, mang tính sáng tạo, phản ánh được bản sắc văn hóa Hà Nội, thúc đẩy phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của thủ đô thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó cần phải có các giải pháp tôn thêm vẻ đẹp kiến trúc của cây cầu, ví dụ giải chiếu sáng động hay các giải pháp độc đáo khác do các đơn vị thiết kế sáng tạo ra.
Kết luận
Tháng 8/2021 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trình UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, tuy nhiên với tính chất hết sức đặc biệt của công trình nên TP Hà Nội đã quyết định tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cây cầu. Hy vọng với sự tham gia đông đảo của các đơn vị thiết kế trong nước và nước ngoài, Hà Nội sẽ có một cây cầu xứng tầm, một biểu tượng mới cho thủ đô thế kỷ 21./.
TS.KTS Trần Quốc Bảo – Đại học Xây dựng Hà Nội