29/06/2018

Hà Nội: Chậm giải ngân vốn đầu tư công do thiếu mặt bằng sạch

Theo UBND TP. Hà Nội, sau 2,5 năm triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiều dự án công trình xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội của Thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là trở ngại chính cản bước giải ngân vốn đầu tư công.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Cụ thể, các dự án xây dựng, mở rộng công trình kết cấu hạ tầng giao thông thường gặp phải vướng mắc trong công tác GPMB, chủ yếu là khâu xác định nguồn gốc đất và có kiến nghị về chính sách bồi thường hỗ trợ. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, do được thực hiện từ nhiều nguồn vốn của các nhà tài trợ khác nhau nên quá trình triển khai phải xin ý kiến của nhà tài trợ dẫn tới kéo dài thời gian; thủ tục phê duyệt bổ sung vốn ODA kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn nhà thầu và giải ngân các gói thầu.

Số liệu của UBND Thành phố cho thấy, trong Kế hoạch đầu tư công 5 năm (2016 – 2020), tổng mức vốn đầu tư của Thành phố bố trí là 101.846 tỷ đồng. Sau 2,5 năm triển khai (từ tháng 1/2016 đến hết tháng 6/2018), Thành phố đã thực hiện giải ngân 36.983 tỷ đồng, đạt 36% tổng mức vốn kế hoạch trung hạn. Trong đó, năm 2016 giải ngân 14.948 tỷ đồng/kế hoạch 15.698 tỷ đồng (đạt 95%); năm 2017 giải ngân 17.511 tỷ đồng/kế hoạch 19.813 tỷ đồng (đạt 88%); 6 tháng đầu năm 2018 ước giải ngân 4.525 tỷ đồng/kế hoạch cả năm là 22.726,5 tỷ đồng (đạt 20%).

Công tác GPMB các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước được Cục Thống kê Thành phố công bố những tháng đầu năm 2018 cho thấy, nhiều dự án giao thông lớn của Hà Nội đang chậm tiến độ do thiếu mặt bằng sạch. Điển hình, Dự án Đường sắt đô thị (đoạn Nhổn – Ga Hà Nội) dù được chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ nhưng công tác GPMB các ga ngầm đều chậm so với kế hoạch. Lý do là gặp một số vướng mắc về quỹ nhà tái định cư, hiện chưa hoàn thành bàn giao quỹ nhà tái định cư tại N07 Dịch Vọng và Ao Hoàng Cầu. Đối với các công trình phụ trợ phía Nam hộp ga, đến nay đã thu hồi đất của 1 cơ quan và 5 hộ dân; còn lại 8 hộ dân, UBND quận Ba Đình đang tổ chức đối thoại vận động các hộ dân trước khi tiến hành cưỡng chế…

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, mà còn gia tăng áp lực trả nợ.

Nguyễn Thủy/Báo Đấu thầu