GS Hoàng Đạo Kính: Kiến trúc Việt Nam phát triển nhanh nhưng thiếu trật tự
“Công cuộc Ðổi mới, khởi đầu từ 1986 và phát huy mạnh mẽ từ 1990 đã mở ra cục diện hoàn toàn mới cho phát triển xây dựng và kiến trúc. Dựa vào nền kinh tế thị trường và chính sách mở cửa, cùng với sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế và xã hội, kiến trúc đã có những bước phát triển dài và đạt được sự tiến bộ toàn diện. Tuy vậy, nền xây dựng và kiến trúc của ta, tuy trải qua vài thập kỷ phát triển bùng nổ vẫn còn ngập lún trong tình trạng thiếu trật tự và tụt hậu, có thể tới một vài thập kỷ so với các nước trong khu vực và trên thế giới”. GS, TS, KTS Hoàng Ðạo Kính (ảnh bên) phác họa bức tranh toàn cảnh kiến trúc Việt Nam, sau ba thập kỷ.
Công cuộc Ðổi mới – động lực thúc đẩy phát triển
Vậy có thể hiểu, công cuộc Đổi mới đã trở thành động lực mạnh để kiến trúc nước nhà có sự phát triển vượt bậc, thưa ông?
Đúng vậy. Khả năng tài chính, kỹ thuật cùng công nghệ xây dựng đã được tăng cường, thậm chí ngày càng tiệm cận với điều kiện quốc tế. Nền kinh tế mở ra và ngày càng hội nhập giúp đội ngũ kiến trúc sư (KTS) có điều kiện được tiếp nhận những tiến bộ, sáng tạo trong lĩnh vực kiến trúc, trên mọi phương diện. Xã hội đã có điều kiện để đặt hàng những công trình mang tính quy mô, đa dạng và thẩm mỹ cho giới kiến trúc. Có thể nói, chưa bao giờ nền kiến trúc Việt Nam có điều kiện phát triển vượt bậc như những năm vừa qua. Nhờ vậy, nền kiến trúc đương đại đã có bước tiến trông thấy so với những chặng đường lịch sử trước đó, đã tiến triển từ xây dựng không dựa theo bản vẽ sang xây dựng theo thiết kế. Các đô thị hầu hết đã thay đổi bộ mặt, nhà ngói – nhà bê-tông cốt thép đã thay thế dần nhà gỗ – tranh tre, nứa, lá muôn thuở tạm bợ. Xây dựng đã dần dà trở thành ngành công nghiệp sản xuất đặc thù, với sự phân chia và chuyên môn hóa ngày càng sâu. Kiến trúc đã vượt ra khỏi khuôn khổ khẩu hiệu của một thời “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” để trở nên đa dạng, tân tiến, ít nhiều sang trọng và tiện lợi, Trên thực tế, nó đã đáp ứng được hầu hết những đòi hỏi ngày một cao của ông chủ – Nhà nước và ông chủ – người sở hữu.
Song, muốn phác dựng bức tranh của một nền kiến trúc tương lai, vừa tiên tiến lại vừa có bản sắc thì không thể không nhìn thẳng vào một số mặt hạn chế, yếu kém. Nền xây dựng và kiến trúc của ta đang tụt hậu so với thế giới một vài thập kỷ. Và tuy đã trải qua 30 năm phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn ngập lụt trong tình trạng thiếu trật tự, manh mún và tự phát. Thực trạng đó thể hiện rất rõ ở công cuộc đô thị hóa, nhất là ở hiện đại hóa nông thôn.
Bài toán nan giải
Xin ông có thể lý giải rõ hơn về “tình trạng thiếu trật tự” đó, cụ thể là với công cuộc đô thị hóa?
Trước dấu mốc Đổi mới, chúng ta chưa có nhiều đô thị. Tài sản đô thị (cơ sở vật chất, hạ tầng và các công trình kiến trúc) lèo tèo, nghèo nàn và chủ yếu tập trung tại hai thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh). Vậy mà sau 30 năm, chúng ta đã đạt tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện đã có gần 800 đô thị và khu dân cư dạng đô thị đang được cải tạo, mở mang, xây dựng mới và vì vậy đã nhanh chóng tạo lập diện mạo kiến trúc khác lạ cho đất nước, tuy chưa phải là đã đặc sắc. Các thành phố lớn đang dần hoàn thiện và hiện đại hóa các khu trung tâm cũ, hiện đại hóa và tăng cường kỹ thuật hạ tầng cũng như mở rộng về không gian. Chúng ta đặt toàn bộ công cuộc xây dựng đô thị vào hệ thống các dự án quy hoạch tổng thể. Nhờ thế, nhiều đô thị thật sự thay da đổi thịt, đã xuất hiện những khu đô thị mới (những chung cư cao tầng, các dãy nhà chia lô và biệt thự).
Tuy nhiên, về tổ chức cũng như diện mạo kiến trúc, các đô thị ở ta khá manh mún và hỗn độn. Các giá trị kiến trúc – cảnh quan của nhiều đô thị cũ đang mai một, sự cân bằng sinh thái có nguy cơ tan vỡ. Đô thị ở Việt Nam có vẻ như đang ở trong sự chuyển tiếp kéo dài từ làng sang phố. Chúng, về bản chất, là phố thị gồm những dãy phố với những ngôi nhà ở kiểu ống. Các đô thị lan tỏa theo các trục lộ dạng bạch tuộc. Các khu chung cư mới, đôi khi chưa kịp xây dựng xong đã trở thành quỹ ứ tồn. Các khu dân cư kiểu nhà ống, nhìn về dĩ vãng nhiều hơn là hướng tới tương lai.
Vậy nguyên nhân chính, theo ông, nằm ở đâu?
Đô thị hiện đang phát triển nặng về bề ngang, với lãnh thổ mở mang quá mức cần thiết, quá nhu cầu và khả năng đầu tư xây dựng. Trào lưu “lên đời” các đô thị lây lan, không chỉ thuần tuý từ sự xác lập cấp độ phát triển (của quỹ vật chất – kỹ thuật, kiến trúc đô thị và dân cư đô thị hóa) mà còn xuất phát từ những động cơ khác: thị xã phải mở thành đô thị, đô thị thì phải nâng lên thứ bậc cao hơn. Có vẻ như đang lạm phát trong phân loại đô thị. Hiện trạng đó dẫn đến một vấn đề thật sự lớn, đó là đô thị hóa có thể nhanh, song thành thị hóa (sự tạo lập văn hóa đô thị về mọi phương diện) thì không diễn ra song cùng quá trình ấy. Sự phát triển tràn lan nhưng thiếu khống chế dẫn đến tỷ lệ dân thành thị luôn thấp, so với lượng dân sống ở nông thôn mới được thâu tóm vào đô thị và người nhập cư. Bên cạnh đô thị hóa còn diễn ra cả quá trình nông thôn hóa thành thị, nhất là về văn hóa. Đô thị thiếu văn minh thì đáng ngại hơn rất nhiều so với nông thôn, bởi đô thị chính là yếu tố thúc đẩy hơn cả sự phát triển của đất nước. Điều cần quan tâm nhất là quá trình phát triển đô thị hóa cấp tập, bùng nổ như hiện nay kéo theo rất nhiều mối lo toan, đặt ra nhiều thách đố không chỉ cần giải quyết tức thời mà còn phải vất vả khắc phục trong tương lai. Chúng tạo ra những ứ tồn lịch sử, những bài toán nan giải như ô nhiễm, úng ngập, ách tắc giao thông, quỹ kiến trúc lạc hậu và thiếu thẩm mỹ…
Khu đô thị Xa La (Hà Nội). Ảnh trong bài : Thanh Giang
Thế còn quá trình hiện đại hóa nông thôn liệu có mang lại những tín hiệu vui hơn không, thưa ông?
Nông thôn đang hiện đại hóa rất nhanh, người nông dân đã có điều kiện chuyển sang hình thái ăn ở tiệm cận với đô thị. Sự tiến bộ là rõ ràng, cần ghi nhận. Nhưng kiến trúc nông thôn cũng trở thành một mối lo toan lớn. Nông dân tự phát sắp xếp lại làng quê, tự phát cải tiến kiến trúc nhà ở của mình. Kiến trúc nông thôn hôm nay đang nhại lại một cách vụng về kiến trúc đô thị, vốn chưa hẳn đã là mẫu mực. Làng xóm trở nên bộn bề, biến dạng dữ dội. Các làng quê bê-tông hóa chưa tìm được những hình thái kiến trúc và cảnh quan thay thế cho những cơ thể kiến trúc nhuần nhị đã tồn tại bao đời. Điều đáng lo nhất là các công trình hầu hết được xây dựng tự phát khiến các cấu trúc không gian vốn nền nếp, trật tự bị băm nát và biến dạng. Các thôn, làng phình nở ra do dân số đã tăng gấp bội. Vì thế, nhiều vùng nông thôn đang phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn nan giải rất khó tháo gỡ trong tương lai. Các quy hoạch phát triển và các giải pháp kiến trúc có vẻ như ít tính khả thi, ít được nông thôn chấp nhận.
Nhưng theo nhận định của chính ông, kiến trúc sau Đổi mới “đặt toàn bộ công cuộc xây dựng đô thị vào hệ thống các dự án quy hoạch”. Vậy hệ thống quy hoạch đồ sộ này ở đâu, khi tình trạng mất trật tự lan tràn từ thành thị tới nông thôn như vậy?
Về lý thuyết, quy hoạch phải có uy lực thật sự như những văn bản pháp luật và phải được quản lý bởi những cơ quan cũng có uy lực thật sự. Nhưng có một thực tế đáng buồn, là các quy hoạch – từ tổng thể tới chi tiết thường được xây dựng trên cơ sở duy ý chí, không xuất phát từ đòi hỏi phát triển thực tế của đô thị và nông thôn. Đã thế, dân ta vốn dĩ rất ưa linh hoạt, linh động. Dân không chấp hành quy hoạch vì không coi đó là luật, cơ quan quản lý thường hay nhượng bộ, xuê xoa. Khi công tác quản lý đô thị mang tính thoả hiệp thì hiện trạng bát nháo, lộn xộn, thiếu kiểm soát cũng là điều dễ hiểu.
Phải khai thác con đường riêng
Đi tìm lời giải cho những bài toán trên không dễ, nhưng từ góc độ của một chuyên gia hàng đầu, ông có thể đề xuất một vài giải pháp cụ thể?
Theo tôi, cần tiến hành một cuộc tổng đánh giá lại công cuộc mở mang và xây dựng mới các đô thị. Động lực cho phát triển chúng trước tiên phải là kinh tế và xã hội chứ không thể là yếu tố hành chính. Các quy hoạch phải đi ra từ thực tế và từ tính khả thi. Tiết kiệm đất đai, hạn chế sự cạn kiệt của tài nguyên không gian. Duy trì lâu bền những giá trị và tính đặc sắc của địa mạo –
cảnh quan. Khơi dòng cho những di sản kiến trúc và văn hóa, dù có thể rất khiêm tốn. Bảo đảm sự phát triển đô thị hài hòa trong sự kế thừa. Tăng cường uy lực của các văn bản pháp quy và các quy hoạch xây dựng cùng uy lực của công tác quản lý. Khắc phục dần lực quán tính của tư duy nhiệm kỳ, manh mún, tuỳ tiện.
Đô thị hóa nông thôn còn là vấn đề đặc biệt lớn và mới. Đối với xây dựng nông thôn, mọi định hướng và kế hoạch phát triển phải đi ra từ hai bản chất cơ bản, chi phối tất thảy là: nền sở hữu tư nhân nhỏ lẻ và nếp tư duy quán tính. Ta không thể áp đặt nông thôn, nông dân làm theo những mệnh lệnh, những gì duy ý chí mà ít đoái hoài sâu xa tới quá khứ và thực trạng. Nông thôn vừa bảo lưu tài sản và tàn dư hàng trăm năm vừa đang chuyển động về các hướng, tuy chậm hơn đô thị. Chúng ta cần tìm ra những cách phù hợp để nông thôn hiện đại hóa từ chính mình, từ trong ra chứ không phải sự bắt chước thật thà những mẫu hình kiến trúc thành thị.
Công cuộc phát triển đất nước đã gặp những thuận lợi. Đây quả là thời mà những người làm kiến trúc –
xây dựng phải nhận thức thật sự sâu và đủ về vai trò xã hội của mình, hướng tâm – tài vào những tư duy kiến tạo và sáng tạo, nhìn ra thế giới và nhìn kỹ vào chính mình. Ta có thể chậm bước, song không thể không khai thác con đường riêng. Tôi lạc quan về công cuộc vươn lên của nền kiến trúc Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
HỒ CÚC PHƯƠNG/Báo Nhân Dân