Góp vốn mua nhà trên giấy
Dù đã thu hàng trăm tỷ đồng dưới hình thức “hợp đồng vay vốn” với quyền ưu tiên cho khách hàng được mua căn hộ nhưng đến nay đã hơn 5 năm, dự án Trung tâm Thương mại, văn phòng, chung cư cao tầng HESCO (dự án HESCO) tại phường Văn Quán (quận Hà Đông) vẫn chỉ là một bãi đất cỏ mọc um tùm.
Gây bức xúc nhiều nhất cho khách hàng là việc dự án chưa được cấp phép nhưng chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản Megastar (Công ty Megastar) và đơn vị hợp tác đầu tư (đơn vị thứ cấp) là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và thương mại Hạ Long đã ký các hợp đồng vay vốn (hợp đồng ký sớm nhất là năm 2009) hứa bàn giao nhà vào quý I-2012.
Khách hàng có bị rơi vào bẫy?
Nhiều người cho vay vốn tại dự án HESCO nói: Dự án HESCO bắt đầu huy động vốn của khách hàng từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn là bãi đất bỏ hoang. Trong khi đó, Công ty Megastar và Công ty Hạ Long đã thu vài trăm tỷ đồng của hàng trăm người. Cụ thể, chúng tôi đã nộp 30% số tiền mua căn hộ từ 98m2 đến 118m2 với giá từ 16,5 đến 18,5 triệu đồng cộng với tiền chênh lệch từ 1,2 đến 2 triệu đồng/m2. Nhiều khách hàng của dự án HESCO cho biết: Nhận thấy dự án có những dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ chủ đầu tư là Công ty Megastar và đơn vị thứ cấp là Công ty Hạ Long, trong các ngày 6-7-2012 và 25-10-2012, chúng tôi đã làm đơn đề nghị thanh lý, chấm dứt hợp đồng vay vốn, tuy nhiên, hai công ty này đã từ chối thực hiện như đã cam kết trong hợp đồng vay vốn. Vẫn theo những khách hàng thì “từ khi ông Nguyễn Hoàng Long (lúc còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Megastar) bị cơ quan công an bắt vào năm 2013 (vì hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” ở một vụ việc khác), tập thể khách hàng đã nhiều lần làm việc với đại diện Megastar để hối thúc công ty trả lại tiền, tuy nhiên ông Lê Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Megastar (thay ông Nguyễn Hoàng Long) cho biết, với tình hình tài chính hiện nay, công ty không có khả năng trả lại khách hàng và không có khả năng tiếp tục dự án; đồng thời cũng không đưa ra được kế hoạch cụ thể nào.
Để hiểu rõ hơn về cách thức huy động vốn và những cam kết của chủ đầu tư, chúng tôi đã tìm gặp các khách hàng và được cung cấp nhiều giấy tờ liên quan, trong đó có bản “hợp đồng vay vốn”, một thủ tục pháp lý mà hầu hết khách hàng khi giao nộp tiền đều căn cứ vào đó để nuôi hy vọng là trong từ 3 đến 4 năm sẽ có ngôi nhà mới khang trang để sinh sống. Cụ thể, tại hợp đồng vay vốn số 39, ngày 10-11-2009, bà Trịnh Thị Thu Hương (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) đã đồng ý cho Công ty Hạ Long vay 432,5 triệu đồng để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của công ty (tương đương 30% tổng giá trị căn hộ bà Hương sẽ được quyền ưu tiên mua). Hợp đồng cũng ghi rõ, bà Hương được quyền ưu tiên mua sản phẩm dự án Megastar Văn Quán, căn hộ diện tích tạm tính là 89m2. Đơn giá ưu tiên ghi tại hợp đồng là 16,2 triệu đồng/m2. Về tiến độ dự kiến của công trình, “khởi công tháng 11-2009 và bàn giao nhà vào quý I-2012”. Với nội dung tương tự, nhưng các hợp đồng được ký kết vào tháng 9-2010, chủ đầu tư đã nâng hạn bàn giao nhà đến quý II-2013. Ngoài ra, các hợp đồng cũng thể hiện rõ nội dung “khi sản phẩm của dự án do bên B (bên vay) tham gia đầu tư xây dựng xong hạng mục móng, hai bên sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng vay vốn và ký hợp đồng mua bán căn hộ. Khi đó, mọi quan hệ phát sinh tiếp theo sẽ được điều chỉnh bằng hợp đồng mua bán căn hộ”.
Tương tự, đối với các hợp đồng khách hàng ký với chủ đầu tư là Công ty Megastar thì được ghi là “hợp đồng vay tài sản” và thường được kèm theo bản “cam kết về việc ký hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai”. Cụ thể, tại hợp đồng cho vay tài sản số 57 kèm theo bản cam kết, vào thời điểm tháng 7-2011, ông Lê Thành Chung (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân), cho Công ty Megastar vay 456,75 triệu đồng (tương đương 30% giá trị căn hộ) cho căn hộ 87m2, trị giá 17,5 triệu đồng/m2.
Ông Lê Thực, người đã ký hợp đồng cho Công ty Hạ Long vay số tiền 514,5 triệu đồng với cam kết dự án bàn giao nhà vào quý II-2012, cho biết, hàng trăm khách hàng đã phải hứng chịu hoàn cảnh tương tự như chị Trịnh Thị Thu Hương và ông Lê Thành Chung. Ông Hùng, một khách hàng đã nộp gần 500 triệu đồng từ năm 2010 bức xúc: “Số tiền đóng góp mua căn hộ là mồ hôi, công sức của chúng tôi, thậm chí có người phải đi vay để đóng góp. Nhiều người chúng tôi chưa có nhà để ở, phải đi thuê, hoàn cảnh khó khăn mà không biết kêu ai. Hiện nay, chủ đầu tư là Công ty Megastar không còn năng lực để tiếp tục dự án, tất cả khách hàng thực sự thất vọng, quyền lợi và tài sản đang bị đe dọa”. Theo phản ánh của ông Hùng, ông Thực và nhiều khách hàng khác, đến nay toàn bộ các điều khoản tại hợp đồng vay vốn đã không được chủ đầu tư thực hiện theo cam kết.
Dự án vẫn chưa được cấp chứng nhận đầu tư
Dự án HESCO được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt tại Quyết định số 1044 ngày 24-4-2008, là trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư cao tầng, trên diện tích đất 21.294m2, trong đó có 2 tòa nhà chung cư 50 tầng và 45 tầng. Chủ đầu tư là liên danh Công ty Megastar có nhiệm vụ huy động vốn và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án và Công ty cổ phần Thiết bị thủy lợi góp đất xây dựng dự án. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, dự án nằm trong diện rà soát, điều chỉnh, sau đó dự án nằm trong danh mục 244 dự án được phép triển khai đợt 1. Ngày 4-7-2011, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4465 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho tiếp tục triển khai dự án; ngày 14-7-2011, UBND TP Hà Nội có văn bản số 5810 thống nhất việc triển khai dự án.
Tuy nhiên, có một điểm hết sức đáng lưu ý là tại thời điểm góp vốn dự án HESCO chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thậm chí đến thời điểm này, việc xin cấp tấm “giấy thông hành” này cũng còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo bà Quỳnh Anh, là cổ đông của Công ty Megastar và là vợ của ông Nguyễn Hoàng Long (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Megastar), Công ty đang thực hiện xin cấp chứng nhận đầu tư, hồ sơ đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội gửi lấy ý kiến liên quan. Và có một điểm nữa, trong thủ tục xin cấp phép mà phía Công ty Megastar thừa nhận tại văn bản gửi UBND TP Hà Nội ngày 19-5-2014 là “vào tháng 9-2012, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã có ý kiến về vấn đề này: Khu đất nêu trên nằm trong phạm vi nghiên cứu đồ án quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 đang được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức nghiên cứu lập theo chỉ đạo của UBND thành phố. Do vậy, Sở chưa thể cho ý kiến về vấn đề này”. Bà Quỳnh Anh cho biết, do quy hoạch phân khu H2-3 chưa được thông qua nên thủ tục xin cấp chứng nhận đầu tư đang bị đình trệ.
Như vậy, trong khi giấy chứng nhận đầu tư chưa được cấp thì chủ đầu tư đã “nhanh tay” huy động vốn của khách hàng tại dự án theo hình thức “hợp đồng vay vốn” lên đến 430 tỷ đồng (theo thống kê của Công ty Megastar). Đáng nói hơn, theo Công ty Megastar, ngoài “dựng tường rào bao quanh, phần móng chung cũng đã ép cọc khoan nhồi đại trà” dù chưa có giấy chứng nhận đầu tư. Những hạng mục này, theo bà Quỳnh Anh, đã “ngốn” khoảng hơn 200 tỷ đồng. Quan sát hiện trạng ở thời điểm này chúng tôi thấy, công trình vẫn chỉ là bãi đất hoang cỏ dại mọc đầy cùng rác thải. Trước tình cảnh này, khách hàng đứng ngồi không yên và liên tục nghi vấn, với chừng ấy hạng mục, hàng trăm tỷ đồng đã thu, chủ đầu tư sử dụng vào việc gì? Họ có lừa đảo, chiếm dụng vốn của khách hàng không? Trả lời thắc mắc này, bà Quỳnh Anh đã đưa ra bảng kê khách hàng cho công ty vay vốn, số tiền đã nộp, số căn, diện tích được quyền ưu tiên mua và khẳng định: “Tiền của khách hàng không mất đi đâu, chúng tôi vẫn thống kê đầy đủ theo danh sách”.
Đề cập về triển vọng của dự án, bà Quỳnh Anh thừa nhận những tồn đọng quá lớn mà dự án đang gặp phải và cho biết: “Trong thời gian qua chúng tôi đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ và ở thời điểm này đã tìm được đối tác, tôi chưa thể tiết lộ gì thêm vì còn nhiều thủ tục cần giải quyết trước khi công khai cho khách hàng biết”. Trao đổi về các vấn đề liên quan, ông Nguyễn Huy Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị thủy lợi cho biết: “Theo hợp đồng liên danh đã ký kết, phía Công ty Megastar chịu trách nhiệm huy động vốn, việc họ triển khai hợp đồng vay vốn với khách hàng chúng tôi hoàn toàn không biết, chúng tôi chỉ có nghĩa vụ góp đất dự án. Thực tế, chúng tôi cũng là người bị hại,mặt bằng bị bỏ hoang nhưng mỗi năm công ty vẫn phải chi 1,2 tỷ đồng để nộp thuế”.
Những thông tin của chủ đầu tư đưa ra trong thời điểm này vẫn chỉ “mang tính cam kết”, mà khách hàng nói họ đã nghe quá nhiều lần như vậy và không biết khi nào dự án thành hiện thực. Rõ ràng, mọi thiệt hại về thời gian, về tài chính đang đổ hết lên đầu khách hàng, họ đang chờ đợi cơ quan chức năng làm sáng tỏ những sai phạm này.
Theo Hà Nội mới