Góc nhìn khác cho giải pháp thiết kế nội thất trong nhà ở xã hội
(KTVN 244) – Hiện nay, vấn đề thiết kế nội thất nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội để phù hợp cho đối tượng có thu nhập thấp là yêu cầu đang cần được quan tâm đúng mức.
Việc quan tâm đến vấn đề thiết kế nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp là thiện ý muốn chăm lo cho những người yếu thế trong xã hội, “những cánh chim cuối đàn”. Nhưng thiện ý này cũng cần phải đặt trong bối cảnh thực tế chung của xã hội.
Hiểu theo một góc độ nào đó, câu hỏi trên vừa hợp lý lại vừa có sự nghịch lý. Hợp lý vì đó là mối quan tâm về chính sách công bằng xã hội theo chủ trương của thể chế chính trị của chúng ta. Đặc biệt là chăm lo cho tầng lớp cư dân yếu thế, có thu nhập thấp trong xã hội như công nhân và lao động nhập cư ở các khu công nghiệp và đô thị, sinh viên , trí thức trẻ khởi nghiệp… Nghịch lý là khi, trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng ta muốn mang lại những thứ giá trị tiện nghi sống ngoài sự quan tâm hoặc trên mức thu nhập của đối tượng thụ hưởng.
Cho nên thay vì trả lời cho câu hỏi thiết kế nội thất nào cho nhà ở thu nhập thấp, thiết nghĩ chúng ta nên bắt đầu từ việc tìm cách trả lời câu hỏi, đâu là nhu cầu và năng lực thụ hưởng của cư dân thu nhập thấp?
Yếu tố sở hữu có vai trò quyết định
Dựa trên kết quả nghiên cứu, thực tế chỉ tiêu quốc gia thực hiện 12 triệu m2 nhà ở xã hội đến năm 2020 đã không được như mong đợi. Cũng như trên 80% công nhân và lao động nhập cư chỉ có ý định hoặc khả năng thuê nhà, chứ không có ý định hay khả năng sở hữu. Và vì không sở hữu nhà, việc người dân thay đổi chỗ ở để thêm chút tiện nghi, giảm chút chi phí thuê nhà là phổ biến.
Trong đó, phải kể đến cả việc thường xuyên thay đổi chỗ làm, việc làm thì chỗ ở cũng linh hoạt thay đổi theo. Chính việc không sở hữu nhà ở và di dời thường xuyên, nên người ở không có tâm lý “sắm sửa” nội thất, vừa tốn kém, vừa lỉnh kỉnh khi thay đổi chỗ ở.
Đó cũng là lý do mà một bộ phận không nhỏ chọn giải pháp cùng thuê chung một không gian ở có chất lượng tiện nghi nội thất tốt hơn. Hiển nhiên, không gian ở đó sẽ có giá thuê cao, nhưng nhiều người chung nhau nên vẫn giữ chi phí phù hợp cho mỗi người. Vấn đề là khi di dời, mỗi người cũng không vất vả nhiều chuyện di chuyển đồ đạc nội thất.
Vậy với nhà thiết kế nội thất, đối tượng đặt hàng nghiên cứu thiết kế nội thất cho nhà ở thu nhập thấp không hẳn và không chỉ là người sử dụng như thông thường.
Đối tượng đặt hàng thiết kế là ai?
Với phân tích ở trên, có vẻ người sử dụng thu nhập thấp không còn là đối tượng đặt hàng mà chính là người đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp cho thuê. Nhu cầu sử dụng thì nghiên cứu từ người thuê nhà, nhưng mức độ và chất lượng đầu tư thì chủ nhà cho thuê quyết định, vì lợi nhuận của chính họ.
Không thể đầu tư quá nhiều và quá tốt để giá thuê vượt tầm của người thuê. Nhưng cũng cần một hàm lượng chất xám của nhà thiết kế để tối ưu hoá nhiều mặt của sản phẩm nội thất với chi phí hợp lý nhất. Vì người trả tiền đầu tư và cả lãi chính là người thuê chỗ ở, với hầu bao rất hạn chế.
Phương thức đầu tư nội thất nhà ở thu nhập thấp
Một thiết kế nhà ở thành công, điều khó nhất là đáp ứng những nhu cầu rất cá biệt của mỗi chủ nhà. Khó hơn là của tổ hợp nhiều thành viên trong gia đình chủ nhà. Nhưng như vậy vẫn còn có những thách thức cụ thể, rõ ràng. Vẽ nhà ở cho thuê thì… khó hơn nhiều nữa. Vì nhu cầu của những chủ nhà tương lai không hề rõ ràng, mà là một ước định chung chung. Trong trường hợp này, giải pháp công năng hữu dụng thường là “nhiều trong một”.
Tuy nhiên, giá của “nhiều trong một” chỉ rẻ hơn giá của “nhiều một cộng lại” chứ không hề có giá thấp như mọi người nghĩ. Người có thu nhập thấp rất cần tiết kiệm. Nhưng dù chi tiêu ít, số đông của họ cộng lại vẫn là một thị trường béo bở. Những người có quan tâm tới lĩnh vực đồ nội thất, không ai không biết thành công của thương hiệu toàn cầu khổng lồ IKEA của đất nước Thụy Điển.
Đó là một hình mẫu thành công, nhưng không phải là hình mẫu thích hợp trong điều kiện Việt Nam hiện tại, như đã phân tích ở trên. Có chăng, là nên lấy cảm hứng về chiếc chiếu hoa trong văn hoá sinh hoạt của ngôi nhà sàn, của người Mường. Trong một loáng trải ra, thu vào là chiếu trà tiếp khách trang trọng, là bữa ăn đầm ấm gia đình, là không gian sản xuất vật phẩm thủ công, bánh trái…
Cũng từ phân tích nêu trên, nên quan niệm thiết kế nội thất nhà ở thu nhập thấp cần tập trung vào không gian kiến trúc nội thất và đồ nội thất đi liền với cấu trúc nhà, cố định hoặc xếp gấp được. Có thế lấy ví dụ như vách ngăn hai lớp, có chức năng kệ mở về một hoặc cả hai mặt (như trong các ngôi nhà của người Nhật). Thiết kế này vừa không chiếm chỗ trong không gian ở nhỏ, vừa có chỗ để đồ không bừa bộn, vừa có điều kiện góp phần trang trí nội thất đa dạng.
Hoặc cánh cửa kệ lật ngang ra có thể đã là một cái bàn nhỏ hoặc kệ console trưng bày. Một ví dụ thú vị khác là, trong Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm nay, một ngôi nhà được giải của KTS Nguyễn Hoàng Mạnh (MIA) đã đề xuất ngôi nhà giá rẻ mà cấu trúc module chịu lực cũng chính là không gian nội thất tuỳ biến cho chủ nhà tự chuyển đổi sử dụng, hết sức linh hoạt mà kiểm soát mỹ thuật tốt.
Tóm lại, những ý kiến và gợi mở trên đây không ngoài mong muốn hiện thực hoá nhanh nhất, thực chất và hiệu quả nhất khối lượng cũng như chất lượng nội thất ở, dành cho bộ phận cư dân không nhỏ có thu nhập thấp trong cộng đồng đô thị đang phát triển nhanh chóng trên cả nước./.
KTS Nguyễn Văn Tất/Phó Chủ tịch Hội đồng kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam