28/03/2017

Gỡ khó cho sản xuất gạch không nung

Sản xuất và tiêu thụ gạch nung là một chủ trương đúng đắn nhằm giảm thiểu tác hại của gạch nung, bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Đến nay, các chính sách về phát triển gạch nung đã có nhưng chưa đầy đủ. Việc sản xuất và tiêu thụ gạch không nung gặp nhiều khó khăn không chỉ do nhận thức của cộng đồng về vấn đề này còn hạn chế mà còn do nhiều chính sách chưa cụ thể, hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm và sử dụng còn thiếu, chưa đồng bộ.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển gạch không nung

Theo tính toán, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) cả nước đến năm 2020 khoảng 33 tỷ viên. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch nung phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 150.000 tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2. Trong khi đó, các nước trong khu vực có mức sử dụng gạch không nung đạt 70-80% thì ở nước ta mới đạt xấp xỉ 30%.


Tiêu thụ gạch không nung còn gặp nhiều khó khăn do thói quen sử dụng gạch nung vẫn phổ biến.

Như vậy, đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Theo quy hoạch điện 7, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, mỗi năm sẽ thải ra khoảng 30-40 triệu tấn tro xỉ gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, việc phát triển sản xuất gạch không nung, từng bước sử dụng các nguồn phế thải này làm nguyên liệu làm giảm ô nhiễn môi trường, tạo ra các sản phẩm xanh là vô cùng cần thiết. Mặt khác, việc sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trên thế giới đã có từ lâu với tỷ lệ sử dụng rất cao, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia có mức sử dụng VLXKN tới 70-80%.

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28/11/2012 (gọi tắt là Chương trình 567 và Chỉ thị 10) về tăng cường triển khai chương trình sản xuất, sử dụng VLXD không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết: Mục tiêu tổng quát của chương trình là hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng tài nguyên đất sét, nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất gạch đất sét nung; Ưu tiên chọn những công nghệ tiên tiến, phù hợp, có khả năng cơ giới hóa và tự động hóa cao, giảm lao động thủ công; Sử dụng tối đa nguồn phế thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, đá mạt; Phát triển các loại vật liệu xanh, công trình xanh;…

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ gạch nung. Cụ thể: Tổ chức công bố, phổ biến, Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN trên phạm vi cả nước; Tiến hành soát xét và đang xây dựng mới hoặc hoàn thiện tiêu chuẩn cho các loại sản phẩm VLXKN, Soát xét, biên soạn Tiêu chuẩn quốc gia Hướng dẫn lựa chọn sử dụng GKN; Soát xét, biên soạn Tiêu chuẩn quốc gia Hướng dẫn sử dụng vữa xây GKN; Soát xét, biên soạn Tiêu chuẩn quốc gia Hướng dẫn thiết kế xây dựng sử dụng GKN:+ Phần 1: Đối với công trình sử dụng Gạch bê tông; + Phần 2: Đối với công trình sử dụng Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp; + Phần 3: Đối với công trình sử dụng Gạch bê tông khí chưng áp; Soát xét, biên soạn Tiêu chuẩn quốc gia Hướng dẫn thi công và nghiệm thu công trình xây dựng sử dụng GKN: + Phần 1: Đối với công trình sử dụng Gạch bê tông; + Phần 2: Đối với công trình sử dụng Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp; + Phần 3: Đối với công trình sử dụng Gạch bê tông khí chưng áp; Xây dựng định mức kinh tế cho khối xây khi sử dụng VLXKN; Đã thể chế hóa việc sử dụng vật liệu xây dựng tại Luật xây dựng 2014 và đang hoàn thiện các chế tài xử phạt việc vi phạm các quy định về xử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng tại Nghị định 121/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; đang sửa đổi Thông tư 09/TT-BXD về sử dụng VLXKN cho phù hợp với từng khu vực địa lý.

Bộ Xây dựng đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 về việc ban hành danh mục vật tư làm nguyên liệu sản xuất VLXKN và thiết bị cho dây chuyền sản xuất VLXKN được miễn thuế nhập khẩu.

Còn nhiều khó khăn trong tiêu thụ

Sau 5 năm thực hiện, đến nay toàn quốc đã có hơn 1.500 dây chuyền công suất 7 triệu viên/năm và hơn 100 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu công suất 7-40 triệu viên/năm. Tổng công suất sản xuất gạch xi măng cốt liệu khoảng trên 5,2 tỷ viên/năm. Đặc biệt có Công ty đã đầu tư 3 dây chuyền sản xuất với công suất thiết kế tới 180 triệu viên/năm như Công ty Cổ phần gạch Khang Minh, có nhà máy tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Tổng công suất sản xuất gạch xi măng cốt liệu hiện nay khoảng trên 5,2 tỷ viên QTC/năm. Tổng giá trị đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có khoảng 12 dự án với tổng công suất 1,3 tỷ viên gạch bê tông, 17 cơ sở sản xuất bê tông bọt với tổng công suất 120 triệu viên/năm. Các sản phẩm tấm tường thạch cao, tấm 3D, đá chẻ, gạch silicat,… có số lượng không đáng kể.

Như vậy, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đã vượt mục tiêu tổng công suất 20-25%. Tỷ lệ gạch nhẹ cũng đạt mức 21% mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tiêu thụ sản phẩm gạch không nung vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do thói quen sử dụng gạch nung vẫn còn ăn sâu vào suy nghĩ của người dân. Trong khi đó, hình dáng, mẫu mã của gạch không nung vẫn còn chưa ổn định, giá thành cao. Sản phẩm mới vẫn còn rất khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường… Do đó, để Chương trình sử dụng gạch không nung đạt được hiệu quả hơn nữa, cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương thì việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân là rất cần thiết.

Để thúc đẩy thực hiện Quyết định số 567 của Chính phủ về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức thực hiện tại Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 19/9/2014. Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện.

Trong thời gian qua, Dự án đã phối hợp và hỗ trợ Bộ Xây dựng rà soát lại tình hình thực hiện Chương trình 567 về các chính sách, tiêu chuẩn-quy chuẩn kỹ thuật; hoàn thiện các chính sách, soát xét xây dựng khung các nhiệm vụ về xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật và hoàn thiện 03 tiêu chuẩn sản phẩm gạch không nung. Hoạt động này góp phần hoàn thiện khuôn khổ chính sách và tiêu chuẩn để đưa sản xuất và sử dụng gạch không nung vào thực tiễn một cách có hiệu quả, bền vững.

Vân Anh/Báo Xây dựng