Theo đánh giá chung của bạn bè quốc tế, kiến trúc Việt Nam, đặc biệt là kiến trúc các ngôi nhà nhỏ hoặc nơi trú ngụ tại các khu resort mới xây dựng gần đây đã thực sự thu hút được họ, cũng không kém nghệ thuật ẩm thực và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt.
Không ít người đã hỏi: Có chăng một ngôi nhà rất riêng mang phong cách Việt?
Có thể mạnh dạn trả lời là có.
Tuy vậy, muốn am hiểu tường tận vấn đề này cần có một biên khảo chung về nếp ở của người Việt, e rằng đề tài quá rộng lớn.
Ở đây chỉ là một tập tản văn ghi lại các nghiên cứu, trải nghiệm và cảm nhận của tác giả về “ngôi nhà của thường dân người Việt” gồm các mặt kiến trúc, đặc thù nhà cửa, văn minh vật chất, lẫn nhân sinh quan, lề lối sinh hoạt, tâm tính cộng đồng…
Nội dung sách chia làm 3 phần:
–Ngoái nhìn lại nếp nhà xưa: giúp bạn đọc nhìn lại mái nhà truyền thống người Việt, gồm cả nông thôn, rừng núi và phố thi.
-Ngôi nhà bước vào thời mới: nói về nhà cửa người Việt giai đoạn tiếp xúc với phương Tây, chủ yếu là xây dựng mới ở thành thị.
-Tìm về một ‘Phong cách Việt – VietnamStyle’: nỗ lực của lớp kiến trúc trẻ tìm kiếm sáng tạo một phong cách ở riêng cho người Việt bước vào thế kỷ 21.
Tác giả KTS Nguyễn Hữu Thái tuy đã nghiên cứu và giảng dạy lâu năm về kiến trúc, nhưng khi được yêu cầu trình bày về ngôi nhà của thường dân người Việt, anh thú nhận bản thân mình cũng lúng túng do chưa am hiểu thấu đáo về sự xuất hiện, tồn tại và biến chuyển của ngôi nhà.
Chỉ gần đây, do yêu cầu viết một biên khảo về nếp ở của người Việt, anh mới tập trung nghiên cứu lại vấn đề một cách căn cơ hơn.
Nhà xuất bản chúng tôi đề xuất anh trình bày vấn đề Ngôi nhà Việt một cách dễ hiểu cho rộng rãi bạn đọc.
Do đó, bạn đọc đang có một câu chuyện kể, xoay quanh ý nghĩa, nguồn gốc và các biến chuyển của ngôi nhà Việt qua các thời kỳ. Từ mái nhà nông thôn Việt truyền thống, nhà sàn các dân tộc, nếp nhà cổ phố thị, đến những biến đổi của chúng khi đất nước tiếp cận với văn hóa và kỹ thuật phương Tây.
Tác giả cũng đặc biệt dành phần cuối sách giới thiệu các xu thế tìm tòi và phát triển một “Phong cách Việt – VietnamStyle” trong nơi ở của người Việt của lớp kiến trúc sư trẻ, từng được thế giới đánh giá cao, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và được giới truyền thông đề cập nhiều suốt mấy năm qua.
Đôi nét về tác giả
Kiến trúc sư – đô thị gia, nghiên cứu Việt Nam học
Nguyên chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-64)
Trên 40 năm hợp tác nghiên cứu, thiết kế và giảng dạy tại Việt Nam, Đông Á, Tây Âu và Bắc Mỹ.
Sách đã in:
Sài Gòn, có một thời như thế (2018), Sài Gòn từ Hòn ngọc Viễn Đông đến Thành phố Hồ Chí Minh (2017); 30/04/75, Saigon – sự kiện & đối thoại (2015); Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình (2013); Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 (2013); Thư gửi bạn trẻ – khơi dậy nguồn lực để vươn lên (2007); Xu hướng mới kiến trúc-đô thị thế giới & Việt Nam thời hội nhập (2003); Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam(2002); Hành trang bước vào thiên niên kỷ (2001).
Đồng tác giả:
Nửa thế kỷ kiến trúc Việt Nam (2010); Thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên (2008); Nhà ở nông thôn Nam Bộ (1984).
KTS Nguyễn Hữu Thái