13/11/2017

Giao thoa kiến trúc – giao thoa văn hóa, kiểm soát phát triển kiến trúc Hà Nội hội nhập

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Kiến trúc là một bộ môn nghệ thuật, tác phẩm kiến trúc có giá trị phải có chất lượng trong sáng tạo và phù hợp với xu thế thời đại, để trong tương lai sẽ trở thành những di sản giá trị của đô thị. Kiến trúc cũng là sự biểu hiện của văn hóa và với bối cảnh giao thương để phát triển thì sự giao thoa văn hóa là điều tất yếu, dễ hiểu, không chỉ dừng ở giao thoa giữa các vùng miền mà còn với các nền văn hóa khu vực, quốc tế. Sự thay đổi về chính trị, sự chuyển đổi về kinh tế và cả sự thay thế của người có trách nhiệm quản lý dẫn đến thay đổi cả về định hướng kiến trúc, phong cách kiến trúc và tạo ra các tác phẩm, công trình kiến trúc chịu ảnh hưởng, mang hơi hướng tác động của các tác nhân đó.  

Kiến trúc Nhà hát Lớn TP Hà Nội với sự tiếp thu mô hình và ngôn ngữ kiến trúc cổ điển Châu Âu

Kiến trúc Nhà hát Lớn TP Hà Nội với sự tiếp thu mô hình và ngôn ngữ kiến trúc cổ điển Châu Âu

Giao thoa kiến trúc và các biểu hiện
Trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử, có những giai đoạn Việt Nam bị phụ thuộc hay bị xâm chiếm. Các nước xâm lăng đều muốn áp đặt không chỉ về chính trị mà cả về văn hoá, nghệ thuật để đồng hoá và làm mất đi bản sắc của dân tộc Việt Nam, nhất là tại các khu vực đông dân cư và ở đô thị mang tính chất đầu não, trung tâm – thủ đô của đất nước.
Từ thời phong kiến thì một số cấu trúc thành lũy với kiểu dạng thức Vauban châu Âu hay một số chùa chiền ảnh hưởng kiến trúc Trung Hoa phía Bắc, Chăm miền Trung hay Khơ Me của Nam Bộ là biểu hiện của sự giao thoa kiến trúc với các nước.
Đặc biệt, từ khi thực dân Pháp xâm chiếm, phát triển các đô thị lớn thì việc áp đặt kiến trúc phương Tây không chỉ ở công trình kiến trúc riêng lẻ mà từ tổng thể quy hoạch. Ví như Hà Nội với mục tiêu xây dựng thành thủ phủ của Đông Dương thì ngay năm 1897, sau khi trở thành kiến trúc sư trưởng Hà Nội, kiến trúc sư Henri Vildieu bắt đầu quy hoạch lại theo phong cách quy hoạch đô thị phương Tây bằng việc xây dựng khu vực hành chính với hàng loạt trụ sở hành chính của Đông Dương và Bắc Kỳ, đưa nhà tù vào trung tâm khu dân cư, tương tự kiểu quy hoạch của nhiều thành phố Pháp thời đó. Năm 1924, Ernest Hébrard thực hiện kế hoạch đô thị hóa Hà Nội lần 1 trong đó quy hoạch lại khu vực hành chính vào trung tâm Hà Nội (khu Ba Đình hiện nay, phát triển các đường nhánh từ đại lộ có sẵn; Quy hoạch xung quanh khu vực hồ phía Tây Thành phố một không gian xanh như ở Paris. Kiến trúc sư trưởng Louis-Georges Pineau kế nhiệm Hébrand trong vai trò đưa ra kế hoạch đô thị hóa Hà Nội lần 2 với quy mô nhỏ hơn gồm kè bờ hồ Gươm; Xây dựng quảng trường Ernest-Hébrard (1937). Năm 1943, kế hoạch đô thị hóa cuối cùng với Hà Nội được Henri Cerutti, kiến trúc sư trưởng Thành phố đề xuất trong đó có phát triển tuyến đường sắt và thành phố về phía Nam; Xây dựng khu phố-vườn; Quy hoạch và nắn thẳng hệ thống đường nhánh…

Nha hang pho Co Ha Noi

Cải tạo công trình nhà ở theo phong cách kiến trúc Đông Dương tại tuyến phố đi bộ Tạ Hiện, Hà Nội
Từng thể loại công trình kiến trúc cũng bị áp đặt theo phong cách châu Âu: công trình công cộng, tôn giáo (nhà thờ với các vòm Gothic, cửa sổ kính màu và các hoạ tiết trang trí theo phong cách tân cổ điển hoặc chiết trung, trang trí gờ phào, hoa văn cầu kì) đến cả các công trình nhà ở dạng biệt thự cũng mang phong cách kiến trúc, gợi nhớ hình ảnh địa phương quê hương ở Pháp của các chủ nhân biệt thự (kiến trúc bắc Pháp vùng Normandie với mái có độ dốc lớp, đáp ứng tuyết không bám trên mái nhà, vùng Địa Trung Hải với công trình mái bằng, ban công, sân thượng rộng làm nơi hóng gió biển, hay tầng mái bao phủ bởi mái mansard dốc với ngói Ardoise ghi xám, tầng hầm nhằm cách ẩm, cách nhiệt cho phần thân nhà.
Khu phố cổ cũng được mở rộng giao thông, mặt nhà theo kiểu dạng thức của người Hoa, người châu Âu Hà Lan đến buôn bán (bổ sung chi tiết kiến trúc nhà hàng phố dạng cửa hiệu với dạng thức châu Âu như phố Lê Thái Tổ, Hàng Khay, có diềm mái tường chắn mái hoa văn trên phố Hàng Buồm, Mã Mây…).
Phải cho đến khi Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (sau này trở thành Tổng thống Pháp 1931-1932) có quyết định ngừng áp đặt kiến trúc châu Âu vào Việt Nam, xuất hiện một trào lưu mới, sau này gọi là kiến trúc Đông Dương mới được xây dựng bài bản, dần phổ biến, đem lại những kiến trúc phù hợp, thích ứng với khí hậu, tạo nên những công trình có giá trị cho đến tận ngày hôm nay như Đại học Dược, Viện Vệ sinh dịch tễ, Bảo tàng Lịch sử, trụ sở Bộ Ngoại giao… với hệ thống mái chồng diêm, hành lang rộng, cửa chớp, công trình trong tổng thể khuôn viên cây xanh.
Kiến trúc giao thông, đặc biệt là cầu Long Biên cũng được nghiên cứu áp dụng công nghệ, vật liệu thép tương ứng giai đoạn xây dựng của tháp Eiffel (Paris), trở thành một trong những cây cầu hiện đại nhất thế giới thời bấy giờ.
Mặc dù về cơ bản, công trình kiến trúc phong cách Đông Dương thời kì này vẫn có cấu trúc không gian và tổ chức mặt bằng, tỷ xích không gian lớn theo phong cách châu Âu nhưng có thể nói, cho đến tận ngày nay thì đây là thời kỳ mà đô thị Hà Nội được xây dựng bài bản theo đúng quy hoạch với cấp độ, quy mô, phạm vi lớn nhất và đã tạo nên một Hà Nội hài hoà, thống nhất trong ngôn ngữ tổng thể chung, mang dáng dấp đô thị châu Âu theo kiểu “thành phố vườn”, trở thành di sản đô thị giá trị, thậm chí để lại trong tiềm thức, chuyển thành tư duy suy nghĩ của không chỉ người dân mà cả nhà quản lý khi vẫn muốn tiếp tục sao chép hình ảnh của chúng trong xây dựng nhà ở tư nhân cũng như trụ sở, công trình công cộng.

Không gian khu phố mới với các kiến trúc nhà ống và chung cư cao tầng

Không gian khu phố mới với các kiến trúc nhà ống và chung cư cao tầng

Từ khi thực hiện chính sách Mở cửa 1986, nhiều công trình đầu tư nước ngoài đem đến cho kiến trúc Việt Nam luồng gió mới với hình ảnh các công trình xây dựng với công nghệ, vật liệu, phong cách kiến trúc hiện đại, xuất hiện các công trình cao tầng quy mô lớn, làm biến đổi thậm chí làm biến dạng cấu trúc hình thái không gian chung khu vực khi xây dựng trong khu vực nội đô lịch sử vốn chủ yếu là công trình thấp tầng.
Thời gian gần đây, trong quá trình thi tuyển quốc tế, để lựa chọn phương án, nhiều công trình mà hình dáng biểu trưng tưởng như mới đối với ta nhưng lại mang dáng dấp tương tự, thậm chí liên tưởng là copy (Bảo tàng Hà Nội với dạng kim tự tháp ngược, hình tượng bông sen Nhà hát Opera cũng na ná hình tượng nhà hát bên Trung Quốc).
Cũng phải thừa nhận việc giao lưu với các kiến trúc sư nước ngoài, qua tác phẩm thiết kế riêng hoặc liên danh thiết kế (chủ yếu phía Việt Nam triển khai bản vẽ hồ sơ kĩ thuật) đã kích thích sự phát triển kiến trúc Việt Nam, có sự tác động, ảnh hưởng lớn đến xu hướng sáng tác, góp phần để kiến trúc sư Việt Nam trau dồi kiến thức, công nghệ mới, bắt kịp xu hướng chung thế giới, tạo sản phẩm kiến trúc mang tính giao thoa quốc tế.
– Sự giao thoa do bị áp đặt về chính trị. Như đã nêu trên, trong lịch sử có những giai đoạn Việt Nam bị đô hộ, xâm chiếm nên chịu sự áp đặt toàn diện từ quy hoạch đô thị đến phong cách kiến trúc từng công trình tại Hà Nội cho đến nay những hình ảnh đô thị rõ nét nhất trong khu vực nội đô lịch sử vẫn là giai đoạn thực dân Pháp xâm chiếm (1873-1954): hệ thống mạng đường ô bàn cờ, công trình kiến trúc mang dáng dấp châu Âu thời bấy giờ, các loại hình công trình lần đầu được xây dựng: nhà thờ, nhà băng, các trụ sở, dinh thự quy mô lớn… tạo nên đô thị hài hoà tỷ lệ giữa công trình – cây xanh – đường phố, xóa nhòa sự khác biệt giữa các phong cách.
– Sự giao thoa do sự “chấp nhận” về kinh tế. Giai đoạn phong kiến, khu vực có các thương gia nước ngoài đến buôn bán, sinh sống đều mang theo và để lại dấu ấn kiến trúc của đất nước họ: kiến trúc Trung Hoa thể hiện qua công trình Tổng cục Thể dục thể thao phố Trần Phú, trụ sở báo Quân đội phố Lý Nam Đế, các hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến (phố Lãn Ông, Hàng Buồm), nhà hàng phố với diềm mái, hoa văn họa tiết, màu sắc…
Giai đoạn trước “Đổi mới” 1986, các công trình được các nước trong khối XHCN viện trợ kinh phí xây dựng nên thiết kế theo ý tưởng, biểu hiện văn hóa của đất nước đó, cho dù có hiệu chỉnh ở một số chi tiết nhỏ cho phù hợp với Việt Nam: Cung hữu nghị Việt Xô (Liên Xô tặng), Nhà hát múa rối Thăng Long (do Tiệp Khắc tặng)…
Hà Nội, với tính chất thủ đô, có sự phát triển kinh tế càng mạnh thì cường độ giao thoa càng lớn, mâu thuẫn giữa đòi hỏi về kinh tế với yêu cầu của văn hóa, bảo tồn đô thị càng phức tạp, thậm chí đôi khi phải trả giá đắt, phải đánh đổi để thu hút đầu tư nước ngoài, yếu tố kinh tế lấn lướt yếu tố văn hóa, những yêu sách về quy mô công trình, kiểu dáng kiến trúc chỉ đáp ứng tức thời mà dẫn đến những tác hại lâu dài của sự bền vững cho thế hệ con cháu: Trong giai đoạn đầu mở cửa, Khách sạn Melia 18 tầng, kính bao bọc tại khu phố cũ vốn có quy mô trung bình 2-3 tầng, khu đô thị mới Ciputra với phong cách kiến trúc tân cổ điển… giữa khu vực làng xóm cũ bao quanh.
– Sự giao thoa do tư duy, văn hóa của lãnh đạo đơn vị quản lý phát triển đô thị. Nhắc đến Paul Doumer với quyết sách chấm dứt sự áp đặt kiến trúc phương Tây vào Hà Nội, mở ra kiến trúc có sự giao thoa Âu – Á, gọi là kiến trúc Đông Dương: khai thác các yếu tố bản địa truyền thống nhằm thích ứng với khí hậu nhiệt đới như mái ngói dốc chồng diêm, hành lang rộng, cửa chớp ngăn mưa nắng… tạo ra các công trình tiêu biểu, đặc trưng. Đây có thể coi là một giai đoạn rực rỡ của kiến trúc Hà Nội ở quy mô lớn và có định hướng rõ ràng, để lại một quỹ di sản đô thị phong phú với các công trình kiến trúc giá trị.

Nhà ở với các chi tiết trang trí rườm rà đang xuất hiện ngày một phổ biến

Nhà ở với các chi tiết trang trí rườm rà đang xuất hiện ngày một phổ biến

Tuy nhiên, sau nửa thập kỷ, sự ảnh hưởng của kiến trúc Pháp đã “gieo rắc” trong tư duy của lãnh đạo đơn vị quản lý, thậm chí gần đây có vị từng phát biểu “sẽ biến Hà Nội thành Paris thu nhỏ”, “quyết liệt” đến mức trong thỏa thuận kiến trúc của giai đoạn này, chủ đầu tư muốn xây dựng công trình bắt buộc phải ốp thêm tầng mái với độ dốc tựa giả mái mansard, để lại những hàng “nhái” được liệt vào trang đen của tạp chí Kiến trúc, điển hình như Bộ Tài chính (góc phố Phan Chu Trinh) – hình thức công trình bị áp đặt không theo đúng tỷ xích như các công trình xây dựng thời kỳ Pháp xâm chiếm. Đây thực sự là điều đáng buồn cho kiến trúc sư hoạt động nghề, và là bước thụt lùi của kiến trúc khi phong cách công trình xây dựng không đánh dấu được thời đại xây dựng. Cũng rất may mắn, trong giai đoạn này, các Hiệp hội chuyên ngành đã lên tiếng kịp thời phản bác, ngăn cản được phần nào. Tuy nhiên, các tỉnh thành miền Bắc giai đoạn này cũng đã đi theo trào lưu các công trình “nhái cổ” này.
– “Giao thoa” do tư duy của các chủ đầu tư “lớn”. Nếu đơn vị quản lý “bị điều khiển” bởi các “Ông lớn” trong đầu tư bất động sản, không kiểm soát tốt thì cũng dễ chấp thuận một chiều, tạo nên những sản phẩm chỉ đáp ứng nhu cầu chủ đầu tư đó mà không tạo nên sự kết nối địa bàn, không gian đô thị chung: Không gian quy mô lớn The Manor với phong cách kiến trúc châu Âu, công trình có mái dốc dạng mái marsard, khu đô thị Royal City với phong cách Tân cổ điển… dù xây dựng ở thế kỷ 21!!!
Các công trình trụ sở hay chức năng trong “lãnh thổ riêng” của lĩnh vực quốc phòng, an ninh… xây dựng thời gian qua cũng không (thể) được kiểm soát tốt đã tạo nên những tác phẩm kéo tụt sự sáng tạo kiến trúc, quay lại hàng thế kỷ (như Bảo tàng không quân trên phố Trường Chinh có dạng thức “nhái” Nhà hát Lớn)!!!
– Sự tác động – ảnh hưởng qua lại của các đơn vị tư vấn thiết kế. Với quy định tư vấn nước ngoài phải liên danh liên kết với đơn vị tư vấn địa phương nhưng thực chất là kiến trúc sư nước ngoài thiết kế ý tưởng, chủ trì đồ án, kiến trúc sư Việt Nam chỉ là đơn vị triển khai thiết kế kỹ thuật. Do đó sự ảnh hưởng về kiến trúc ngoại lai là rất lớn.
Với tính chất thủ đô nên trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều đơn vị tư vấn nước ngoài hoặc liên danh có yếu tố nước ngoài. Đơn vị quản lý hoặc nể nang, tự ti hoặc yếu kém về năng lực cũng để lại hậu quả phương án kiến trúc “mặc trôi” theo ý tưởng chủ quan của tư vấn ngoại.

Kiểm soát phát triển kiến trúc Hà Nội thời hội nhập
Giao thoa kiến trúc là tất yếu trong sự giao lưu, hội nhập cùng phát triển trong thế giới phẳng, xu thế toàn cầu hóa. Ngày nay, môi trường thông tin đa chiều nhanh nhạy cũng giúp cho kiến trúc mỗi quốc gia hội nhập, dần tiệm cận với xu thế, phong cách kiến trúc chung của thế giới với mục tiêu kiến trúc phát triển bền vững, kiến trúc xanh. Tuy nhiên, nếu không đủ trình độ để kiểm soát sự phát triển thì kiến trúc bản địa sẽ bị lệ thuộc và mất đi đặc tính bản địa. Và hòa nhập sẽ đồng nghĩa hòa tan.
Nhìn lại những gì đã qua nếu giao thoa theo đúng nghĩa, chúng ta có được sản phẩm kiến trúc tốt và bản sắc. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với tính chất đi đầu, dẫn dắt ở hai đầu cầu đất nước nếu không định hướng kiểm soát tốt kiến trúc sẽ trở thành “tấm gương xấu” cho các đô thị cả nước dẫm bước theo. Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã có được công trình kiến trúc Bitexco được xếp top 5 công trình đẹp trên thế giới. Còn Hà Nội là nơi nhận diện bản sắc văn hoá của cả Việt Nam thì đến nay lại chưa phát huy được tính tiêu biểu, tính đại diện và cấp độ Thủ đô trong quản lý, kiểm soát phát triển kiến trúc.
Qua các nguyên nhân tác động đã nêu, để kiểm soát phát triển kiến trúc lành mạnh, bền vững đảm bảo sự hội nhập, giao thoa cần có tầm nhìn dài hạn và những bước đi ngắn nhưng chuẩn chỉ trong tầm nhìn đó. Cụ thể, xin được trao đổi:
– Quy hoạch đô thị với những bước thiết kế đô thị và định hình phong cách, xác định các khu vực tương ứng với phong cách đó; Hà Nội đã có các quy hoạch phân khu nhưng các quy định kèm theo không đủ chuẩn, rõ để chính quyền kiểm soát phát triển, định hướng khu vực và kiến trúc tương ứng cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, đơn vị thiết kế thực hiện theo;
– Kế hoạch phát triển đô thị chưa được phê duyệt cho dù quy hoạch chung đã phê duyệt hơn 6 năm, theo đó phải xác định các khu vực cần triển khai ngay nhằm trở thành yếu tố hạt nhân, tạo thị, xác định các công trình chủ thể dẫn hướng mang tính định hướng kiến trúc đại cục, ví dụ như khu vực đô thị Tây hồ Tây với kiến trúc quốc tế, hiện đại; các khu vực cho tự do sáng tác như khu vực ngoại ô Thành phố, các khu Ngoại giao đoàn với các khu đất quy mô lớn, tạo khoảng cách giữa các khu đất bằng cây xanh, cảnh quan lớn cho việc sáng tạo kiến trúc đa phong cách có được không gian thụ cảm thẩm mỹ, đồng thời không ảnh hưởng lẫn nhau;
– Quy định quản lý quy hoạch kiến trúc từ cấp độ chung của Thành phố đến từng khu vực đặc thù còn chung chung, cần định lượng, tiêu chí cụ thể cho từng phong cách kiến trúc cho mỗi khu vực, nhất là đối với các khu vực có tính đặc thù như khu phố cổ, khu phố cũ, các tuyến phố đặc trưng;
– Đơn vị tư vấn: Loại bỏ tư tưởng sao chép, nhại cổ; phát huy tính sáng tạo chất lượng, tác phẩm kiến trúc mang hơi thở, đánh dấu được thời đại xây dựng;
– Kiến trúc biểu hiện văn hóa, năng lực quản lý. Vì vậy cần nâng cao trình độ quan trí, dân trí, đặc biệt là đối với cấp quận huyện được phân cấp quản lý thông qua các lớp đào tạo, tái đào tạo;
– Phổ biến thông tin tuyên truyền ở mức rộng rãi, phổ cập để mỗi tổ chức, cá nhân nắm bắt các đặc điểm của kiến trúc khu vực mình, tham gia đầu tư xây dựng phù hợp, có cơ chế khen thưởng các mẫu thiết kế xây dựng phù hợp, xử phạt ở mức mang tính răn đe đối với các công trình cố tình xây dựng sai quy định quản lý.
– Trong nghiên cứu, đào tạo cần sự thay đổi trong nhận thức của đội ngũ giảng viên, giáo trình để người làm nghề nắm chắc, làm chủ kiến trúc truyền thống, đồng thời giao lưu trong sự hội nhập chung của quốc tế, khu vực ASEAN, cập nhật thường xuyên xu hướng thế giới, đảm bảo định hướng phát triển kiến trúc tiên tiến hiện đại mà vẫn giữ và phát huy ưu điểm, bản sắc dân tộc như phương thức phát triển của kiến trúc Nhật Bản, Trung Quốc giai đoạn hội nhập.
Giao thoa kiến trúc cần được hiểu và thực hiện giữa Tính quốc tế (Global) + Tính bản sắc địa phương (Local) = Hội nhập (Glocal), tồn tại hài hoà liên tục trong không gian và thời gian giữa ba hướng dân tộc, dân tộc hiện đại và hiện đại từng khu vực. Hà Nội là Thủ đô và kiến trúc Hà Nội đẹp sẽ góp phần định hướng, góp phần đẩy nhanh con tàu kiến trúc Việt Nam đến bên bờ phát triển: hội nhập mà bản sắc./.

Ths. KTS Nguyễn Phú Đức