02/05/2018

Giải pháp tổng thể thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu VLXD

Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp tổng thể thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu vật liệu xây dựng (VLXD) theo hướng đầu tư công nghệ tiên tiến, sản phẩm đạt chất lượng cao, tiêu hao nhiên liệu và năng lượng thấp, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên, loại bỏ công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.


Ảnh minh họa.

Cần có giải pháp tổng thể

Để đạt được điều này, cần giải pháp tổng thể, đó là tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết 19 của Chính phủ về “Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, trong đó đối với việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu VLXD gồm: Cải cách thủ tục hành chính trong việc xuất khẩu, vay vốn, nộp thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa; nghiên cứu xây dựng chính sách tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm VLXD trong nước đã sản xuất được, trên cơ sở phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia WTO cũng như cam kết quốc tế khác; bố trí nguồn vốn hỗ trợ xuất khẩu trong việc xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ quốc tế, nghiên cứu xây dựng cơ chế thưởng xuất khẩu; nâng cao năng lực của các cơ quan xúc tiến thương mại để nghiên cứu, điều tra dự báo thị trường VLXD một cách chính xác kịp thời (về nhu cầu, chất lượng, giá cả, tập quán…); công khai các chương trình xúc tiến thương mại hàng năm và các chương trình khác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm VLXD; tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá, chống nhập lậu hàng hóa VLXD, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bên cạnh đó, cần các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý trong việc quản lý mặt hàng xuất khẩu, nhằm giảm gọn thủ tục hành chính về xuất khẩu, tiết kiệm thời gian chi phí cho doanh nghiệp.

VLXD không ngừng phát triển

Ngành sản xuất VLXD đã phát triển không ngừng, với công nghệ hiện đại, từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, các chủng loại sản phẩm VLXD chủ yếu cơ bản đã thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước, một số sản phẩm đã tham gia vào thị trường xuất khẩu như: Xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát.

Cả nước hiện có tổng công suất sản xuất xi măng là 89 triệu tấn/năm, chiếm 2% sản lượng xi măng thế giới (4,5 tỷ tấn/năm), đứng đầu các nước ASEAN, bằng khoảng 4,85% năng lực sản xuất của so với Trung Quốc (gần 2 tỷ tấn/năm), gấp 1,9 lần so với Thái Lan (47 triệu tấn/năm); tổng công suất gạch ốp lát 705 triệu m2/năm, bằng 5% so với năng lực sản xuất của thế giới (14 tỷ m2), bằng gần 11% so với năng lực sản xuất của Trung Quốc 7,0 tỷ m2; các dây chuyền chế biến đá ốp lát đầu tư đồng bộ, hiện đại có thể cưa cắt các tấm đá kích thước lớn, nâng cao tỷ lệ thu hồi sản phẩm, hệ thống mài và đánh bóng tự động, cả nước có khoảng 130 cơ sở cưa xẻ đá ốp lát được đầu tư với năng lực chế biến khoảng 16 triệu m2/năm, công suất hoạt động thực tế đạt khoảng 60 – 70% công suất thiết kế; tổng công suất sứ vệ sinh 20 triệu sp/năm, bằng 1,5% so với năng lược sản xuất của thế giới (1,3 tỷ sp/năm), bằng gần 4% năng lực sản xuất của Trung Quốc (500 triệu sp/năm), chiếm 17% của ASIAN (120 triệu sp); tổng công suất kính xây dựng gần 200 triệu m2 kính quy tiêu chuẩn (QTC)/năm bằng 2% sản lượng kính thế giới.

Chưa kể, từ năm 2017 – đầu năm 2020, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư 06 dây chuyền với tổng công suất thiết kế 217 triệu m2 QTC/năm, nâng tổng công suất thiết kế lên 417 triệu m2 QTC/năm, các mặt hàng kính đa dạng, phong phú, có giá trị kinh tế cao như kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu mỏng, siêu trắng để làm màn hình cản ứng, làm pin năng lượng mặt trời.

Những năm gần đây, sản xuất VLXD đã đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng và còn dư khoảng từ 10 – 30% công suất phục vụ cho xuất khẩu như sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh đã xuất đi gần 40 nước trên thế giới, giá trị xuất khẩu các sản phẩm VLXD chủ yếu năm 2017 đạt 1,67 tỷ USD.

Chú trọng chính sách

Công tác quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng về xuất, nhập khẩu VLXD luôn được chú trọng bằng việc ban hành các văn bản như Thông tư số 04/2012/TT-BXD ngày 20/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hư¬ớng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng (hiện nay, Thông tư 04 đang được Bộ Xây dựng sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế); Thông tư số 25/2016/TT-BXD ngày 09/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công bố danh mục và mã số HS vật liệu amiăng thuộc nhóm amfibole cấm nhập khẩu; Thông tư số 09/2017/TT-BXD ngày 05/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xuất khẩu vôi, đôlômit nung; Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hoá vật liệu xây dựng và hướng dẫn chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng, sửa đổi các Thông tư quy định chính sách thuế, xuất nhập khẩu hàng hoá, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan sát với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp. Hiện, Bộ Xây dựng đã giao cho các cơ quan chuyên môn rà soát danh mục mã số HS nhằm cập nhật kịp thời, bổ sung nhưng thông tin mô tả về hàng hoá VLXD đáp ứng quá trình hội nhập của ngành VLXD.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa VLXD chưa có chiến lược giới thiệu quảng bá sản phẩm, chưa có sự liên kết hợp tác, chia sẻ thông tin thị trường nhằm nâng cao giá trị của mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng VLXD chưa ổn định ảnh hưởng tới tâm lý doanh nghiệp, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Thủ tục hành chính trong việc xuất nhập khẩu, còn phức tạp, kéo dài làm phát sinh chi phí. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, dịch vụ logistic cao dẫn đến chi phí giá thành sản phẩm tăng, làm giảm tính cạnh tranh của mặt hàng VLXD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Viện VLXD và các hiệp hội nghề nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu VLXD năm 2017 ước đạt khoảng 1.670 triệu USD, trong đó dẫn đầu là xi măng 780 triệu USD, đá ốp lát 220 triệu USD, gạch gốm ốp lát 350 triệu USD, sứ vệ sinh 120 triệu USD, kính thủy tinh 200 triệu USD.

Thanh Nga/BXD