Hội thảo do Hiệp hội Cấp Thoát nước Việt Nam chủ trì, cùng sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng. Nội dung hội thảo xoay quanh vấn đề được xã hội quan tâm nhất hiện nay, đó chính là thực trạng thoát nước và ngập úng tại các đô thị lớn tại Việt Nam – điển hình là TPHCM.
Góp mặt tại sự kiện là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cấp thoát nước gồm: PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp Thoát nước Việt Nam; GS. TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng – Trưởng Ban Khoa học Công nghệ Hội Cấp Thoát nước Việt Nam và nhiều diễn giả đến từ các hiệp hội và doanh nghiệp quốc tế đến từ Hà Lan, Nhật Bản…
Theo Ủy ban nước Liên hiệp quốc (UN – Water) dự kiến đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng khoảng 2 tỷ người và nhu cầu về nước toàn cầu có thể sẽ tăng 30% so với hiện nay.
Hiện nay, có khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước, và hơn 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn. Việt Nam là một trong những nước hứng chịu thiên tai lớn nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, kéo theo những thiệt hại về kinh tế hàng năm được xác định khoảng 1,5% GDP, sẽ tăng lên 3% vào năm 2050 và lên tới 7% GDP trong năm 2100.
Trong những năm gần đây, ngành nước Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện – với 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h, chất lượng dịch vụ và chất lượng nước đã được cải thiện với tổng công suất thiết kế đạt 9,3 triệu m3/ngày đêm – góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực cấp, thoát nước.
Những đô thị đông dân, điển hình như Hà Nội và TPHCM, việc cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, đủ lưu lượng và đảm bảo chất lượng nước theo quy chuẩn quy định là một thách thức lớn.
Huy Hùng/Pháp luật và Xã hội