21/08/2017

Giải pháp quản lý, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị

Ngày 20/8, tại UBND TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Cụm đô thị vùng Đông Bắc (Hiệp hội các đô thị Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp quản lý, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị”. Tới dự Hội thảo có đồng chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh.


Hội thảo chuyên đề “Giải pháp quản lý, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị”

Cụm đô thị vùng Đông Bắc gồm 14 đơn vị: TP.Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái và Thị Xã Quảng Yên, Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn); TP.Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn); TP.Thái Nguyên, TP Sông Công (tỉnh Thái Nguyên); TP.Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang); TP.Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng); TP.Việt Trì và Thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ).

Để có thể trao đổi kinh nghiệm, góp thêm tiếng nói trong Hiệp hội các đô thị Việt Nam, hàng năm Cụm đô thị vùng Đông Bắc tổ chức Hội nghị thường niên và Hội thảo chuyên đề tại địa điểm đăng cai luân phiên.

Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, trong nửa cuối năm 2016 đầu năm 2017, các đô thị trong Cụm đô thị vùng Đông Bắc đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc triển khai thực hiện các tiêu chí thi đua do Hiệp hội đề ra. Các đô thị trong cụm đã tích cực phát động phong trào thi đua tìm giải pháp quản lý, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn thông qua việc tổ chức các hội nghị, lồng ghép các phong trào thi đua, đồng thời tập trung các nguồn lực, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các thành phố, thị xã trong Cụm đô thị vùng Đông Bắc đã phát biểu tham luận chỉ ra những thuận lợi, khó khăn riêng của từng địa phương trong việc thực hiện các giải pháp quản lý, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Theo đó, đánh giá chung cho thấy, diện mạo các đô thị trong vùng đang ngày một phát triển. Công tác chỉnh trang đô thị chuyển biến rõ rệt, kiến trúc và cảnh quan đô thị được quan tâm đầu tư phát triển với sự xuất hiện ngày càng nhiều các quần thể kiến trúc, mảng đô thị hiện đại như: Quảng trường thành phố, trung tâm thương mại, văn hóa thể thao…

Song song với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thành các khu đô thị với hệ thống hạ tầng đồng bộ, thì hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội như: Hệ thống giao thông, cấp nước, chiếu sáng, cây xanh thu gom và xử lý chất thải, các công trình công cộng đều được các đô thị quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trong khu vực vẫn còn nhiều điểm cần phải khắc phục, chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển kinh tế- xã hội. Tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp, tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa, xả thải chưa qua xử lý… là hiện tượng phổ biến. Việc thu gom rác thải sinh hoạt cũng còn nhiều bất cập, rác chưa được phân loại từ đầu nguồn, việc tái chế sử dụng lại chưa được thực hiện; nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng để kinh doanh, chiếm dụng lòng đường gây cản trở giao thông, tình trạng vi phạm luật giao thông; xây dựng trái phép, không phép còn diễn ra gây ảnh hưởng đến diện mạo đô thị các địa phương.

Nguyên nhân cũng được các nhà quản lý đô thị chỉ ra như: Một phần ý thức chưa cao của người dân, bên cạnh đó là việc quan tâm giải quyết các vấn đề đô thị của chính quyền các cấp đôi lúc chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả, một số cán bộ chuyên môn quản lý đô thị chưa đáp ứng được mức độ đòi hỏi của khối lượng công việc, đầu tư hạ tầng còn thấp do nguồn lực tại chỗ hạn chế.

Một trong các giải pháp quản lý, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được đề cập đó là cần phải có quy hoạch mang tính khả thi cao và dài hạn; sau quy hoạch, cần phải làm tốt công tác quản lý và triển khai quy hoạch, mà mấu chốt là việc huy động các nguồn lực trong và ngoài địa phương; đồng thời với việc lựa chọn được những đơn vị tư vấn, nhà đầu tư uy tín, có năng lực cũng rất cần thiết…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh chia sẻ: Trong quá trình phát triển đô thị hiện nay, việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật tại hầu hết các đô thị đều gặp khó khăn do nhu cầu về nguồn vốn đầu tư lớn và phụ thuộc chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc tìm ra được những mô hình giải pháp, kinh nghiệm, huy động nguồn lực…nhằm quản lý, phát triển đô thị phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của Việt Nam. Đó là nhiệm vụ quan trọng của các chính quyền địa phương, các cấp, các ngành trong thời gia tới đây.

Kết thúc Hội thảo, các đô thị đã thông qua biên bản ghi nhớ, phát động phong trào thi đua năm 2018.

NTV/BXD