Phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là mục tiêu của rất nhiều TP trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển thành công như những TP lớn trên thế giới thì điều quan trọng không phải là sao chép lại các mô hình sẵn có mà cần tìm ra giải pháp để giải quyết những vướng mắc còn tồn tại.
Ảnh minh họa.
Dự báo đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị. Tại Việt Nam, hiện có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đang tăng rất nhanh, khoảng 37,5%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có dân số đô thị chiếm khoảng 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Điều này sẽ tạo nên áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và không gian sống, đòi hỏi các kiến trúc sư, các nhà xây dựng phải nắm bắt, đáp ứng được xu hướng thực tế và nhu cầu sống của cộng đồng. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời và phát triển các đô thị thông minh, giúp cộng đồng cư dân phát triển bền vững.
Phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là mục tiêu của rất nhiều TP trên thế giới. Tại Việt Nam, đã có gần 20 tỉnh, TP trên toàn quốc đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh. Việc lên kế hoạch, nghiên cứu lộ trình các giải pháp phục vụ cho mục tiêu xây dựng, phát triển các đô thị thông minh và bền vững không chỉ là vấn đề quốc gia mà còn cần có sự đóng góp của cả các DN và người dân.
Ông Trần Quốc Thái – Phó Cục Trưởng Cục Phát triển Đô thị chỉ ra rằng: Trong phát triển đô thị, việc quy hoạch các lĩnh vực hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ cho người dân là một trong các nhiệm vụ định hướng hoạch định cụ thể để xác định không gian chức năng, các mục tiêu phát triển không gian đất, sản xuất công nghiệp, không gian mặt nước được rõ ràng. Tuy nhiên, một trong những thách thức khó khăn nhất chính là quản lý quy hoạch.
Cũng theo ông Thái, triển khai thí điểm xây dựng một đô thị thông minh có các mức độ khác nhau là mức độ toàn quốc, mức độ toàn TP và ở mức độ này thì có liên quan đến nhiệm vụ của chính quyền, mức độ cuối là nhiệm vụ của các khu đô thị cụ thể.
Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với một số nhà đầu tư để nghiên cứu triển khai các khu đô thị thông minh. Vấn đề không chỉ đơn thuần là đưa ra các công nghệ sau đó áp dụng mà các quy định, trách nhiệm các hệ thống quản lý giám sát đi theo thế nào.
Trong thời gian tới, cùng với sự phối hợp với các nhà đầu tư nghiên cứu thị trường và tiềm năng đưa vào các khu đô thị cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành xây dựng các quy chế trong quản lý và đầu tư khu đô thị thông minh.
Ông Vũ Hồng Phong – Giám đốc dự án, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cho biết: Để phát triển đô thị thông minh cần xét đến yếu tố quan trọng như hạ tầng giao thông, diện tích cây xanh và giáo dục. Hệ thống giao thông của Singapore tích hợp từ xe bus, tàu điện ngầm chỉ bằng một tấm thẻ. Tuy nhiên, để làm được những điều đó thì chúng ta cũng cần phát triển ra một hệ thống phương tiện thông minh, đồng đều. Điều Việt Nam cần làm là tìm giải pháp xử lý các vấn đề để làm sao giải quyết triệt để các vướng mắc còn tồn tại.
Hà Đào/BXD