25/09/2018

Giải pháp linh hoạt tổ chức không gian nội thất nhà phố

(Tạp chí KTVN) – Trong bối cảnh đô thị Việt Nam hiện đại, nhà phố là một thể loại đặc trưng và phổ biến nhất, đặc biệt khi văn hóa xe máy còn ngự trị tại các đô thị lớn. Với bề mặt ngôi nhà thường trong khoảng 4-6m (cá biệt có nhỏ hơn trong một số tuyến phố cũ), nhà phố cũng có nhiều dạng quy mô khác nhau từ 50-60-80m2. Nếu nhà phố trong các khu phố cũ được xem là thích ứng với điều kiện “lịch sử để lại”, rất cần có những nghiên cứu đánh giá và định hướng tổ chức không gian nội thất linh hoạt với loại nhà liền kề xuất hiện trong các tuyến phố mới và các khu đô thị mới tại các đô thị hiện nay.

Nội thất nhà phố mới thiết kế theo giải pháp liên hoàn để khắc phục hạn chế cứng nhắc trong tổ chức không gian

Nội thất nhà phố mới thiết kế theo giải pháp liên hoàn để khắc phục hạn chế cứng nhắc trong tổ chức không gian

Những tồn tại trong tổ chức không gian nội thất nhà phố hiện nay

Được xem là loại hình nhà ở phổ biến nhất, việc “bùng nổ” cải tạo và xây dựng nhà phố đang diễn ra ở hầu khắp các đô thị hiện nay. Về tổ chức không gian nội thất, bên cạnh một số ưu thế riêng, thì mô hình nhà phố hiện nay cũng còn tồn tại một số vấn đề cần sớm được khắc phục, để hướng đến tính tiện ích và bền vững.

Với chiều cao tối đa thông thường là 5 tầng, cấu trúc không gian các ngôi nhà phổ biến với cấu trúc cầu thang giữa, khu vệ sinh bám quanh cầu thang, có thiết kế từ 1 đến 2 khu tùy theo quy mô. Các không gian chức năng được xếp theo thứ tự từ thấp tới cao thường phổ biến là không gian kinh doanh, để xe máy, phòng khách, bếp ăn, ngủ chính (bố mẹ), các phòng ngủ con, không gian đa năng, thờ cúng, sân phơi trên mái, vườn trên mái. Cấu trúc này phổ biến vì nó đáp ứng đa số các nhu cầu sống của người dân đô thị.

Một số nhược điểm của thể loại nhà phố nêu trên có thể kể đến đó là:

Nhà có chiều cao lớn: Với quan điểm nhà cao cửa rộng, nhà sau xây cao hơn nhà trước. Chiều cao các tầng nhà trong ngôi nhà phố thường là 3,9 m (thậm chí 4,2m) cho tầng 1, các tầng trên có thể cao tới 3,6m; đặc biệt là giai đoạn bao cấp và những năm trước 2000. Thời gian này do điều kiện kinh tế nhà phố chủ yếu là do dân tự xây trên tinh thần tham khảo cải tiến những mẫu đã có. Khi chiều cao tầng lớn kéo theo diện tích cầu thang tăng lên đáng kể gây hẹp các không gian còn lại và bất tiện trong sử dụng hàng ngày, chưa nói đến việc tăng phí cho điều hòa và chiếu sáng. Kinh nghiệm cho thấy chiều cao tầng nhà nên nhỏ hơn 3,6m cho tầng 1 và khoảng 3m cho các tầng trên là phù hợp, sau này nhiều khu nhà phố xây mới đã khắc phục được điểm này.

Nhà có quá nhiều đồ đạc: Không gian nội thất nhà phố hiện nay phụ thuộc nhiều vào văn hóa ở, các thói quen của người dân Việt. Với bản tính thích tích cóp, tiết kiệm, người Việt có rất nhiều đồ đạc trong nhà: đồ mới, đồ cũ, đồ dự trữ… Bên cạnh đó điều kiện khí hậu bốn mùa một năm dẫn đến những đồ đạc không dùng đến khi chuyển mùa như quạt, đệm, chăn, chiếu,… cũng làm cho không gian trở nên khó bố trí ngăn nắp khi thiếu những không gian kho cất đồ.

Không gian tâm linh và yêu cầu về phong thủy: Trên thực tế có đến 90% người ở quan tâm hoặc đặc biệt quan tâm tới các yếu tố phong thủy như hướng cửa, hướng bếp, hướng ban thờ. Nếu áp đặt máy móc một số quan điểm về phong thủy theo quan niệm truyền thống thì việc thiết kế và bài trí nội thất trong ngôi nhà cũng thêm phần phức tạp, nhiều khi không thể đáp ứng hết các yêu cầu tâm linh đặt ra. Các nhà phố hiện tại đa phần bố trí phòng thờ ở những tầng trên cùng với nhiều lý do khác nhau.

Cấu trúc ngôi nhà cố định: Trong một số khu đô thị mới và các dự án nhà liền kề, các mẫu nhà được thiết kế sẵn điển hình và thi công hàng loạt nên khi các chủ nhà mua và nhận nhà đa số đều phải cải tạo, sửa chữa thậm chí là đập phá thay đổi cấu trúc dẫn đến lãng phí thời gian, vật liệu và tài chính. Một số ít dự án linh hoạt hơn khi cho người ở tự hoàn thiện bên trong, thậm chí tự phân chia lại không gian nội thất đã bỏ trống, là xu hướng phù hợp hơn với các đòi hỏi thực tiễn.

Hạn chế thông gió chiếu sáng không gian chức năng. Với cách “thiết kế” truyền thống kiểu cầu thang giữa, khu vệ sinh bám hai bên cầu thang, ngôi nhà phố thường không có khả năng thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên cho chính các không gian ở giữa nhà. Người ở cũng đưa ra sáng kiến bằng cách lấy ánh sáng qua ô cầu thang với mái kính và thông gió bên tum thang, tuy nhiên trên thực tế giải pháp này cũng không phát huy hết hiệu quả và khá phức tạp trong vận hành bảo trì. Trong nhiều nhà phố được KTS thiết kế riêng, có đưa vào các giải pháp giếng trời nhằm tăng cường khả năng thông thoáng chiếu sáng cho các không gian giữa nhà, khắc phục được các nhược điểm nêu trên.

Nội thất nhà phố  mới có cách bài trí khá ngẫu hứng theo sở thích của gia chủ

Nội thất nhà phố mới có cách bài trí khá ngẫu hứng theo sở thích của gia chủ

Thiếu phong cách nội thất đặc trưng hiện đại và tiếp nối truyền thống. Hiện nay việc sử dụng đồ đạc và trang trí nội thất trong nhà phố phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu và điều kiện tài chính của gia chủ. Các đồ đạc nội thất thường được sử dụng trong nhà phố gồm 03 xu hướng chính: Thứ nhất, đồ gỗ giả cổ hoặc đồ cổ ở một số gia đình có chủ nhà theo khuynh hướng nệ cổ. Thứ hai, đồ nhập khẩu từ các nước khu vực và kể cả các nước phương tây các nước phát triển. Thứ ba, đồ đạc được các xưởng sản xuất trong nước tự ý vay mượn và điều chỉnh mẫu mã nước ngoài.
Các mẫu thiết kế đồ đạc nội thất có phong cách, có đặc trưng phù hợp văn hóa, khí hậu, nhân trắc học của người Việt còn chưa có nhiều dù ở một vài công trình, một vài doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai theo hướng này.

Các mẫu đồ gỗ làng nghề giả cổ với nhiều chi tiết cầu kỳ phức tạp không còn phù hợp với thẩm mỹ và công năng đương đại. Các mẫu nội thất nhập khẩu thì xa xỉ, đắt tiền và phần lớn cũng chưa phù hợp với các điều kiện văn hóa đặc biệt là khí hậu Việt Nam, nhiều trường hợp nó chỉ thể hiện sự giàu có của gia chủ khi không có lựa chọn khác. Trong khi đó các đồ đạc có kiểu dáng vay mượn nước ngoài được các xưởng tự cải tiến còn thiếu bàn tay của các designer Việt Nam nên hình dáng kích thước và công năng sử dụng cũng chưa hẳn đã phù hợp.

Đánh giá chung, các mô hình nhà phố hiện đại tại một số dự án gần đây trong đó có mô hình liền kề và cả Shophouse đã mang đến những giá trị về cảnh quan, quy hoạch, diện mạo đô thị hấp dẫn hợp lý hơn nhưng ở góc độ không gian và nội thất vẫn đa số là những cấu trúc cố định được xây dựng đại trà.

Một số định hướng và giải pháp trong tổ chức không gian nội thất nhà phố hiện nay

Đối với các ngôi nhà hiện hữu, việc tổ chức lại không gian nội thất dựa theo các nhu cầu sử dụng cụ thể. Trước mắt và lâu dài cần “quy hoạch”, tổ chức lại và hợp lý hóa về mặt không gian chức năng trong cả ngôi nhà. Các giải pháp cải tạo nếu có cần được đặt ra một cách tổng thể trên tất cả các tầng chứ không đơn thuần là: “Nay sửa phòng khách, mai chỉnh phòng ngủ, cơi nới chỗ này, cải tạo chỗ khác một cách manh mún, đơn lẻ”.
Khả năng thông thoáng và chiếu sáng của từng không gian chức năng liên quan đến chất lượng không khí trong nhà cần được đặc biệt quan tâm thông qua “phẫu thuật” bởi các “nhát cắt” hợp lý cho sân trong, giếng trời đưa thêm không khí, ánh sáng và cây xanh vào ngôi nhà.

Thiết kế tổ chức giếng trời nhằm nâng cao tính tiện nghi và sinh thái cho không gian nội thất nhà phố

Thiết kế tổ chức giếng trời nhằm nâng cao tính tiện nghi và sinh thái cho không gian nội thất nhà phố

Về đồ đạc nội thất cũng cần từng bước thay thế đào thải một cách hợp lý các đồ dùng cũ. Khi cải tạo hoặc sắm mới đồ nội thất cần lưu ý tới công năng và thẩm mỹ hiện tại. Nếu như khám chữa bệnh ta thường tìm đến bác sĩ giỏi thì khi cải tạo ngôi nhà của mình ta nên tìm tới người thiết kế nhiều kinh nghiệm. Chính người ở cần đưa ra các đầu bài chi tiết ngoài đáp ứng công năng cần hướng tới thẩm mỹ hiện đại có bản sắc. Một phong cách Việt Nam đương đại trong nhà phố chỉ có thể có được khi chủ nhà đồng hành, đồng thuận với nhà thiết kế có trách nhiệm.

Đối với các công trình nhà phố xây mới, các dự án nhà phố xây mới hàng loạt cần có các căn cứ đúc rút từ thực tiễn nhu cầu của số đông, đặc biệt các thiết kế mẫu cần xuất phát chính từ các yêu cầu tối thiểu của không gian chức năng, từ kích thước đồ đạc nội thất để định đoạt kích thước ngôi nhà, tránh tình trạng chỉ tập trung vào mặt tiền bắt mắt mà đưa ra những không gian tùy tiện, chỗ thừa chỗ thiếu, hoặc không bố trí được nội thất sau này khi người ở vào nhận nhà.

Thiết kế mẫu nên theo hướng quy định sự tương đồng ở mặt ngoài dãy phố và tạo cơ hội cho một giải pháp phân chia phòng, buồng linh hoạt bên trong. Như vậy nhà phố xây sẵn không nên phân chia cố định các tường ngăn trong nhà để tạo nên một không gian linh hoạt, trao quyền thiết kế cho người ở và các designer đáp ứng từng nhu cầu cụ thể không ai giống ai.

Về mặt tổ chức không gian nhà phố ngày nay việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cũng là một yêu cầu bắt buộc và hợp xu thế. Các thiết bị và các cấu tạo mới cần xem xét áp dụng tối đa… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống trước mắt và cả khả năng bổ sung nâng cấp sau này khi có điều kiện kinh tế. Cân nhắc và xem xét các thiết bị mới như thang máy gia đình (home lift) các loại vách ngăn, mái che di động, hệ thống điều khiển tòa nhà, điều hòa và cấp nước nóng tiết kiệm năng lượng… Trong đó thang máy gia đình khi xuất hiện trong một ngôi nhà phố sẽ gần như là một cuộc cách mạng trong tổ chức không gian. Khi có thang máy việc bố trí không gian trong ngôi nhà có thể thay đổi hoàn toàn đảo ngược với các cách bố trí truyền thống. Đã có những trường hợp ngôi nhà lô phố có phòng khách và phòng ăn ở các tầng trên cùng đem lại những trải nghiệm khác biệt khá thú vị.

Các kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất phải là người tiên phong và định hướng trong việc tổ chức không gian và định hình phong cách nội thất Việt Nam đương đại với các tiêu chí thiết kế đồ đạc nội thất.

Với riêng đô thị Hà Nội, qua nghiên cứu đánh giá, có 04 nguyên tắc cơ bản xây dựng phong cách nội thất trong nhà phố bao gồm: (1) Hình thức đơn giản, hiện đại, có chắt lọc các yếu tố bản sắc và truyền thống Việt Nam; (2) Công năng đảm bảo tính đa năng và tiện nghi trong sử dụng phù hợp với khí hậu Hà Nội; (3) Vật liệu giảm thiểu hàm lượng vật liệu gỗ tự nhiên, áp dụng tối đa vật liệu nhân tạo; (4) Cấu tạo đảm bảo sự đơn giản trong cấu tạo lắp ghép, mô đun, nâng cao tính bền vững và khả năng linh hoạt của đồ đạc.

Kết luận

Có thể rút ra những nhận xét chính về nhà phố các đô thị lớn Việt Nam hiện nay, về cấu trúc không gian cơ bản đáp ứng được những nhu cầu của cuộc sống đô thị với văn hóa xe máy và tính độc lập tương đối của ngôi nhà. Tuy nhiên chất lượng ở chưa cao do còn thiếu điều kiện thông thoáng, chiếu sáng và việc di chuyển theo phương đứng làm giảm kết nối giữa các không gian cũng như các thành viên trong gia đình. Về không gian và đồ đạc nội thất còn khá tự do, thiếu sự định hướng của giới chuyên môn, nên nội thất nhà phố nhìn trên tổng thể chưa thực sự tạo ra được phong cách riêng với những bản sắc và văn hóa ở Việt Nam cần được phát huy làm mới. Chính các tồn tại nêu trên về cấu trúc không gian và phong cách nội thất cũng là các mục tiêu đặt ra cho kiến trúc nhà phố hiện nay.

Tổ chức không gian nội thất cần đảm bảo tầm nhìn và hài hòa với thiên nhiên

Tổ chức không gian nội thất cần đảm bảo tầm nhìn và hài hòa với thiên nhiên

Việc tổ chức không gian nhà phố mới cần hướng tới các tiêu chí cải tạo hoàn thiện những cấu trúc không gian trong các ngôi nhà đã xây dựng, cũng như có các đề xuất giải pháp không gian linh hoạt cho các dự án nhà phố xây mới. Và đã đến lúc người ở cần hợp tác và đồng hành với kiến trúc sư, nhà thiết kế để cùng xây dựng phong cách nội thất Việt Nam đương đại trong thể loại nhà ở vô cùng rộng lớn này tại các đô thị lớn ở Việt Nam./.

PGS.TS Vũ Hồng Cương/Trưởng khoa Nội thất và Mỹ thuật công nghiệp – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội