Giải pháp đặc thù tái thiết bộ mặt đô thị
Hà Nội đang đẩy mạnh chỉnh trang, tái thiết, phát triển đô thị nhằm giải quyết các tồn tại, bất cập, đồng thời tạo bước đột phá xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Với quỹ đất hạn hẹp, mật độ dân số cao, việc TP vừa ban hành Quy chuẩn về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực 4 quận lõi nội đô Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng nhằm tạo điều kiện để khu vực này phát triển theo tiêu chí đặc thù riêng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Sức ép quá tải
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho hay, tại khu vực nội đô lịch sử gồm 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng với hiện trạng dân số khoảng hơn 887.000 người, diện tích 26,92km2. Với tính chất của đô thị mang tính lịch sử tồn tại hơn 1.000 năm ngày càng phát triển đã mang lại kinh tế giá trị cao cho Thủ đô.
Tuy nhiên, do đối diện với tốc độ phát triển nhanh, thời gian qua, khu vực này còn tồn tại không ít các bất cập, trong đó nổi cộm là vấn đề hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh, đặc biệt khu vực phía Tây và phía Nam TP như tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ có khoảng 14%, đạt khoảng 1/2 so với quy chuẩn.
Không chỉ thiếu hạ tầng giao thông, các công trình công cộng đô thị như cây xanh, công viên, vườn hoa, hệ thống trường học, chợ cũng thấp so với các quy chuẩn hiện hành, gây áp lực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, của chính quyền các địa phương.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa) Hoàng Thị Bảo Phương chia sẻ, hiện nay, trên địa bàn phường có 64 dãy nhà tập thể cũ cao 2 – 5 tầng nên mật độ dân cư tương đối cao. Cùng với đó, nhiều bệnh viện lớn nằm trên địa bàn phường dẫn đến mật độ dân cư cơ học rất lớn. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông ít, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, các không gian công cộng như sân chơi, vườn hoa, nhà sinh hoạt cộng đồng đang rất thiếu.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Hà Nội đã và đang thực hiện một số dự án cải tạo, mở rộng hai bên tuyến đường đi qua 4 quận trung tâm như đường Vành đai 1, Vành đai 2… Song có một thực tế, đường được xây dựng, mở rộng đến đâu, nhà cửa hai bên được xây dựng đến đó nhưng lại không có một quy tắc trật tự về khoảng lùi, sự thống nhất trong tổ chức không gian. Việc sử dụng vật liệu, trang trí mặt ngoài, mái công trình, biển quảng cáo mặt tiền tại các ngôi nhà cũng lộn xộn, tạo bộ mặt đô thị nhếch nhác.
Đầu năm 2021, TP đã phê duyệt 6 quy hoạch phân khu nội đô bao trùm 4 quận có định hướng chính là bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, trường đại học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô; cải tạo các không gian ở hiện có; cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ; phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị; bảo tồn di tích; hình thành hành lang xanh, không gian công cộng dọc theo sông Hồng; phát triển các trục chính đô thị, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm. Với định hướng này, nhiều người dân Thủ đô mong đợi bộ mặt đô thị sớm được cải thiện theo hướng văn minh, đồng bộ, phát triển hiện đại bền vững nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu bảo tồn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, 6 đồ án quy hoạch phân khu được duyệt mới là cơ sở pháp lý ban đầu. Để cụ thể hóa định hướng của quy hoạch phân khu vào thực tiễn cuộc sống, chính quyền địa phương phải triển khai tiếp các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị tại những ô quy hoạch để cấp phép xây dựng.
Do đó Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc vừa được ban hành là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, đảm bảo chất lượng sống cho người dân.
Quy chuẩn riêng cho khu vực đặc thù
Theo Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, để đảm bảo phát triển đô thị chất lượng, Hà Nội đã tuân thủ theo khung pháp lý quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Trong đó quy định về tiêu chuẩn đất đai, giao thông, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất…
Tuy nhiên, những quy định chung của cả nước chưa đáp ứng được đặc thù của Hà Nội, nhất là tại 4 quận lõi trung tâm với quỹ đất nhỏ hẹp, mật độ dân số cao. Do vậy, Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch kiến trúc tại 4 quận trung tâm vừa được ban hành là một hệ tiêu chí thể hiện tính đặc thù của khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội đã được khẳng định trong Luật Thủ đô.
Cụ thể, tiêu chuẩn về diện tích đất dành cho giao thông theo quy định tại các đô thị, nhất là đô thị đặc biệt phải từ 20-25%, nhưng trong Quy chuẩn kỹ thuật của Hà Nội lần này khẳng định đất dành cho giao thông tại khu vực 4 quận nội đô chỉ 18%.
Theo quy định chung, các công trình dịch vụ xã hội đã được nâng các tiêu chuẩn về xây dựng để đảm bảo chất lượng cao, nhưng trong điều kiện của các quận trung tâm Hà Nội rất khó áp dụng, vì vậy nhiều tiêu chuẩn đã được xem xét cho phù hợp. Ví như tiêu chuẩn về trường học, trong quy chuẩn của cả nước áp dụng bắt buộc 10-12m2/học sinh, nhưng với khu các quận lõi nội đô đã được các bộ, ngành thống nhất là 6m2/học sinh cũng được đảm bảo tiêu chí công trình giáo dục chất lượng quốc gia.
Tại quy chuẩn này đưa ra yêu cầu về mật độ xây dựng, độ cao công trình, tuy nhiên về độ cao mới chỉ đề cập đến nguyên lý phân chia tại từng khu vực. Trong đó khu vực hạn chế phát triển tại quận Ba Đình có phạm vi ranh giới là phần còn lại của khu vực nội đô lịch sử thuộc quận Ba Đình, phía Đông giáp Khu trung tâm Chính trị Ba Đình, phía Nam giáp khu vực hạn chế phát triển quận Đống Đa, phía Tây giáp đường Bưởi, phía Bắc giáp đường Hoàng Hoa Thám.
Tại quận Đống Đa, khu vực hạn chế phát triển có phạm vi ranh giới: Phía Đông giáp đường Lê Duẩn, Giải Phóng; phía Nam giáp đường Trường Chinh, Láng, Bưởi, phía Bắc giáp khu vực hạn chế phát triển quận Ba Đình và khu phố cũ quận Ba Đình. Khu vực hạn chế phát triển ở quận Hai Bà Trưng: Phía Đông giáp đường Nguyễn Khoái, phía Bắc giáp khu vực nội đô đã mở rộng quận Hoàng Mai, phía Tây giáp đường Giải Phóng, Lê Duẩn, phía Bắc giáp khu vực phố cũ quận Hai Bà Trưng.
Đặc biệt, không chỉ nêu những quy định mang tính đặc thù của các công trình kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, quy chuẩn mới đã đưa ra quy định cụ thể, đồng bộ về vấn đề môi trường như nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, hệ thống thu gom chất thải rắn, nhà tang lễ, nhà vệ sinh công cộng… trong khu vực này.
Vũ Lê/Kinh tế Đô thị