Giải Kiến trúc xanh năm 2017: Thay đổi nhận thức cộng đồng
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn (trái) ký thỏa thuận với nhà tài trợ tổ chức Giải Kiến trúc xanh quốc tế 2017. Ảnh: Phan An |
Tổ chức lần đầu vào năm 2014, liên tiếp trong 3 năm (từ năm 2014 đến 2016), “Kiến trúc xanh” là giải thưởng uy tín và chất lượng dành cho kiến trúc sư trẻ, sinh viên kiến trúc nhằm tôn vinh những công trình kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường. Qua 3 kỳ giải, nhiều công trình dự thi chất lượng như Bình House (kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa), Trường học Hoa rừng (Văn phòng Kiến trúc 1+1>2)… đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng.
Nhìn lại 3 kỳ giải đã qua, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Ngô Doãn Đức đánh giá: “Bản chất kiến trúc xanh đã dần được biểu hiện cao hơn, tính chuyên nghiệp thể hiện không chỉ trong việc trồng cây tạo màu xanh, mà có độ phong phú, tinh tường trong cách xử lý không gian, màu sắc, vật liệu… Những đồ án đoạt giải nhận được sự thừa nhận của xã hội và sự đánh giá cao trong giới nghề”.
Ở kỳ giải thứ 4, Ban tổ chức không chỉ đặt mục tiêu thúc đẩy ý tưởng xanh trong giới kiến trúc sư nước nhà, mà còn mong muốn truyền cảm hứng và làm lan tỏa kiến trúc xanh trong châu lục. Có nhiều lý do cho việc mở rộng quy mô. Thứ nhất, đó là khi hoạt động xây dựng và vận hành công trình làm tăng lượng phát thải CO2 – một trong các nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính, dẫn tới biến đổi khí hậu toàn cầu – ngày càng phổ biến, đòi hỏi tiêu chí kiến trúc xanh, công trình xanh ngày càng phải được đề cao. Nói như Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Ngô Doãn Đức thì “sáng tạo ra công trình kiến trúc xanh hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại”. Thứ hai, như khẳng định của Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, “thành công của 3 kỳ giải vừa qua đã tạo tiếng vang, đưa tên tuổi giải thưởng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nhiều kiến trúc sư người nước ngoài rất muốn tham gia”.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, nhiều chuyên gia quốc tế uy tín đánh giá cao 5 tiêu chí kiến trúc xanh của Việt Nam, bởi trên thế giới chỉ có tiêu chí về công trình xanh chứ chưa có tiêu chí kiến trúc xanh theo hướng coi đây là biểu hiện văn hóa, thể hiện các vấn đề xã hội, bảo đảm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, và đặc biệt là hướng tới người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Ông nhấn mạnh: “Việc quan tâm thiết kế kiến trúc cho những nhóm yếu thế là tiêu chí đầy tính nhân văn, mà trong tiêu chí công trình xanh không hề đề cập đến. Mở rộng quy mô Giải thưởng Kiến trúc xanh là cơ hội để các nước cùng tham gia, đề cao nhận thức về yếu tố nhân văn – xã hội trong kiến trúc”.
Nhân rộng ảnh hưởng
Theo kiến trúc sư Vương Đạo Hoàng (Công ty cổ phần Truyền thông Kiến Việt) thì công tác tổ chức giải có rất nhiều việc phải giải quyết. Trong đó, cái khó lớn nhất khi mở rộng quy mô giải là phải làm thế nào để thế giới hiểu giá trị giải thưởng, hiểu mong muốn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam là làm lan tỏa các tiêu chí kiến trúc xanh, hướng tới mục tiêu cao nhất là thay đổi nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của kiến trúc xanh ở mọi nơi, mọi lúc”. Chia sẻ kỹ hơn điều này, kiến trúc sư Vương Đạo Hoàng khẳng định: “Đối với các kiến trúc sư, sự hấp dẫn của giải thưởng không chỉ nằm ở khoản tiền được nhận, mà quan trọng hơn là họ sẽ được nhìn nhận đúng, có cơ hội lớn để xuất hiện, truyền bá giá trị ra cộng đồng. Với sự giúp đỡ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các trường nghề, chúng tôi sẽ có kế hoạch hỗ trợ chi tiết để truyền bá ảnh hưởng kiến trúc xanh ra cộng đồng thế giới”.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy mỗi công trình kiến trúc được trao giải cao tự nó đã có tính lan tỏa, kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, qua đó, những ý tưởng hay có nhiều cơ hội được nhân rộng, được các chủ đầu tư lựa chọn. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho biết, hiện ông đang từng bước tiếp xúc với các nhà đầu tư lớn để vận động họ cùng góp sức lan tỏa kiến trúc xanh.
Trong những ngày cuối tháng 5 vừa qua, Spec Go Green International Awards 2017 đã được giới thiệu tại Đại hội Kiến trúc sư Châu Á, sắp tới là tại hội nghị của Ủy ban Hành nghề kiến trúc sư Châu Á. Ban tổ chức cũng có kế hoạch truyền thông về giải qua hệ thống hội nghị các trường đào tạo, và các “kênh” đối ngoại của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cùng một số tờ báo chuyên ngành kiến trúc trong nước và quốc tế. Việc mở rộng quy mô giải thưởng ra khu vực Châu Á được coi là “bước nhảy ra biển rộng”. Và theo Chủ tịch Nguyễn Tấn Vạn, “không vượt qua thử thách này thì không thể lớn được” nên chúng ta cần tận dụng tốt cơ hội để tạo tác động tích cực tới cộng đồng về kiến trúc xanh hướng tới sự phát triển bền vững.
• Giải được phát động từ ngày 10-5, Ban giám khảo (2 của Việt Nam và 5 giám khảo quốc tế) sẽ chấm giải vào tháng 11-2017. Lễ tổng kết và công bố giải thưởng dự kiến diễn ra vào tháng 12-2017.
• Chủ đề của kỳ giải 2017 tập trung vào 2 nội dung chính là Kiến trúc xanh và Công trình, dự án có đóng góp tích cực cho xã hội. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng cho hạng mục Sinh viên kiến trúc và 10 giải dành cho hạng mục Kiến trúc sư trẻ với tổng giá trị giải thưởng khoảng 1 tỷ đồng. |