09/09/2019

Giải bài toán bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch

“Khi du lịch có nguồn thu mới quay lại thực hiện tu bổ di tích, di tích được phát huy giá trị sẽ thu hút khách du lịch, mang lại giá trị văn hóa, kinh tế. Câu hỏi nêu ra để chúng ta cùng suy nghĩ là bài toán bảo tồn và phát triển không thể tách rời nhau”, đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi làm việc với tỉnh Tây Ninh vào cuối tuần qua.

 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, tỉnh Tây Ninh cũng đã có những kiến nghị, đề xuất với đoàn công tác của Bộ VHTTDL.

Các di sản văn hóa chưa phát huy hết giá trị

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch, đa dạng về các loại hình như truyền thống, tâm linh, sinh thái, mạo hiểm… Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được tỉnh chú trọng. Hiện toàn tỉnh có 90 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng, 6 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Tây Ninh đến năm 2020”, Đề án “Tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025”…

Ông Ngọc cũng cho biết thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở tuy đạt yêu cầu về xây dựng hệ thống mạng lưới, song một số nơi hoạt động chưa hiệu quả, có nơi còn lãng phí về cơ sở vật chất. Giá trị các di sản văn hóa phát huy chưa đúng mức, một số di tích xuống cấp chưa được tu bổ, tôn tạo kịp thời do hạn chế về nguồn kinh phí. “Riêng đối với di tích Trung ương Cục miền Nam, từ năm 2015 do có chủ trương bàn giao cho Bộ Quốc phòng, nên Bộ VHTTDL đã ngưng phân bổ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Các di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ VHTTDL công nhận chưa phát huy hết giá trị, chưa gắn chặt chẽ với phát triển du lịch”, ông Ngọc thông tin.

Ngoài ra, việc quản lý nguồn công đức tại các di tích còn nhiều khó khăn, bất cập, nguyên nhân là do chưa có văn bản quy định, hướng dẫn quản lý cụ thể đối với nguồn tiền này. Trong lĩnh vực TDTT, hầu hết các huyện, xã chưa có nhà tập luyện TDTT do Nhà nước đầu tư. Diện tích đất dành cho hoạt động TDTT ở khu vực thị trấn, thành phố còn hạn chế. Thể thao thành tích cao phát triển chưa toàn diện, thiếu vững chắc. Trong lĩnh vực du lịch, hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh phát triển chưa đồng bộ…

Để tháo gỡ những khó khăn trên, tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ VHTTDL từ Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích bao gồm di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai; hỗ trợ đầu tư xây Nhà hát tỉnh có quy mô 1.500 chỗ ngồi; xây mới Bảo tàng tỉnh; đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục tạo điều kiện trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1099 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch (KDL) quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035; kiến nghị một số nội dung liên quan đến công tác TDTT; đề xuất đăng cai năm Du lịch quốc gia vào năm 2025…

Tỉnh Tây Ninh chọn KDL quốc gia núi Bà Đen làm tâm điểm phát triển thành KDL đặc sắc, mang tầm cỡ quốc tế

Tỉnh Tây Ninh chọn KDL quốc gia núi Bà Đen làm tâm điểm phát triển thành KDL đặc sắc, mang tầm cỡ quốc tế

Bộ VHTTDL sẽ cùng tháo gỡ

Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa ghi nhận việc phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. “Đối với các kiến nghị của tỉnh trong lĩnh vực di sản, tôi hoàn toàn nhất trí. Trong đó kiến nghị Bộ VHTTDL đầu tư kinh phí, giai đoạn 2016-2020 Bộ đã cấp 27 tỉ cho công tác tu bổ di tích. Trong giai đoạn 2021-2025, Cục sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ tiếp nối đầu tư kinh phí để thực hiện tu bổ di tích trên cả nước nói chung, trong đó có tỉnh Tây Ninh. Đối với Đồ án quy hoạch chung xây dựng KDL quốc gia núi Bà Đen, đề nghị tỉnh xây dựng các dự án xem xét thỏa thuận đúng pháp luật hiện hành”, bà Hiền cho hay. Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương đánh giá cao công tác quản lý hòm công đức tại KDL quốc gia núi Bà Đen. Tuy nhiên, Cục trưởng lưu ý, qua khảo sát cho thấy vệ sinh môi trường còn lộn xộn, tình trạng thắp hương rất nhiều, việc bố trí hòm công đức ở rất nhiều nơi và không thể hiện sự trang trọng. Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT mong muốn tỉnh quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh thể dục trong nhà trường. Bên cạnh đó có chính sách đào tạo, huấn luyện vận động viên cho các môn thể thao thành tích cao…

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện vui mừng khi nhận thấy Tây Ninh đang phát triển nhiều lĩnh vực. Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các Tổng cục, Cục, Vụ có hướng dẫn và hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế. “Chúng ta đang có lợi thế về tiềm năng du lịch, cần tập trung khai thác thế mạnh này, cần gắn kết việc phát triển du lịch với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và phát triển TDTT. Khi du lịch có nguồn thu mới quay lại thực hiện tu bổ di tích, di tích được phát huy giá trị sẽ thu hút khách du lịch, mang lại giá trị văn hóa, kinh tế. Tuy nhiên, cần làm thế nào để thu hút khách đến quanh năm chứ không chỉ trong mùa cao điểm tháng 1 và tháng 8 như hiện nay. Câu hỏi nêu ra để chúng ta cùng suy nghĩ là bài toán bảo tồn và phát triển không thể tách rời nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Thuỳ Trang/Báo Văn hoá