27/05/2019

Giá trị văn hóa cộng đồng nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ – Từ văn hóa phi vật thể đến không gian kiến trúc sinh hoạt

(Tạp chí KTVN) – Nói tới văn hóa Đông, Đoài, Nam, Bắc là có thể liên tưởng ngay tới những truyền thống văn hóa lễ hội – tôn giáo – tín ngưỡng đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, là những giá trị văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ và kế thừa. Trong mối quan hệ gắn bó mật thiết với nền văn minh lúa nước, văn hóa tín ngưỡng – tôn giáo đặc sắc ấy là vẻ đẹp của không gian kiến trúc sinh hoạt văn hóa cộng đồng nông thôn vùng này. Lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh hoạt cộng đồng nông thôn Việt Nam trong luồng xoáy phát triển như vũ bão của xã hội hiện đại là nhiệm vụ, cũng là thách thức đối với các nhà quản lý và hoạch định.

Đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) hay còn gọi là Đồng bằng sông Hồng, là vùng đồng bằng châu thổ của sông Hồng, miền Bắc Việt Nam. Hình dáng điển hình của vùng là một tam giác châu thổ trên diện tích là 14.860 km2, trong đó đỉnh nón của tam giác là Việt Trì, đáy là đường bờ biển kéo dài khoảng 130 km (hình 1), dựa trên sự ưu đãi của thiên nhiên về vị trí địa lý, địa hình đồi núi xen kẽ châu thổ và thung lũng, có nhiều ô trũng lớn nhỏ và khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều. ĐBBB là một miền đất màu mỡ được hình thành do bồi đắp phù sa của hệ thống các dòng chảy tự nhiên. Đó là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, là các nhánh sông cận Bắc, cận Nam của sông Hồng và một hệ thống sông ngòi phức tạp theo hướng Tây Bắc-Đông Nam chảy ra vịnh Bắc Bộ qua hơn mười cửa sông. Nơi đây thích hợp cho phát triển nông nghiệp, cũng là nơi hình thành nền văn minh Sông Hồng nổi tiếng của dân tộc Việt, chiếc nôi văn hóa quan trọng của người Việt Nam.

Không gian địa lý vùng ĐBBB

Hình 1 – Không gian địa lý vùng ĐBBB

Không gian văn hóa vùng ĐBBB

Hình 2 – Không gian văn hóa vùng ĐBBB

Trong vùng ĐBBB, nền văn hóa Việt cổ là sự tụ hội của vùng văn hóa Thăng Long-Hà Nội và chung quanh bốn phương tám hướng có bốn vùng văn hóa xứ Đông-Đoài-Nam-Bắc đã làm nên đại vùng văn hóa Bắc Bộ Việt Nam ngàn năm văn hiến (hình 2).

 

Văn hóa Đông, Đoài, Nam, Bắc – những di sản văn hóa phi vật thể cần gìn giữ

Trên địa hình trải rộng từ trung du đến đồng bằng châu thổ, cùng với sự phát triển của nền văn minh lúa nước, văn hóa tín ngưỡng của người Việt đã hình thành và phát triển rực rỡ. Nói tới văn hóa Đông, Đoài, Nam, Bắc là có thể liên tưởng ngay tới những truyền thống văn hóa lễ hội – tôn giáo – tín ngưỡng đặc trưng của vùng ĐBBB. Đây là những giá trị văn hóa tinh thần, tâm linh, còn gọi là văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ và kế thừa.

– Tín ngưỡng tôn giáo: Tín ngưỡng là một hình thức văn hóa đặc thù của người xưa, thờ những sự vật có liên quan đến nông nghiệp như trời, trăng, đất, rừng, sông, núi để cầu mong sự an bình, tránh được thiên tai, mùa màng tốt tươi, ví dụ tín ngưỡng Mặt Trời, tín ngưỡng Mẫu (Tứ Pháp), tín ngưỡng phồn thực. Bên cạnh đó, một tín ngưỡng phổ biến nhất của người Việt là việc thờ cúng Tổ Tiên. Tục thờ Thành Hoàng và ngôi đình làng là đặc điểm độc đáo của làng quê Việt Nam. Qua quá trình ngàn năm tiếp xúc và đan xen văn hóa với những yếu tố văn hóa ngoại sinh từ Trung Hoa, Ấn độ, Tây Nam Á, văn hóa ĐBBB đã chấp nhận, cải biên, dung hòa các tôn giáo Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo trên nền tảng cố hữu của văn minh lúa nước.

– Nghệ thuật biểu diễn truyền thống: Văn hóa ĐBBB phong phú, đa dạng với các hình thức ca múa và kịch nghệ giàu bản sắc dân gian, đã trải qua nhiều thế kỷ và rất thịnh hành, từ những điệu hát nghi lễ như là hát Rô, hát chèo Tàu ca ngợi Hai Bà Trưng, hát bỏ bội để tôn vinh thánh Tản ở xứ Đoài, hát dậm Quyển Sơn xứ Nam trình diễn trước bàn thờ danh tướng Lý Thường Kiệt cho tới những làn điệu hát đúm giản dị, trữ tình biểu hiện cảm hứng của người mẹ ngồi quay xa sợi dệt xứ Đông, múa rối nước, v.v. Và đỉnh cao của nghệ thuật dân gian xứ Bắc trải dài từ bờ sông Cầu cho đến bờ sông Đáy được coi là cái nôi của nghệ thuật Chèo truyền thống. Bên cạnh đó là hát Ca Trù của Thăng Long và nổi tiếng với hát Quan họ vùng Bắc Ninh. Những sáng tạo dân gian cổ kính này còn giữ nhiều bí ẩn đối với các nhà âm học và dân tộc học.

– Lễ hội truyền thống: Văn hóa ĐBBB càng đậm sắc hơn trong các lễ hội. Bao giờ cũng gồm hai phần “lễ” và “hội”. Phần lễ biểu hiện lòng tôn kính của người Việt Nam đối với các đời vua cha tổ tiên, các vị Thánh, các anh hùng dân tộc (đó là Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, là Hội đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ công lao của Trần Hưng Đạo, lễ dâng hương và đám rước Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa, Hội Trường Yên tưởng nhớ vua Đinh, Hội Phủ Giầy tạc công Thánh Mẫu, v.v.), rồi tiếp theo mới đến phần hội là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng. Dân làng các vùng tổ chức nhiều cuộc thi, trò chơi vui vẻ, nâng cao giá trị sinh hoạt cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết trong thôn, giữa làng trên với xóm dưới, giữa vùng này với vùng khác, như hội chọi trâu Đồ Sơn, múa Tiên, múa Sư tử, múa Con đĩ đánh bồng, đấu vật, đua thuyền, chọi gà, bắt vịt, v.v.

– Làng nghề truyền thống: Nét đẹp văn hóa của dân cư ĐBBB được tô điểm hơn nữa ở bàn tay tài hoa, tinh tế của các nghệ nhân làng nghề truyền thống nổi tiếng đã đi vào thơ ca như lụa vân Vạn Phúc, the, lĩnh La Khê, tiện gỗ Nhị Khê, nề-mộc làng Chàng, dệt tơ lụa và nhuộm Đình Bảng, gốm sứ Thổ Hà và Bát Tràng, thêu Bắc Ninh, đúc đồng Ngũ Xá, v.v. với biết bao đặc sản, vùng nào thức ấy. Cùng các công trình kiến trúc dân gian nổi tiếng như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Diềm, đình Đình Bảng và đền, chùa, v.v. và nổi bật lên là hình ảnh Trống đồng Đông Sơn, tượng trưng cho văn hóa Đông Sơn.

Không gian kiến trúc sinh hoạt văn hóa cộng đồng nông thôn vùng ĐBBB

Văn hóa nông thôn vùng ĐBBB đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống có được như ngày nay là nhờ dựa trên một nền tảng cộng đồng vững chắc. Các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng (SHVHCĐ) luôn gắn bó chặt chẽ với những không gian kiến trúc – nơi diễn ra các hoạt động lễ hội. Không gian kiến trúc SHVHCĐ được hình thành từ nhu  cầu tất yếu của cuộc sống và xuất hiện từ khi có sự hình thành quần cư, một cộng đồng người tập hợp lại, nương tựa vào nhau để sinh sống theo cách ổn định, lâu bền nhất.

– Nhận diện không gian SHVHCĐ trong lễ hội ở nông thôn Bắc Bộ

Tất cả các thành phần công trình kiến trúc, cảnh quan và môi trường xung quanh làng xã đều góp phần vào khung cảnh lễ hội làng. Một đám rước thường diễn ra theo quy trình, theo tục lệ của mỗi làng. Quá trình đám rước vượt qua các không gian kiến trúc chính như Cổng, Đình, Đền, Chùa tạo nên ấn tượng mạnh từ cờ, hoa, màu sắc, vật liệu, trang phục, trên nền chủ đạo của làng quê với màu xanh lục của cỏ cây, đồng ruộng, xanh lam của trời, màu nâu của đất, ánh lung linh của mặt nước và công trình kiến trúc, để khắc họa nên một bức tranh toàn cảnh tưng bừng của lễ hội. Lúc này không gian kiến trúc SHVHCĐ là tổng thể của cả làng, là sự hài hòa của 3 yếu tố giữa con người – kiến trúc – thiên nhiên. (1-Trước chùa, 2-Trên đường làng, 3-Trên sông)

image005

– Nhận diện không gian SHVHCĐ trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống

Nhìn chung các không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống không có công trình biểu diễn, mà thường được diễn ra ngoài trời, tại các không gian mở được chia thành các khu vực không gian tĩnh và động, mang tính ước lệ. Khu vực biểu diễn thông thường là thềm đình làng, sân trước đình, đi thuyền trên mặt hồ, trên sông, hay bất cứ một vị trí thuận lợi nào được quy ước theo nội dung từng loại hình nghệ thuật dân gian. Vị trí biểu diễn luôn được chọn sao cho có một hình ảnh đặc thù, nổi bật lên làm phông nền cho buổi diễn như ngôi đình làng trang nghiêm hoành tráng, hay có thể một gốc đa, cổng làng. Khu vực khán giả được ngăn cách với không gian biểu diễn theo cách ước lệ, khán giả thưởng thức từ nhiều phía, mang tính tự phát và thuận lợi quan sát. Các không gian phụ trợ gần như là không có. (1-Hát quan họ trên thuyền, 2-Ca trù trước đình làng, 3-Đấu vật trước thủy đình, 4- Rối nước trên nền đình làng)

image007

– Không gian SHVHCĐ trong các hoạt động văn hóa mới

Các không gian sinh hoạt văn hóa mới thực chất là các công trình kiến trúc được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn được Bộ xây dựng ban hành. Công trình kiến trúc công cộng được xây dựng có công năng phục vụ đầy đủ, tiện nghi cho phép các nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên biểu diễn và khán giả thưởng thức nghệ thuật tốt nhất, đó là nhà văn hóa, trung tâm thể thao, nhà hát, bảo tàng, bưu điện, thư viện, v.v.

Tác động của các trào lưu văn hóa mới đến không gian kiến trúc sinh hoạt văn hóa cộng đồng nông thôn Bắc Bộ

Sự phát triển nhanh và hiện đại của hệ thống thông tin liên lạc, truyền thanh, truyền hình, internet tạo ra thói quen mới, nếp sống mới cho người dân vùng nông thôn. Họ sống dần khép mình lại, thưởng thức những giá trị văn hóa mới theo cách riêng tư dẫn tới việc ít quan tâm tới những hoạt động SHVHCĐ. Cùng với hiện tượng di dân ra thành phố, người lao động rời bỏ làng quê đi kiếm sống theo những toan tính trong cuộc sống hiện đại đã làm lu mờ những giá trị đời sống gia đình và cộng đồng, thanh thiếu niên học theo cách sống mới của phương tây, người già mất đi khả năng truyền thừa những giá trị truyền thống văn hóa cho con cháu. Kéo theo các hoạt động SHVHCĐ suy giảm đáng báo động, cả một cộng đồng đang mất đi sức mạnh, sự đoàn kết. Các không gian kiến trúc SHVHCĐ mất dần vai trò quan trọng là đầu mối trong việc gắn kết cuộc sống, kết nối cộng đồng để lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa.

Giá trị văn hóa sinh hoạt cộng đồng nông thôn cần lưu giữ, bảo tồn và phát triển

Văn hóa Việt nam là văn hóa làng, xã, vốn đa dạng và phong phú. Làng xã là mảnh đất nuôi dưỡng và phát triển những tinh hoa văn hóa truyền thống. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nông thôn Việt Nam, trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, trước các tác động của đô thị hóa và xu hướng toàn cầu hóa là vấn đề cấp bách của toàn Quốc gia. Đây cũng là thời điểm nhìn nhận rõ nét vấn đề về bảo tồn di sản văn hóa, phải có xuất phát điểm trọng tâm là vùng nông thôn, với mục tiêu gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể – là các công trình kiến trúc truyền thống đình, đền, chùa, miếu mạo, cầu, quán, cổng làng, nhà ở dân gian, v.v. cho đến các giá trị văn hóa phi vật thể – lễ hội truyền thống, các hoạt động sinh hoạt biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hát quan họ, chèo, tuồng, ca trù, múa rối nước, v.v. và dung hòa chúng với các giá trị văn hóa mới.

Một cách tự nhiên, giá trị văn hóa luôn tồn tại hai loại hình, đó là giá trị văn hóa truyền thống (nội sinh) và giá trị văn hóa mới (ngoại sinh) cùng mang ý nghĩa tích cực phục vụ cho cuộc sống của con người. Các nhà Văn hóa học đều nhất trí trên quan điểm, văn hoá Việt Nam là “thống nhất trong đa dạng”. Nhận thức này có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao trong việc chấp nhận tiếp xúcđan xen văn hóa nhưng trên nền văn hóa truyền thống vững chắc. Nhìn theo góc độ kiến trúc, đa dạng văn hóa làng xã sẽ tạo nên những thay đổi về phương thức sản xuất, tổ chức đời sống gia đình, SHVHCĐ phong phú và phức tạp hơn, quan niệm về “hình” và “chất” cũng thay đổi và tác động trực tiếp đến kiến trúc làng xã.

Văn hóa Việt Nam đương đại như trái bóng đang căng với độ lớn chưa từng có do sự đa dạng văn hóa từ nghệ thuật, giải trí đến thể thao cộng đồng. Nhiệm vụ của ngành kiến trúc trong thời điểm này rất quan trọng, từ việc cộng tác với các sở ban ngành để thu thập thông tin thực trạng về văn hóa-kinh tế-xã hội tại từng địa phương, tổng hợp phân tích đưa ra định hướng quy hoạch, cho đến đề xuất các nguyên tắc, tiêu chí tổ chức không gian kiến trúc SHVHCĐ. Phục vụ cho công tác thiết kế kiến trúc, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa sinh hoạt cộng đồng nông thôn Việt Nam với mục tiêu hướng tới một nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một đất nước Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

ThS.KTS Trần Anh Tuấn