30/05/2017

Gạt bỏ những quan niệm “đắt đỏ” về Công trình Xanh

“Việc thực hiện Công trình Xanh không phải luôn luôn cần nhiều tiền, rẻ vẫn xanh!” – đó là khẳng định của ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập GREENVIET, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn các chứng nhận Công trình Xanh (CTX).

Xây dựng công trình theo hướng CTX, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường ngày càng phổ biến và trở thành xu thế trên thế giới. Tại Việt Nam, xây dựng CTX được khởi xướng từ năm 2007, cho đến nay cụm từ này đã dần trở nên quen thuộc và đang được các nhà đầu tư chú trọng. Tuy nhiên, câu chuyện chi phí tăng thêm cho CTX vẫn khiến các nhà đầu tư “cân lên đặt xuống”.

Chi phí tăng thêm cho CTX có thực sự đắt đỏ như người ta vẫn nghĩ? Làm thế nào để có một CTX đạt chuẩn mà vẫn tiết kiệm? PV Reatimes phỏng vấn ông Đỗ Hữu Nhật Quang, người đồng sáng lập GREENVIET, chuyên  tư vấn các chứng nhận công trình xanh như LEED (Mỹ), LOTUS (VN), BCA Green Mark (Singapore) & Edge (IFC)…để rõ hơn những vấn đề liên quan đến chi phí CTX.

PV: Thưa ông, hiện nay, xây dựng CTX đang dần trở thành xu hướng, cũng là điểm nhấn mà nhiều chủ đầu tư muốn hướng đến. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn vì cho rằng, muốn làm CTX phải tăng thêm nhiều chi phí?

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang: Việc thực hiện CTX không phải luôn luôn cần nhiều tiền, rẻ vẫn xanh!

Các tiêu chuẩn công trình xanh luôn đưa ra nhiều phương án để công trình có thể áp dụng, tùy trường hợp cụ thể. Các nhà ở dân gian của Việt Nam đã đạt rất nhiều yêu cầu của CTX. Một nhà ở dân gian của Malaysia cũng đã đạt chứng chỉ LEED mức cao nhất là Bạch Kim.

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập GREENVIET, chuyên tư vấn các chứng nhận công trình xanh như LEED (Mỹ), LOTUS (VN), BCA Green Mark (Singapore) & Edge (IFC)

Tuy nhiên, khi kết hợp các yêu cầu của CTX với quan điểm thẩm mỹ hiện đại thì có thể dẫn đến tăng chi phí đáng kể. Chẳng hạn, một cao ốc văn phòng 30 tầng giữa trung tâm TP sử dụng hoàn toàn kính bao che thì bắt buộc phải sử dụng kính cách nhiệt tốt để đạt yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, dẫn đến chi phí tăng đáng kể.

Công trình này hoàn toàn có thể thay thế một phần kính bằng các vật liệu khác cách nhiệt tốt hơn & chi phí thấp hơn, tiết kiệm năng lượng hơn.

PV: Vậy, để xây dựng một CTX, hiện nay người ta thường sử dụng những loại vật liệu xây dựng nào và tính hiệu quả kinh tế của nó đến đâu?

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang: Hiện nay, để xây dựng một công trình xanh thì thường sử dụng những nhóm vật liệu sau: Về phần khung kết cấu, ưu tiên sử dụng thép có hàm lượng tái chế cao & bê-tông có tận dụng các phế phẩm công nghiệp như tro bay, xỉ lò cao.

Về lớp vỏ bao che, gạch bê-tông khí chưng áp (AAC) và kính low-e thường được sử dụng nhằm cách nhiệt tốt, giảm nhu cầu về làm lạnh cho công trình. Đèn LED, thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước cũng là những thiết bị phổ biến trong công trình xanh.

Tuy nhiên, cần lưu ý là CTX không yêu cầu bắt buộc tất cả các vật liệu xây dựng phải xanh. Việc kết hợp các vật liệu & giải pháp là quan trọng hơn cả, miễn là đáp ứng được các tiêu chí công trình xanh.

Các vật liệu & thiết bị xanh thường có hiệu suất cao, dẫn đến chi phí vận hành thấp. Đa số các chi phí tăng thêm do đầu tư vật liệu xanh & giải pháp xanh có thời gian hoàn vốn trung bình từ 2-5 năm. Chẳng hạn, một hệ thống thu gom nước mưa của Nhà xưởng chỉ mất 3 năm để hoàn vốn, sau đó là sinh lời.

PV: Nếu so sánh một công trình thông thường với một CTX, chi phí đầu tư khác nhau như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang: Chi phí tăng thêm khi đầu tư vào CTX phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, 2 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chi phí tăng thêm bao gồm mức chứng nhận CTX (chứng nhận bạc, vàng hay bạch kim) & suất đầu tư ban đầu của công trình.

Mức chứng nhận càng cao đòi hỏi công trình phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe hơn, do đó cũng tốn nhiều chi phí phụ trội. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, mức phổ biến là 2-5% chi phí xây dựng cho các CTX tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu suất đầu tư ban đầu đã cao thì các đơn vị tư vấn thiết kế có thể cân đối các hạng mục để đáp ứng yêu cầu CTX mà không nhất thiết làm gia tăng ngân sách ban đầu.

Một tòa nhà phức hợp cao cấp ở TP.HCM có thể đạt chứng nhận LEED mức Bạc với suất đầu tư không đổi. Tương tự, một công trình văn phòng cao cấp sẽ đạt chứng nhận LEED mức Vàng vào cuối năm nay mà không tăng chi phí đáng kể.

Cao ốc văn phòng e-town Central tại Q.4, TP.HCM được thiết kế theo tiêu chuẩn LEED Gold, sẽ hoàn thành & đưa vào vận hành cuối năm 2017

Ngoài các yếu tố trên, kinh nghiệm và việc am hiểu thị trường xây dựng ở Việt Nam của đơn vị tư vấn CTX cũng là yếu tố quyết định đến chi phí phụ trội này. Đơn vị có kinh nghiệm sẽ giúp lựa chọn các yêu cầu công trình xanh phù hợp với thực tế & chi phí, dẫn đến công trình vừa đạt chứng chỉ xanh vừa tiện nghi trong sử dụng với chi phí hợp lý.

PV: Để có một CTX với chi phí tiết kiệm, chúng ta nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang: Để có một CTX với chi phí tiết kiệm, chúng ta nên bắt đầu từ khâu thiết kế ý tưởng thật kỹ với sự tham gia của đơn vị tư vấn xanh & tất cả các đơn vị liên quan như kiến trúc, kết cấu, cơ điện, vận hành, … Các giải pháp thụ động cần phải được ưu tiên tối đa trong giai đoạn này nhằm tận dụng, khắc chế các điều kiện tự nhiên sẵn có tại địa điểm thực hiện công trình.

Trong quá trình triển khai thiết kế chi tiết, các đơn vị tư vấn thiết kế cần phân tích chi phí lợi nhuận ứng với nhiều phương án khác nhau cho các hạng mục chính, đặc biệt là các yêu cầu CTX . Từ đó sẽ có phương án tối ưu về chi phí nhưng vẫn đạt tiêu chí xanh.

Sau khi thi công xong thì cần phải tiến hành nghiệm thu các hạng mục liên quan đến tiết kiệm điện & nước để đảm bảo hệ thống vận hành theo như ý tưởng thiết kế ban đầu.

Một ví dụ đơn giản là các vòi nước có thể có lưu lượng rất cao so với thiết kế do không được cân chỉnh phù hợp, dẫn đến việc tiết kiệm nước không đạt như ý tưởng ban đầu, cho dù chủ đầu tư đã tốn thêm một phần chi phí phụ trội để đầu tư cho hạng mục này.

Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng những vật liệu truyền thống vào CTX mà tre là một ví dụ điển hình. Nếu được xử lý tốt, tre có thể được sử dụng trong thời gian dài, chẳng hạn tre trong một công trình của KTS Võ Trọng Nghĩa đã 10 năm vẫn còn trong điều kiện sử dụng tốt.

Sử dụng tre có thể đóng góp vào nhiều hạng mục trong CTX. Trước hết, tre được xem là vật liệu địa phương vì tre có mặt tại rất nhiều vùng miền của Việt Nam. Tre cũng được xem là vật liệu tái tạo nhanh, có thể trồng và đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn hơn nhiều so với gỗ. Vì vậy sử dụng tre cũng có thể gián tiếp giúp hạn chế việc phá rừng.

PV: Vậy việc thiết kế một CTX có làm khó kiến trúc sư (KTS) hơn nhiều so với thông thường không thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang: Việc thiết kế CTX tất nhiên đòi hỏi nhiều tính toán, mô phỏng hơn công trình bình thường. Việc tính toán bao gồm từng hạng mục cụ thể, chẳng hạn như chiếu sáng hay thông gió tự nhiên, cho đến tổng thể cả công trình.

Vì vậy, thiết kế CTX đòi hỏi KTS và các bộ môn liên quan phải hiểu rõ các đặc tính & chi phí của vật liệu cũng như những giải pháp sáng tạo, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong suốt quá trình thiết kế thì mới đảm bảo được chất lượng và yêu cầu của CTX. Có thể nói, việc thiết kế công trình xanh đòi hỏi KTS phải đầu tư nhiều hơn về kiến thức, thông tin & thời gian so với thiết kế công trình thông thường.

Điều quan trọng nhất khi thiết kế CTX là sự tham gia của tất cả các đơn vị liên quan đến dự án, đặc biệt là đơn vị tư vấn công trình xanh, ngay từ giai đoạn thiết kế ý tưởng, thậm chí là trước đó – giai đoạn lập dự án đầu tư. Lý do cơ bản là, các giải pháp xanh, đặc biệt là các giải pháp thụ động có hiệu quả rất cao và bền vững.

Chẳng hạn, việc xác định đúng hướng công trình và lớp vỏ bao che sẽ giúp tiết kiệm đáng kể năng lượng tiêu thụ sau này cũng như giúp tăng tiện nghi nhiệt cho người sử dụng, mà không nhất thiết phải tốn nhiều chi phí ban đầu. Việc tham gia từ đầu của tất cả các đơn vị liên quan cũng giúp rút ngắn tiến độ thực hiện, do không phải làm đi làm lại để đáp ứng yêu cầu của CTX, từ đó tăng hiệu quả đầu tư của dự án.

Xin cảm ơn ông!

Mai Dương (thực hiện) | theo Reatimes