Gặp gỡ mùa thu 2018 với Hội nghị “Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam”
Ngày 17/11, tại TP Huế (Thừa Thiên – Huế), Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam tổ chức Chương trình gặp gỡ mùa thu 2018 với Hội nghị “Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam”.
Tham dự Hội nghị có ông Phạm Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Đình Toàn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng; KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam; ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế; các Ủy viên Ban chấp hành Hội KTS Việt Nam; Chủ tịch các Hội cơ sở cùng hơn 300 đại biểu cùng tham gia.
Hội nghị nhằm đánh giá công tác lý luận, phê bình kiến trúc Việt Nam từ trước đến nay, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế, từ đó rút ra kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả của lý luận, phê bình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Nhìn nhận thực tiễn lý luận và phê bình kiến trúc qua các giai đoạn; Xác định những vấn đề cơ bản của khoa học lý luận phê bình; Định hướng phát triển kiến trúc ở nước ta. Bên cạnh đó là tập hợp những ý kiến của cộng đồng xã hội về kiến trúc và KTS.
Phát biểu khai mạc, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết: Kiến trúc Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, không chỉ về quy mô mà cả về chất lượng. Mạng lưới đô thị quốc gia đã hình thành, làm nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế – xã hội.
Kiến trúc không chỉ tạo cơ sở vật chất, góp phần cải thiện diện mạo của đất nước, điều kiện sống của nhân dân ở thành thị và nông thôn, mà quan trọng hơn là góp phần xây dựng, đổi mới nếp sống, lối sống và môi trường sống của nhân dân.
Kiến trúc Việt Nam vốn dĩ giàu cá tính và truyền thống, bước vào hội nhập quốc tế, vừa tiếp nhận những thành tựu và kinh nghiệm của kiến trúc thế giới, vừa bị tác động theo xu hướng quốc tế hóa.
Kiến trúc nông thôn đang bị biến dạng, nhiều giá trị truyền thống bị phá vỡ; bức tranh kiến trúc đô thị ngổn ngang, tự phát, thiếu sự quản lý có hiệu quả.
KTS Nguyễn Tấn Vạn cho rằng: Hội KTS Việt Nam đã đề ra phương châm, mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ VIII và IX, được thể hiện trong Nghị quyết của Đại hội là: “Bằng mọi nỗ lực, thúc đẩy kiến trúc Việt Nam phát triển nhanh và đúng hướng, bắt nhịp với xu hướng kiến trúc thế giới và khu vực; kiến trúc của thời đại công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh”.
Mục tiêu phát triển của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, vừa phù hợp với truyền thống văn hóa – kiến trúc dân tộc, đáp ứng nếp sống của người Việt và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội – môi trường sống của đất nước hiện tại và tương lai, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu…
KTS Nguyễn Tấn Vạn nhấn mạnh: “Hội KTS Việt Nam nhận thấy rõ bổn phận của mình, sẽ nỗ lực đi tiên phong tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thích hợp với yêu cầu mới, phù hợp với chức năng của Hội được xác định trong Luật Kiến trúc mà Quốc hội sắp xem xét, thông qua. Ở hoàn cảnh nào, thời đại nào, công nghệ nào kiến trúc vẫn luôn gắn liền với con người sáng tạo ra tác phẩm kiến trúc. KTS Việt Nam là những người xây dựng nền văn hóa dân tộc tiên tiến, bản sắc, phục vụ cho cuộc sống và con người Việt Nam. Đó là mục tiêu của kiến trúc Việt Nam, của Hội KTS Việt Nam”.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Rất vui mừng được đến dự Hội nghị về “Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam” do Hội KTS Việt Nam tổ chức. Thay mặt Bộ Xây dựng, tôi hoan nghênh Hội KTS Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quan trọng này.
Trước khi dự Hội nghị này, tôi đã nhận được cuốn kỷ yếu của Hội nghị do anh Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội gửi tặng. Tuy chưa có thời gian nghiên cứu kỹ nhưng tôi đã nhận thấy cuốn kỷ yếu được Hội KTS Việt Nam chuẩn bị rất công phu với sự tham gia của nhiều KTS, nhà khoa học, nhà nghiên cứu kiến trúc có uy tín trong giới.
Điều này thể hiện sự coi trọng, quan tâm sâu sắc và trăn trở của giới KTS, của Hội KTS Việt Nam đối với công tác lý luận và phê bình kiến trúc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong giới KTS cũng có sự nhận thức chung, sự đánh giá đúng đắn về thành tựu, sự đóng góp cũng như những hạn chế, bất cập của lý luận, phê bình kiến trúc đối với sự phát triển nền kiến trúc nước nhà trong các giai đoạn, thời kỳ phát triển của đất nước.
“Kiến trúc là lĩnh vực đặc thù, nghệ thuật sáng tạo kết hợp với khoa học công nghệ để tạo ra không gian sống, môi trường sống an toàn, bền vững và thân thiện cho con người. Kiến trúc còn là biểu hiện của văn hóa, tấm gương phản chiếu hình ảnh của xã hội ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ xây dựng và phát triển.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật Kiến trúc, đây là sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với nền kiến trúc nước nhà.
Đồng chí Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Nguyễn Tấn Vạn và một số KTS đã tham gia Tổ Biên tập dự thảo Luật. Hội KTS Việt Nam và giới KTS đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực vào quá trình dự thảo Luật. Rất mong các đồng chí tiếp tục tham gia nhiều hơn nữa để chúng ta có được một Luật Kiến trúc đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và mong muốn chính đáng của giới KTS”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Phát biểu chào mừng, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: “Thời gian qua tỉnh nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Hội KTS Việt Nam làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Hội KTS đã tham gia công tác phản biện quy hoạch, phê bình kiến trúc như: Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương; Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã; Thi tuyển kiến trúc cầu đường bộ Nguyễn Hoàng, cầu đường bộ Gĩa Viên… góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan trên địa bàn tỉnh.
Ngoài nỗ lực của địa phương với sự hỗ trợ bằng kinh nghiệm, trí tuệ, sáng tạo nhiệt tình của đội ngũ KTS góp phần xây dựng xây dựng, giữ gìn hình ảnh tỉnh Thừa Thiên – Huế đáp ứng mục tiêu và phát triển đúng theo những định hướng đã xây dựng”.
Trí Đức/BXD