Ga C9 sát Hồ Gươm: Bài học từ những ga ngầm tiếp cận di sản trên thế giới
Liên quan đến vấn đề vị trí đặt ga ngầm C9 thuộc dự án đường sắt đô thị số 2 Hà Nội, đại biểu Quốc hội – Nhà sử học Dương Trung Quốc nêu vấn đề với Tư vấn nước ngoài (Nhật Bản) là tại Nhật, việc thiết kế những nhà ga tiếp cận di sản được làm như thế nào?
Câu trả lời đến từ đơn vị tư vấn, cụ thể là chuyên gia Nobura Nakawa cho biết, ở cố đô Kyoto (Nhật Bản), nhà ga được đặt sát Hoàng cung hàng trăm năm tuổi. Tại Tokyo, cung điện 270 năm tuổi, nơi Nhật Hoàng đang ở cũng có ga ngầm ngay cạnh… Tư vấn Nhật Bản cũng dẫn chứng, tại đấu trường Coloseum (Italy), người ta đào đường hầm tàu điện ngay phía dưới với công nghệ tiên tiến nên không ảnh hưởng đến di tích…
Tuy nhiên, thực tế khảo sát tại Nhật Bản cho thấy các nhà ga và tuyến đường tầu điện ngầm tại thành phố Tokyo và Kyoto đều cách xa các công trình kiến trúc di sản với khoảng cách hàng trăm, hàng ngàn mét, phía bên ngoài hào nước hoặc vườn cây bao bọc bảo vệ… Các ga tàu điện ngầm ở đây đều không giống như trường hợp ga C9 với vị trí đặt ngay trên vườn cây, công viên sát mép nước hồ Hoàn Kiếm, nằm trong khu vực II của vùng lõi bảo vệ di tích.
Cụ thể, tại Hoàng Cung ở Tokyo, toàn bộ các nhà ga ngầm nằm bên ngoài khu vườn, quảng trường bao quanh di tích này. Tuyến đường ngầm gần nhất cũng chạy dưới công viên ngoài Hoàng Cung, có ga Takebashi nằm bên ngoài con hào bao quanh công viên, cách công trình di sản gần nhất hàng trăm mét.
Lân cận phủ tướng quân Nijojo Kyoto (nay là bảo tàng Nijo Castle, được xây dựng vào năm 1603) cũng chỉ có duy nhất ga ngầm Nijo nằm bên kia đường ô tô. Sau hào nước là tường rào công viên bao quanh các công trình kiến trúc. Các công trình cách nhà ga từ 300m đến hơn 1.000m.
Với dẫn chứng về nhà ga đặt sát đấu trường La Mã xưa tại Italy, các nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tại khoa Kiến trúc và đô thị – Đại học Bách khoa Milano cho biết, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Rome qua trung tâm Termini và khu phố cổ, xây dựng bằng công nghệ cũ (trước năm 1945), nằm rất nông dưới mặt đất, xuyên qua khu di chỉ khảo cổ dày đặc và nền móng của Colosseum. Và các minh hoạ cho thấy việc này đã khiến di sản bị phá huỷ.
Cụ thể, tại Rome, hố đào ga ngầm Termini đã quét sạch toàn bộ di sản đô thị trong phạm vi xây dựng. Ngay cả khi các di sản phát lộ, nhà ga đã đóng kín các cánh cửa, hạn chế sự tiếp xúc của ga ngầm với các di sản đô thị dưới mặt đất.
Có muôn vàn lý do để biện minh cho các ứng xử cẩu thả với di sản, như tại quảng trường Duomo bên ngoài Nhà thờ chính Milan, như việc khẩn cấp làm hầm hố, công sự thời chiến hay nhu cầu lưu thông cấp bách trong thời bình.
Nhóm nghiên cứu sinh tại Đại học Bách khoa Milano thông tin thêm, ngày nay, với công nghệ hiện đại, có thể làm đường ngầm đi rất sâu dưới lòng đất để tránh di sản nhưng phương án thi công ga C9 – Hồ Gươm cho thấy cách thức tiến hành là đào mở, không có phương án, ngân sách cho việc thăm dò, khảo cổ.
Ga ngầm C9 nhận nhiều lo ngại từ các chuyên gia của Viện Địa chất – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khi Hà Nội chưa tham vấn cơ quan chuyên ngành về địa chất để có đánh giá tác động của việc thi công công trình. Do vậy, các chuyên gia cho rằng nguy cơ xảy ra sự cố rất khó lường, nhất là khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm và chuyên gia xử lý sự cố đường sắt đô thị, nếu có vấn đề gì xảy ra sẽ bị động.
Toàn bộ tuyến đường ngầm chui dưới đền Bà Kiệu để vào ga C9, sau khi xuyên qua lõi của khu phố cổ. Trước đây, dự án thoát nước ngầm qua phố Ngõ Gạch đã chạm đến móng của di tích Cầu Đông nên buộc phải dịch chuyển hướng tuyến… Liệu tunnel ngầm sẽ chạm vào phần nào của Thăng Long ngàn năm tuổi? Do vậy, vị trí đặt ga C9 tại Hồ Gươm có căn cứ khoa học, thuyết phục hơn.
Trần Huy Ánh/Dân trí