Đừng “bức tử” hồ Tây
Thời gian qua, hàng loạt công trình, hàng quán đua nhau lấn chiếm không gian, diện tích đất xung quanh hồ Tây xả rác thải gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Hồ Tây là nơi để nhân dân và khách du lịch tới tham quan, tuy nhiên hàng ngày từ sáng tới khuya rất nhiều quán nước chiếm dụng không gian chung, bày bàn ghế la liệt trên các thảm cỏ, lối đi dành cho người đi bộ. Một số người chiếm luôn vỉa hè, bãi đất trống quanh hồ rồi rải chiếu để buôn bán. Ngoài những quán bán hàng chiếm dụng diện tích ven hồ, thì nhiều công trình xây dựng cũng đua nhau mọc lên. Tại Đầm Bẩy (phường Nhật Tân) có nhà hàng Hải Long, hàng ngày số lượng khách đến ăn uống rất đông. Xe máy, ô tô để tràn lan trên vỉa hè chiếm cả đường của người đi bộ. Tại bờ ngăn cách giữa hồ Tây và hồ Thủy Sứ (phường Quảng An) bị lấn chiếm và xây dựng thành cửa hàng cà phê rộng hàng trăm m2. Cũng tại phường Nhật Tân, một nhà hàng mang tên thủy sản Đảo Sen được dựng ngay tại lòng hồ sen Quảng An với nhiều hạng mục khác nhau.
Không chỉ diện tích ven hồ bị “xẻ thịt”, trên mặt hồ, nhiều vi phạm đã diễn ra từ nhiều năm nay. Đầu tiên phải kể đến hệ thống các nhà hàng nổi và các du thuyền ở khu vực góc vườn hoa Lý Tự Trọng. Mặc dù đã hết phép hoạt động, nhưng tại đây, du thuyền vẫn tổ chức đón khách tới ăn uống, vui chơi. Từ kinh doanh nhà hàng dẫn đến việc xả rác thải trực tiếp ra môi trường khiến hồ Tây thêm ô nhiễm.
Tháng 8/2014, Phòng cảnh sát PCTP về môi trường (CATP Hà Nội) cùng các cơ quan liên quan đã vào cuộc điều tra các sai phạm của nhiều du thuyền trên mặt nước hồ Tây. Tại thời điểm kiểm tra, 5 du thuyền hoạt động gồm: Eureka Coffee (của Công ty TNHH du thuyền hồ Tây), du thuyền Tây Long 2 và Tây Long 3 (của Công ty TNHH Nhuận Mai), du thuyền Potomac (của Công ty cổ phần sông Potomac), du thuyền Taboo (của Công ty TNHH xúc tiến thương mại và dịch vụ hồ Tây) đều đã hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa từ năm 2010 và chưa được cấp lại.
Sau thời điểm kiểm tra, hầu hết các du thuyền vẫn hoạt động bình thường với các dịch vụ ẩm thực, giải khát. Khu vực tập trung các nhà hàng nổi là ven bờ các phố Thụy Khuê, dọc đường Thanh Niên, trên mặt hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Đặc biệt, góc hồ Tây gần đường Thụy Khuê có nhiều du thuyền, nhà nổi hoạt động, nước thải từ nhà hàng tràn ra hồ không qua xử lý rất ô nhiễm. Một trong số các du thuyền trên còn là nơi kinh doanh quán bar dù đã hết hạn đăng kiểm…
Tại cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 14/10, trả lời báo chí xung quanh những sai phạm về kinh doanh trên mặt nước hồ Tây, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, các tàu thuyền kinh doanh trên mặt nước đã hoạt động từ lâu. Năm 2009-2010, quận Tây Hồ đã có chủ trương kéo toàn bộ các du thuyền ở phía mặt đường Thanh Niên về phía Thụy Khuê. Tuy nhiên khi kéo tàu về đó thì phải lập cầu tàu, cũng phải làm thủ tục cấp phép.
Quận đã có quyết định xử phạt 2 đơn vị, còn 2 đơn vị chưa tìm được chủ tàu. Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ thực hiện việc di chuyển toàn bộ tàu thuyền về Đầm Bẩy (một khu vực thuộc hồ Tây), những tàu không đủ điều kiện, hết đăng kiểm, cũ nát sẽ phải di chuyển hết theo hướng đảm bảo nơi chuyển đến không bị ảnh hưởng về môi trường. Hiện tại, toàn bộ hệ thống thoát nước sinh hoạt, nước thải nhà hàng ở khu vực số 4 Thụy Khuê đều xả thẳng ra hồ Tây.
Đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm, trả lại cảnh quan, môi trường sạch cho hồ Tây.
Theo Lao động Thủ đô