Dự thảo Luật Quy hoạch – Bàn về chuyện “tích hợp”
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Theo báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư đề xuất xây dựng Luật quy hoạch (mới) điều chỉnh các hoạt động về quy hoạch bao gồm các công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực chất là gom các loại hình quy hoạch vào trong một Luật thống nhất. Ðây được cho là một phát kiến mới nhằm loại bỏ những chồng lấn và phát sinh không đáng có trong việc lập và thực thi quy hoạch. Một số chuyên gia gọi đó là quy hoạch hợp nhất hay quy hoạch tích hợp theo thông lệ quốc tế để giải quyết những tồn tại nêu trên. Tuy nhiên, việc hợp nhất và loại bỏ nội dung quy hoạch Xây dựng trong dự thảo luật Quy hoạch (mới) có theo thông lệ quốc tế và giải quyết được các vấn đề đặt ra hay không là câu hỏi lớn và gây tranh luận mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam sơ lược tập hợp một số vấn đề cơ bản đang gây tranh luận về dự thảo Luật này trong thời gian vừa qua. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
VỀ BẢN CHẤT CỦA CÂU CHUYỆN QUY HOẠCH TRONG LUẬT QUY HOẠCH?
Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân
Về Dự thảo Luật Quy hoạch, tôi cho rằng cần được phân tích và đánh giá rõ về mặt bản chất và phương pháp luận thực hiện vấn đề. Việc sắp xếp, bố trí không gian kinh tế – xã hội chỉ làm được và khả thi đối với quy hoạch vật thể, mà bản chất của Quy hoạch xây dựng là quy hoạch vật thể. Nhiệm vụ này cũng đã được ngành Xây dựng thực hiện từ mấy chục năm nay, ngay từ khi miền Bắc được độc lập, bắt tay vào xây dựng kiến thiết đất nước theo chỉ đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay (hiểu là Luật về Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước, không phải Luật Xây dựng hay Quy hoạch Xây dựng mà từ trước tới nay chúng ta đã và đang làm) đưa ra khái niệm “tích hợp”. “Tích hợp” là một thuật ngữ, nhưng nội hàm trong Luật này không có điều khoản nào nói về tích hợp quy hoạch là gì và cũng không có điều khoản nào nói đến việc xử lý các quy hoạch hiện hữu, cách làm các quy hoạch tương lai tiếp theo theo phương pháp “tích hợp” là như thế nào mà chỉ đưa ra 5 loại quy hoạch.
Nếu theo hướng mà Luật đang làm, hay giải thích “tích hợp” theo cách: Các đồ án quy hoạch xây dựng mà ngành Xây dựng làm sẽ phải đưa sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) thẩm định thì phi lý. Chúng ta cần biết bản chất đồ án quy hoạch đó đã được làm như thế nào? Nội dung của quy hoạch có đi vào cuộc sống hay không? Chứ không phải là quy hoạch đó chưa được “tích hợp” nên phải đưa cho Bộ KHĐT thẩm định hoặc trình phê duyệt lại. Trong thực tế hiện nay, quy hoạch tỉnh (63), vùng (16) đã có và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng đều gắn với chữ “xây dựng”.
Nếu theo Luật quy hoạch này thì tất cả những quy hoạch chưa được “tích hợp” sẽ xử lý thế nào? Xử lý bằng cách trình lại sang Bộ KHĐT để thẩm định và phê duyệt lại? Chúng ta đang giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống, thực tiễn xã hội để đem lại hiệu quả hay giải quyết để cho đúng quy “quy trình” về thủ tục hành chính mà chúng ta đang muốn tạo ra?
“TÍCH HỢP” TRONG LUẬT QUY HOẠCH LIỆU CÓ VỘI VÀNG?
TS. KTS Nguyễn Lân – Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Hiện tại, chúng ta đang có Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch Xây dựng. Hai bộ luật này đã đóng vai trò quan trọng và đáp ứng tốt trong suốt các giai đoạn phát triển đất nước, đặc biệt từ sau thời kỳ đổi mới đến nay. Cho đến nay, các chuyên gia đều đánh giá cao 2 loại Luật này.
Luật quy hoạch mới lần này cần khẳng định vai trò của Chính phủ, của quốc gia. Đối với Hệ thống quy hoạch quốc gia (quy hoạch vùng, quy hoạch công trình quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia…) cần thực hiện tích hợp ở tầm Chính phủ. Cần có một đơn vị trực tiếp chuyên trách hỗ trợ việc ra quyết định của Chính phủ bao gồm: tập hợp thông tin, phân tích thông tin, điều phối thông tin, tập hợp ý kiến bộ ngành và được Thủ tướng chính phủ chỉ đạo thực hiện, quyết định.
Giải pháp quy hoạch tích hợp rất hay nhưng tính va chạm chuyên ngành rất lớn. Cần làm rõ, tích hợp được không, tích hợp như thế nào? Trong điều kiện có thể, cần có thí điểm thử nghiệm quy hoạch tích hợp để có thể rút ra kinh nghiệm nhân rộng trong đó làm rõ vai trò Chính phủ, Bộ, ngành… Không nên vội vàng thông qua tích hợp.
CẦN LÀM RÕ VAI TRÒ CỦA QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÀ CẦN TÍNH ĐẾN VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TRONG DỰ THẢO LUẬT QUY HOẠCH MỚI.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm -Phó Chủ tịch Hội QHPTĐTVN
Qua các lần dự thảo, thái độ về các quy hoạch xây dựng lúc nặng lúc nhẹ, không thống nhất quan điểm. Theo Luật TCCQ địa phương, dự thảo Luật Quy hoạch lần này chưa đề cập đầy đủ đến nội hàm công tác quy hoạch ở cấp địa phương (sau cấp tỉnh), còn nhiều mâu thuẫn, chưa phù hợp và định hướng mới của Quốc hội và luật quy hoạch xây dựng mới thông qua là cần có một điều quy định khung đề cập đầy đủ đến nội hàm của hệ thống QHXD. Chính vì vậy Chưa có phân loại cụ thể của từng loại quy hoạch cụ thể dưới cấp tỉnh của địa phương. Luật mới ra đời phải xác định quá trình, quá độ để luật có hiệu lực. làm rõ tính hợp lý bởi sau khi luật quy hoạch xong sẽ phải điều chỉnh luật Xây dựng, luật quy hoạch đô thị như thế nào để tích hợp và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cũng cần tính đến vấn đề điều chỉnh quy hoạch. Không chỉ là quy hoạch của cấp trên điều chỉnh thì quy hoạch cấp dưới điều chỉnh mà khi quy hoạch cấp dưới phát hiện bất cập thì quy hoạch cấp trên cũng phải điều chỉnh theo.
LIỆU CÓ CÁ NHÂN HAY TỔ CHỨC NÀO ĐỦ KHẢ NĂNG CHỦ TRÌ NẮM VAI TRÒ TỔNG CHỈ HUY
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội QHĐTVN
Luật Quy hoạch được bắt tay vào soạn thảo với rất nhiều kỳ vọng, nhưng vào những giờ phút cuối vẫn chưa có nhiều đồng thuận giữa các bộ, ban ngành. Trên thế giới, không có quốc gia nào có kiểu một luật mới đề cập loại trừ luật khác như dự thảo đề Luật Quy hoạch lần này đề ra. Tuy « hình thức » là loại trừ nhưng bản chất nội dung lại gần như cho hết các nội dung của Luật Quy hoạch vào thì các luật đi trước sẽ bị vô hiệu. Như vậy, Bộ KHĐT chủ trì toàn bộ khối lượng công việc sẽ dẫn đến nhiều bất cập trong việc tổ chức hệ thống chuyên ngành.
Kinh nghiệm hiện nay, thực hiện một quy hoạch chuyên ngành làm mất 2 đến 5 năm. Vậy, thực hiện quy hoạch tích hợp như Dự thảo Luật Quy hoạch đề xuất sẽ đòi hỏi thời gian kéo dài gấp nhiều lần. Mặt khác cũng không có cá nhân hay tổ chức nào đủ khả năng chủ trì nắm vai trò tổng chỉ huy một đồ án tích hợp. Hơn nữa, dù gọi tên là tích hợp nhưng chỉ là phép cộng đơn thuần các loại hình quy hoạch vào một nội dung như dự thảo đề ra là không khoa học. Luật Quy hoạch mới phải tôn trọng luật đã có, không tích hợp để xóa bỏ các quy hoạch xây dựng hiện có. Cân đối các nội dung phối hợp theo lĩnh vực chuyên ngành một cách mạch lạc để có thể thể hiện rõ vai trò của các Bộ, ngành là điều cần thiết.
BẢN CHẤT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ LUÔN TỒN TẠI SONG HÀNH
PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Chúng ta cần thấy rõ hai hệ thống Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch tổng thể là khác nhau và trên thực tế hai hệ thống này luôn song hành. Cụ thể, quy hoạch tổng thể (quy hoạch phi vật thể) có vai trò đặc biệt quan trọng, tập trung vào mục đích định hướng phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và địa phương.
Quy hoạch xây dựng (quy hoạch vật thể) lại có mục đích là cụ thể hóa trong không gian xây dựng các định hướng phát triển kinh tế – xã hội đã được xác định trong quy hoạch tổng thể. Và không gian xây dựng chính là môi trường sống của con người, dù ở đâu (đô thị hay nông thôn) không gian ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng mà còn phải đẹp, nghĩa là có giá trị văn hóa – giá trị phi vật thể.
Quy hoạch không gian lại được chia làm nhiều cấp: Quy hoạch (không gian) vùng; Quy hoạch (không gian) chung hay Quy hoạch (không gian) chi tiết cho đô thị hoặc nông thôn. Việc xây dựng Luật Quy hoạch chính là câu chuyện “tích hợp” quy hoạch không gian (quy hoạch xây dựng) vào quy hoạch tổng thể như dự thảo để phát huy hiệu quả.
Thực tiễn thì đối với từng lĩnh vực cụ thể chúng ta đều đã hình thành các luật riêng để phục vụ cho công tác phát triển và quản lý. Vì vậy, Luật Quy hoạch cần thể hiện rõ mức độ, vai trò của một luật khung hướng tới định hướng phát triển kinh tế – xã hội tổng thể mà không triệt tiêu, chồng chéo đến các luật chuyên ngành thì mới thể hiện được vai trò và phát huy hiệu quả cho các Luật chuyên ngành khác.
LUẬT QUY HOẠCH (MỚI) – NHẦM LẪN VỀ KHÁI NIỆM VÀ THÔNG LỆ QUỐC TẾ?
TS. QLĐT Lý Văn Vinh – Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng
Khảo sát việc lập quy hoạch một số nước trên thế giới đã chỉ ra rằng do sự khác biệt giữa kế hoạch phát triển KTXH và quy hoạch đô thị, nên tại các nước phát triển (phương Tây) chỉ có Luật về quy hoạch đô thị hoặc phân vùng đô thị, quy hoạch sử dụng dụng đất hoặc phân vùng sử dụng đất; trong quy hoạch đô thị hay quy hoạch sử dụng đất đã có các nội hàm kế hoạch phát triển KTXH. Liên Xô cũ trước đây, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước đang phát triển, có vị trí địa lý gần gũi, quy mô kinh tế giống Việt Nam như Thailand, Philipne có kế hoạch phát triển KTXH và quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, các bản kế hoạch/quy hoạch này được làm song hành và có sự phối hợp v.v…
Quy hoạch tổng thể hay quy hoạch hợp nhất bắt nguồn từ quy hoạch đô thị khi lập quy hoạch vùng. Để có quy hoạch đô thị tốt cần có các nội dung về kinh tế xã hội, dân cư, thu nhập và các nội dung kinh tế khác được tích hợp bên trong, đó là thông lệ quốc tế.
Xuất phát từ mong muốn có trật tự về quy hoạch để ổn định phát triển kinh tế xã hội, không có quy hoạch riêng rẽ, thiếu gắn kết giữa các ngành là ý tưởng tốt, tuy nhiên sự nhầm lẫn về khái niệm và thông lệ quốc tế dẫn đến định hình sai về Luật quy hoạch (mới) cần được làm sáng tỏ? Việc chồng chéo các loại hình quy hoạch hiện nay ngoài nguyên nhân về luật pháp còn nguyên nhân về tổ chức thực hiện phân giao nhiệm vụ, chức năng giữa các Bộ.
HẦU HẾT CÁC QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI KHÔNG CÒN SỬ DỤNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ KINH TẾ XÃ HỘI
Ths. Kts Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia
Hiện nay các nước trên thế giới đều hướng chung một hình thức quy hoạch, đối tượng quy hoạch đó là không gian, là vật thể. Gần như không có nước nào tồn tại cái gọi là tổng thể kinh tế – xã hội nữa vì kinh tế thị trường là luôn biến động. Điển hình là ở Mỹ. Họ không tồn tại những quy định hay những áp đặt do chính quyền của Liên bang tới từng bang. Công tác quy hoạch cho từng bang nhất định không quyết định cho từng thành phố, mà việc quy hoạch chỉ đặt ra từng khung cho những phần hạ tầng kỹ thuật lớn, những vấn đề mang tính liên vùng là những kết nối, còn toàn bộ những vấn đề bên trong giao hoàn toàn cho chính quyền hạt, chính quyền thành phố quyết định.
Theo báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư đề xuất xây dựng Luật quy hoạch (mới) điều chỉnh các hoạt động về quy hoạch bao gồm các công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực chất là gom các loại hình quy hoạch vào trong một Luật thống nhất. Ðây được cho là một phát kiến mới nhằm loại bỏ những chồng lấn và phát sinh không đáng có trong việc lập và thực thi quy hoạch. Một số chuyên gia gọi đó là quy hoạch hợp nhất hay quy hoạch tích hợp theo thông lệ quốc tế để giải quyết những tồn tại nêu trên. Tuy nhiên, việc hợp nhất và loại bỏ nội dung quy hoạch Xây dựng trong dự thảo luật Quy hoạch (mới) có theo thông lệ quốc tế và giải quyết được các vấn đề đặt ra hay không?
BBT Tạp chí KTVN