24/08/2015

Dự thảo Bộ cơ sở dữ liệu cấp thoát nước đô thị Việt Nam: Cần con số đáng tin cậy

Bộ Xây dựng đang tiến hành dự thảo Bộ cơ sở dữ liệu cấp thoát nước đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng bộ chỉ số và bảng hỏi cho dự thảo này gặp những bất cập nhất định, khi ở mỗi tỉnh thành chưa có một cơ quan đầu mối chung nắm bắt và bao quát được tất cả các thông tin về cấp thoát nước trên địa bàn.


Mỗi địa phương sẽ có phương án đầu tư dự án cấp thoát nước phù hợp khi được cân nhắc trên một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy.

Năm bè bảy mối quản lý

Bộ cơ sở dữ liệu cấp thoát nước đô thị Việt Nam được kỳ vọng không chỉ dành cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn phục vụ nhu cầu đa dạng cho các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp. Chính vì vậy, nếu muốn có thông tin tổng quan về cấp thoát nước ở một địa phương, cần có một cơ sở dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy.

Ông Đinh Quang Hiệp, Chủ tịch Cty TNHH MTV Cấp thoát nước Bắc Ninh cho rằng, hiện nay, việc quản lý cấp nước ở nhiều địa phương rất đa dạng và Sở Xây dựng chỉ nắm bắt được một phần. Trong khi đó, để có được một bức tranh chung về cấp nước ở địa phương liên quan đến tối thiểu 3 đơn vị: Sở Xây dựng (cấp nước đô thị, khu có tính chất đô thị), Sở NN&PTNT (cấp nước nông thôn) và BQL KCN (cấp nước công nghiệp). Ngoài ra còn có các công ty cấp nước tư nhân thuộc UBND tỉnh hoặc Sở KH&ĐT…

“Có những tỉnh, việc cấp nước cho KCN còn lớn hơn cả việc cấp nước trong KĐT”, ông Đinh Quang Hiệp nói.

Theo ông Phạm Minh Cường, Trưởng phòng Kế hoạch Cty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết, bản thân Sở Xây dựng chưa chắc đã biết rõ hoạt động của từng đơn vị cấp nước hiện nay, khi mà có nhiều công ty cấp nước thuộc các ngành khác nhau cùng hoạt động. Như vậy, nếu như Sở Xây dựng chỉ dựa trên con số báo cáo của Cty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Hải Dương để báo cáo lên Bộ, thì con số này chưa phải là con số phản ánh đúng thực trạng cấp nước trên địa bàn tỉnh.

Chưa hết, việc thu thập dữ liệu và cập nhật dữ liệu tại một đơn vị cũng rất khó khăn vì việc làm này phụ thuộc vào rất nhiều bộ phận, phòng ban, nếu như không hình thành một bộ phận chuyên trách việc thu thập dữ liệu.

“Ngay cả đối với Cty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Hải Dương thì việc thu thập, cập nhật dữ liệu về cấp thoát nước trên địa bàn cũng khó. Việc cấp nước không hẳn cho một phường, một quận hay một KĐT nằm trong đô thị, mà mang tính nửa vời”, ông Phạm Minh Cường nói.

Cần con số “biết nói”

Trong khi đó, việc xây dựng bộ chỉ số và bảng hỏi để làm cơ sở dữ liệu cho cấp thoát nước đô thị Việt Nam không chỉ nhằm mục đích là tư liệu tin cậy trong quá trình đầu tư xây dựng, mà nó còn có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thẩm định các dự án đầu tư, để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.

“Chúng ta cần biết nhu cầu cụ thể về cấp và thoát nước cho thành phố là con số bao nhiêu. Khu vực nào được cấp rồi, khu vực nào chưa được cấp. Việc tiếp tục đầu tư có cần thiết không, nếu cần thiết thì công suất là bao nhiêu, trên cơ sở sử dụng bộ dữ liệu này”, ông Phạm Minh Cường cho biết.

Ông Lê Thanh, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền cho rằng, việc xây dựng bảng dữ liệu cho lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải là rất cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với các địa phương, bởi nó liên quan chặt chẽ đến vấn đề đầu tư cho công nghệ cấp nước và xử lý nước thải cũng như quá trình vận hành dự án sau này.

Theo ông Lê Thanh, việc lựa chọn công nghệ trong cấp thoát nước phù hợp với từng địa phương rất quan trọng trong giai đoạn đầu tư. Bởi giai đoạn này sẽ liên quan đến nhiều yếu tố như: diện tích chiếm đất, suất đầu tư, chi phí vận hành, tiêu chuẩn nước thải đã được xử lý ra môi trường, mức độ biến động của khả năng xử lý nước thải đầu vào… Nếu như không có một dữ liệu tin cậy, thì việc đầu tư công nghệ cho cấp thoát nước tại một địa phương cũng có thể thất bại.

“Chúng tôi đã phải đối diện với những dự án được duyệt đầu tư rồi nhưng sau khi đi vào thực tế gặp bất cập thì buộc phải thay đổi công nghệ. Thậm chí, kể cả WB có những dự án đã quyết định công nghệ, nhưng khi vào thực tế không phù hợp thì phải thay đổi công nghệ”, ông Lê Thanh nói.

Như vậy, việc đưa ra được bộ chỉ số về dữ liệu cấp thoát nước đô thị đáng tin cậy đang được các địa phương cũng như các nhà tài trợ, doanh nghiệp đón chờ với kỳ vọng thoả mãn nhu cầu quản lý ngành tốt hơn cũng như đạt được mục đích đầu tư đúng mức và hiệu quả.

Tuy nhiên, cách nào để có thể nắm bắt được tất cả các thông tin dữ liệu cấp thoát nước tại một địa phương đang là một thách thức không nhỏ đối với các nhà tư vấn cũng như ban soạn thảo, khi mà việc quản lý cấp thoát nước ở các địa phương chưa được quy về một mối.

Thanh Nga/Báo Xây dựng