29/05/2015

Dự án nợ tiền thuế sử dụng đất: Cư dân phấp phỏng sợ không có sổ đỏ

Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp “nợ” hoàn thành nghĩa vụ tài chính (hay còn gọi tiền thuế sử dụng đất) với 72 dự án, số tiền nợ lên đến 3.153 tỷ đồng. Nhưng đáng lo nhất là khách hàng mua dự án cũng không hề hay biết về chuyện này, bởi nếu không nộp tiền thuế đất dự án không thể được cấp sổ đỏ.

 Dự án Diamond Flower Tower của Handico 6 đến nay vẫn nợ hơn 100 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất.


Dự án Diamond Flower Tower của Handico 6 đến nay vẫn nợ hơn 100 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất.

Khách hàng chắc mẩm “xong rồi”

Tháng 4/2015, Đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội đã trực tiếp giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận, huyện kết quả phát hiện có 72 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước với số tiền nợ lên tới 3.152 tỷ đồng được gia hạn nhưng đến hạn chủ đầu tư vẫn không nộp.

Chuyện doanh nghiệp nợ tiền thuế sử dụng đất thì chỉ doanh nghiệp và cơ quan nhà nước biết với nhau, nhưng khi bán dự án ra thị trường chủ đầu tư hiếm khi công khai chuyện đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với dự án này hay chưa. Bởi thế, mới có chuyện người dân nhận nhà 5 – 6 năm trời mà vẫn chưa có sổ đỏ, hỏi chủ đầu tư thì họ khất lần, tìm hiểu mới biết dự án xin “khất” chậm nộp tiền sử dụng đất.

Chị N.T. Hương khách hàng mua dự án Diamond Flower Tower của Cty CP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) chia sẻ: Khi mở bán chủ đầu tư cũng không công khai việc nộp tiền sử dụng đất, trong hợp đồng cũng không khi rõ. Chỉ có mục nhận nhà sau bao lâu thì có sổ đỏ. Bây giờ tôi mới biết họ nợ gần 100 tỷ đồng tiền thuế đất, nếu họ chậm nộp thì khả năng treo sổ đỏ rất cao. Không những vậy nếu có việc gấp tôi cũng không thể đem đi thế chấp hay sang nhượng được”.

Hay tại dự án Tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và chung cư Đại Kim tại số 2 Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) của Cty TNHH Five star Kim Giang cũng đang nợ tới 8,6 tỷ đồng. “Tôi cứ ngỡ họ phải nộp tiền thuế sử dụng đất xong hết rồi thì mới bán căn hộ chứ! Thế này mà lỡ có việc cần thế chấp vay vốn làm ăn thì coi như mất cơ hội à?”, anh Hà một khách hàng cho biết.

Cùng nỗi lo anh Nguyễn Tùng khách hàng mua dự án Văn phòng, TTTM và dự án 52 Lĩnh Nam của Cty CP Lilama Hà Nội (nợ 27,7 tỷ đồng) còn hoang mang hơn, bởi dự án đình trệ nhiều năm nay, nguy cơ không nhận được nhà.

Thực tế thời gian qua có quá nhiều DN được tham gia đầu tư dự án BĐS nhưng năng lực tài chính hạn chế, khiến dự án kéo dài, làm mất niềm tin khách hàng. Khi thị trường BĐS khó khăn đã dẫn đến tình trạng dự án bỏ hoang; kiện tụng giữa khách hàng với chủ đầu tư xảy ra khá nhiều như thời gian qua.

Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) và một số luật khác liên quan tiếp tục có những quy định siết chặt hơn nữa đối với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS. Doanh nghiệp buộc phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí liên quan đến dự án trước khi chuyển nhượng, đưa ra thị trường kinh doanh hay ký quỹ cho việc đầu tư dự án…

Sớm muộn gì cũng phải nộp

Theo báo cáo của Cục thuế Hà Nội (tính đến ngày 31/3/2015) thì những “ông” lớn chậm, không được gia hạn thuế với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, như: Cty CP Thương mại và Xây dựng Á Châu – Dự án tiểu khu nhà ở Đồi Dền Thị xã Sơn Tây nợ 231 tỷ đồng; Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội – Dự án khu hỗn hợp TTTM, dịch vụ công cộng văn phòng và nhà ở để bán 108 Nguyễn Trãi nợ 177 tỷ đồng; Dự án Cty CP Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc nợ 220 tỷ đồng; Cty CP Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu nợ 322 tỷ đồng…

Qua trao đổi với PV, lãnh đạo một quận tại Hà Nội (xin không nêu tên) cho hay: Kiểu gì doanh nghiệp cũng phải nộp, nếu không nộp cơ quan thuế, rồi thanh tra vào cuộc, dự án nếu chưa triển khai có thể bị thu hồi. Khách hàng mua căn hộ bây giờ họ cũng tinh ý lắm, sau bao nhiêu ngày mà không nhận được sổ đỏ họ kiện chủ đầu tư ngay.

Hiện nay giá đất giao dịch trên thị trường đã giảm. Do khó khăn chung của nền kinh tế, các dự án BĐS trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu bán hàng, vì vậy việc thực hiện nghĩa vụ thuế cũng phụ thuộc nhiều yếu tố.

Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho hay: Hiện nay, đối với các trường hợp chậm nộp tiền sử dụng đất, bên cạnh việc xử phạt theo phương án đấu giá được phê duyệt, TP sẽ nghiên cứu áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo đúng quy định tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành.

Theo Báo Xây dựng