Dự án Làng Ðại học Ðà Nẵng “treo” đến bao giờ ?
Dự án Làng Ðại học Ðà Nẵng (ÐHÐN) đến nay đã “treo” 18 năm, kéo theo nhiều hệ lụy và làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân. Theo bạn đọc phản ánh, bị quy hoạch “treo”, người dân không thể chuyển nhượng đất đai, nhà cửa; thiếu đất canh tác, cuộc sống tạm bợ và chưa biết đến lúc nào phải bàn giao đất.
Theo báo cáo của ÐHÐN, quy hoạch Dự án Làng ÐHÐN được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1057, ngày 9-12-1997, với quy mô đào tạo đến năm 2010 là 30.000 sinh viên hệ chính quy. Tổng diện tích của dự án là 300 ha; trong đó, có 190 ha thuộc xã Ðiện Ngọc (Ðiện Bàn, Quảng Nam) và 110 ha thuộc phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, TP Ðà Nẵng). Sau 18 năm với nhiều quyết định phê duyệt, điều chỉnh dự án, đến nay, dự án mới thực hiện được 25,4 ha/286,5 ha đất trong tổng quy hoạch. Hiện, có bốn công trình được xây dựng gồm: Trường cao đẳng Công nghệ thông tin Việt – Hàn (do UBND thành phố Ðà Nẵng xây dựng), Trường cao đẳng Công nghệ thông tin, khoa Y – Dược và hai khu ký túc xá dành cho sinh viên (ÐHÐN xây dựng).
Ðối với diện tích đất 190 ha thuộc tỉnh Quảng Nam, giai đoạn năm 2003 – 2005, do chưa được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, ÐHÐN đã sử dụng kinh phí tự bổ sung 1,66 tỷ đồng để xây dựng một khu tái định cư với diện tích là 1,02 ha trên đất Quảng Nam. Nhưng tại đây, chỉ có hai hộ dân được bố trí định cư tại chỗ, còn lại hơn 100 hộ dân có nhà và đất trên đường bao đã được thực hiện xong việc kiểm kê, áp giá đền bù, nhưng không có kinh phí để chi trả, không thể xây dựng khu tái định cư. Dự án thì vẫn giậm chân tại chỗ, dù đã có nhiều ý kiến, kiến nghị của địa phương gửi tới các ngành chức năng liên quan.
Chúng tôi đến thôn Cao Hòa, xã Ðiện Ngọc (Ðiện Bàn, Quảng Nam), nằm gọn trong quy hoạch Làng ÐHÐN. Là một trong hơn 250 hộ gia đình sống ở đây hơn 30 năm, bà Huỳnh Thị Út, 55 tuổi, lắc đầu ngao ngán: “Vợ chồng tôi có 3.800 m2 đất có sổ đỏ đã 31 năm nay, mà giờ con cái dựng vợ gả chồng, muốn cắt cho nó miếng đất ngay trong vườn để chúng xây nhà ổn định cuộc sống cũng không được, tách hộ khẩu cũng không được. Mùa nắng nóng kéo dài bụi bặm, khi có mưa thì nhà tôi thành hố trũng, hứng trọn tất cả các loại nước thải của mấy cái trường này. Nhà nước phải trả lời cho dân chúng tôi biết khi nào dự án này làm? Nếu Nhà nước lấy đất để làm dự án, xây dựng các trường đại học thì chúng tôi sẵn sàng đi”.
Ở thôn này, ngoài hơn 250 hộ dân sống lâu đời, hiện có thêm hơn 200 hộ dân “tái định cư mới” đang sinh sống trong cảnh “tự quản, không hộ khẩu”. Anh Sơn, một người dân đang “tạm cư” ở đây cho hay, cách đây sáu năm, vợ chồng anh chắt chiu, dành dụm được ít tiền, thấy người ta rao bán đất ở đây vừa túi tiền cho nên quyết định mua, rồi vay tiền nội, ngoại để xây nhà ở kiên cố. Mãi đến sau này mới được biết đây là vùng quy hoạch của dự án Làng ÐHÐN. Khi chung quanh khu vực anh Sơn ở, nhiều nhà bị cưỡng chế, bị đập phá, thì nhà anh vẫn đang được ở và chưa nghe thông báo gì về việc có di dời, giải tỏa. “Vợ chồng tôi sống ở đây sáu năm rồi, chưa khi nào được đi họp, vì không có tổ dân phố, không ai quản lý. Ðiện thì phải xin dùng nhờ, con cái không làm được hộ khẩu đành gửi về ông bà nội lo. Giờ mà cưỡng chế thì chúng tôi không biết ở đâu”, anh Sơn bày tỏ.
Không chỉ với bà Út, anh Sơn mà hơn 1.000 hộ dân của xã Ðiện Ngọc “nằm gọn” trong dự án treo này đã 18 năm và nhiều người khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, họ cười lắc đầu “chết cũng không có đất mà chôn” vì không có hộ khẩu. Còn người dân khu vực phường Hòa Hải thì đã phần nào ổn định cuộc sống khi năm 2013, UBND thành phố Ðà Nẵng cho phép người dân sống trong vùng quy hoạch dự án này được sửa lại nhà cửa, xây mới trong quy định cho phép. Nhưng cuộc sống thì vẫn quá bấp bênh và không ổn định.
Ðể tìm lối thoát cho dự án “treo” này, giữa tháng 8-2014, lần đầu lãnh đạo UBND thành phố Ðà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã cùng ngồi lại họp bàn để tìm ra một hướng giải quyết sao cho hợp lý, nhất là ổn định đời sống người dân nằm trong vùng giải tỏa vì dự án. Cuộc đấu lý bắt đầu và nguyên nhân vì sao chậm triển khai dự án cũng như trách nhiệm thuộc về ai thì cũng chưa rõ và các ý kiến của đại diện lãnh đạo TP Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng mới chỉ dừng lại ở kiến nghị.
Phía Bộ Giáo dục và Ðào tạo thì ghi nhận và sẽ có văn bản kiến nghị cấp trên. Tại buổi làm việc này, GS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc ÐHÐN thừa nhận: “Ðã qua hơn 17 năm, công tác thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng trên phần diện tích 190 ha đất thuộc tỉnh Quảng Nam vẫn chưa được triển khai. Ðiều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý đất đai, gây khó khăn trong kế hoạch xây dựng của địa phương, cuộc sống của gần 2.000 hộ dân cư đang cư trú trong khu vực dự án không ổn định, nảy sinh tình trạng xây dựng nhà trái phép và nhiều vấn đề liên quan khác”.
Cũng tại buổi làm việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Ðinh Văn Thu khẳng định: Quảng Nam vẫn kiên trì mục tiêu xây dựng Làng ÐHÐN và xem đây là động lực phát triển cho quy hoạch khu đô thị Ðiện Nam – Ðiện Ngọc. Cần dồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng. Có mặt bằng mới có thể kêu gọi đầu tư, đừng như cách làm trước đây vừa giải phóng mặt bằng, vừa xây dựng cơ sở vật chất. Dù giữ nguyên quỹ đất như hiện trạng hay có sự thay đổi thì cũng cần sớm có kết luận, để sớm ổn định đời sống cho nhân dân trong vùng quy hoạch.
Trong khi chờ một quyết định cuối cùng cho dự án Làng ÐHÐN, hằng ngày người dân vẫn phải chịu đựng nhiều hệ lụy từ dự án “treo” này. Người dân mong muốn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Ðà Nẵng, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần có hướng giải quyết kịp thời.
Theo Nhân Dân