12/01/2022

Dự án điện gió Công lý tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Xin vào quy hoạch để rồi “ì ạch”

Là dự án điện gió ven biển đầu tiên, với mức đầu tư gần 5000 tỷ đồng, cùng với “cái mác” của “đại gia điện gió” miền Tây, điện gió Công Lý từng được kì vọng sẽ làm thay đổi và nâng tầm phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, từ khi UBND tỉnh có văn bản về nguyên tắc chấp thuận chủ trương đầu tư đến nay, những cánh quạt gió này vẫn còn nằm im trên giấy.

Cụ thể, từ đầu năm 2018, công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (tỉnh Cà Mau) do ông Tô Hoài Dân làm Tổng giám đốc đã đề xuất thực hiện dự án điện gió nêu trên tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đến cuối năm 2018, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã có văn bản về nguyên tắc chấp thuận chủ trương cho công ty triển khai thực hiện dự án điện gió ven biển tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

Theo đó, dự án Nhà máy điện gió Công Lý tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có công suất thiết kế 102,6MW, gồm 27 trụ tuabin gió và các công trình như: khu điều hành, khu vực bố trí tuabin và cầu công tác. Diện tích sử dụng khoảng 1.062 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án trong vòng 24 tháng kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, đã gần 4 năm trôi qua, mà hiện nay dự án này vẫn đang nằm im bất động. Thông tin gần nhất về dự án chính là buổi làm việc của thường trực UBND tỉnh nghe báo cáo chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Công Lý tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 1 vào giữa tháng 11/2021.

Dự án Nhà máy điện gió Công Lý tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng

Được biết, tại buổi làm việc, hầu hết các sở, ngành, địa phương đều đánh giá cao mục đích và giá trị thực tiễn của dự án. Tuy nhiên, về khía cạnh môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường khá thận trọng khi cân nhắc về dự án. Trong đó, lưu ý loại hình nhà máy điện gió trong quá trình thi công có thể phát sinh các vấn đề ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, chất thải và các sự cố nguy hiểm trên biển…. Theo đó, nếu dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thì chủ đầu tư cần phải làm rõ các vấn đề liên quan đến môi trường như Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cần phải nghiên cứu các yếu tố động lực biển để có các giải pháp về xói lở, bồi lắng; bảo vệ nguồn lợi nuôi trồng thủy hải sản; nghiên cứu kỹ lưỡng về các tác động của trụ điện gió….

Như vậy tính đến thời điểm này dự án điện gió Công Lý vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan về việc triển khai. Hơn bao giờ hết, lúc này năng lực tài chính của nhà đầu tư cũng cần phải được đánh giá lại một cách khách quan, chính xác theo tinh thần phát biểu kết luận tại buổi làm việc của ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đây không phải là lần đầu tiên phương thức kinh doanh và năng lực tài chính của những công ty thuộc “hệ sinh thái doanh nghiệp” của Công Lý Group do ông Tô Hoài Dân sở hữu bị dư luận đặt nghi vấn.

Như đã nói trên, ở khu vực miền Tây Nam bộ, ông Tô Hoài Dân được biết đến với biệt danh đại gia điện gió, khi doanh nhân này thông qua Công Lý Group đầu tư một loạt dự án điện gió lớn. Nổi bật là bộ đôi dự án Super Wind Công Lý Sóc Trăng và Super Wind Công Lý Bạc Liêu nhưng chỉ hơn 1 năm sau đã lần lượt bán cổ phần chi phối cho Tập đoàn Super Energy Corporation (SEC) của Thái Lan.

Ngoài hai dự án nêu trên còn phải kể tới dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long công suất 100MW, vốn đầu tư 5.500 tỉ đồng tại Cà Mau. Đầu năm 2018, Công Lý Group đã hợp tác với SEC thành lập Công ty CP Super Wind Energy Công Lý 1 để thực hiện dự án, song dự án này tới nay vẫn chưa hoàn tất.

Cuối tháng 3/2020, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Tô Hoài Dân cùng con trai Tô Công Lý để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án Nhà máy xử lí rác thải TP Cà Mau. Trước đó một tuần, Công ty Công Lý đã giảm mạnh vốn điều lệ từ 2.900 tỉ đồng về còn 1.000 tỉ đồng, trong đó ông Tô Hoài Dân chiếm 70,12%, ông Tô Công Lý có 29,88%.

Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm và thắc mắc nhất có lẽ là việc: Dù vào thời điểm lãnh đạo cấp cao vướng vòng lao lí và đang bị truy tố, song dự án nhà máy điện gió Công Lý Bà Rịa – Vũng Tàu của Công Lý Group vẫn nằm trong danh sách các dự án điện gió được bổ sung vào Quy hoạch điện VII. Và kết quả là đến nay dự án này vẫn chỉ là một “viên gạch” được đặt để giữ chỗ.

Thiên Bảo – Thanh Vượng