Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính: “Quýt làm… cam chịu”?
Mặc dù chủ đầu tư Dự án cống hoá mương Phan Kế Bính đã có đơn xin tự khắc phục, nhưng Quận Ba Đình vẫn ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty CP Đa Quốc Gia. Điều này trái với những gì chủ tịch UBND Quận Ba Đình trả lời báo chí chiều ngày 13.6.
Chiều 13.6, UBND quận Ba Đình đã có thông tin liên quan tới việc tổ chức thực hiện xử lý các vi phạm tại khu vực dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP.Hà Nội.
Hàng loạt sai phạm của chính quyền
Tại đây, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình thừa nhận trách nhiệm của chính quyền trong việc để xảy ra sai phạm trong thời gian dài tại dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính.
“Chính quyền đã phải kiểm điểm và xử lý cán bộ. Một số đồng chí giai đoạn trước đã bị xử lý kỷ luật. Chính việc xảy ra như thế, đến giai đoạn này, Chính phủ đã phải ra văn bản chỉ đạo, Thành phố cũng đã ra chỉ đạo thì UBND quận Ba Đình kiên quyết xử lý nghiêm túc, triệt để”, ông Bình nói.
Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Quận Ba Đình với chủ đầu tư và các doanh nghiệp chiều ngày 12.6 (Ảnh: PV)
Theo tìm hiểu của Dân Việt, khi công trình Cống hóa mương Phan Kế Bính thực hiện được khoảng 90% thì phải tạm dừng thi công để thực hiện thanh tra toàn diện dự án. Theo kết luận thanh tra số 559/ KL- TTTP ngày 14.4.2010 thì mương Phan Kế Bính nằm trong qui hoạch mở rộng đường (qui hoạch năm 2000) nhưng các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho UBND TP để đấu thầu dự án cống hóa mương làm điểm đỗ xe và dịch vụ phụ trợ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là sai qui định.
Thanh tra TP cũng chỉ ra sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 6.078 m2 đất cho nhà đầu tư của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội thừa ủy quyền của UBND TP bao gồm cả lòng mương thoát nước với hình thức sử dụng riêng là không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của thành phố và cần phải thu hồi lại.
Tại kết luận số 1303/KL-STNMT-ĐKTr ngày 28.6.2018 của Sở TNMT Hà Nội cũng đã chỉ rõ: Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa hoàn thành trách nhiệm của Sở về công tác đầu tư; Sở Quy hoạch Kiến trúc thiếu sót về quy hoạch kiến trúc; Sở TNMT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đa quốc gia sử dụng 6.078 m2 là trong đó có lòng mương thoát nước với hình thức sử dụng riêng là không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của UBND TP; Thanh tra xây dựng phường Cống Vị chưa kịp thời lập biên bản yêu cầu CĐT ngừng thi công đối với những sai phạm là chưa đúng với quy định; Chủ tịch phường Cống Vị chưa hoàn thành trách nhiệm; Thanh tra xây dựng quận Ba Đình chưa kiểm tra, xử lý kịp thời những sai phạm của CĐT; UBND quận Ba Đình có văn bản Công ty CP Đa quốc gia với nội dung “Về việc lắp dựng nhà tạm không phải xin phép xây dựng…” dẫn đến Công ty CP Đa quốc gia xây dựng 3 nhà tạm là chưa thực hiện đúng Nghị định của Chính phủ…
Cuối tháng 12.2017, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép ở dự án cống hóa Phan Kế Bính; đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Kết luận của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ: Việc UBND TP.Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm), mương thoát nước Nghĩa Đô (thời hạn 50 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng, trong đó, mương thoát nước Phan Kế Bính đã được quy hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch…
“Quýt làm… cam chịu”?
Bên cạnh những sai phạm từ phía chính quyền, cơ quan chức năng TP.Hà Nội cũng đã chỉ ra rằng nhà đầu tư là Công ty CP Đa Quốc Gia cũng có những sai phạm nhất định trong phần thi công các công trình dịch vụ, dịch vụ phụ trợ. Sau khi Thanh tra TP yêu cầu, chủ đầu tư đã khắc phục hầu hết các lỗi vi phạm này, trừ một số lỗi không điều chỉnh được do liên quan đến kết cấu kỹ thuật, biện pháp xử lý. Riêng công trình nhà tạm phục vụ thi công chủ đầu tư chưa phá bỏ do dự án vẫn còn đang dở dang, chưa hoàn công.
Chủ đầu tư dự án cống hoá mương Phan Kế Bính đang thực hiện khắc phục sai phạm sau khi có đơn gửi Quận Ba Đình về việc tự nguyện khắc phục nhưng Quận vẫn ra quyết định cưỡng chế (Ảnh: PV)
Từ năm 2009 đến nay, trải qua rất nhiều lần thanh tra, hàng loạt các văn bản chỉ đạo, kiến nghị của UBND TP Hà Nội và các Sở, ban, ngành liên quan, đến nay, “số phận” của dự án vẫn chưa được định đoạt một cách rõ ràng. Dự án này vẫn nằm trong tình trạng chưa thể hoàn công và đưa vào sử dụng theo đúng các quy định của pháp luật.
Ngày 30.5.2014, đội kiểm tra liên ngành thực hiện chỉ đạo của UBND Quận Ba Đình đã tiến hành kiểm tra, tổng hợp, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, công trình xây dựng, vật kiến trúc nhằm mục đích: Xác định hiện trạng đất và xây dựng bản đồ tổng mặt bằng hiện trạng kèm theo danh sách hiện trạng sử dụng nhà, bãi đỗ xe trên khu vực cống hóa mương. Theo đó Đoàn liên ngành cũng thống nhất yêu cầu chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất.
Đáng chú ý, ngày 30.5.2018, UBND quận Ba Đình chỉ đạo Thanh tra xây dựng quận đến doanh nghiệp xác lập lại một loạt các biên bản vi phạm hành chính về xây dựng đối với hành vi vi phạm đã xảy ra gần 10 năm trước. Ngay hôm sau, ngày 1.6.2018, UBND quận ban hành một loạt các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và yêu cầu doanh nghiệp phải dỡ bỏ các công trình sai phép này trong vòng… 10 ngày.
Chủ đầu tư dự án cống hoá mương Phan Kế Bính đang thực hiện khắc phục sai phạm sau khi có đơn gửi Quận Ba Đình về việc tự nguyện khắc phục nhưng Quận vẫn ra quyết định cưỡng chế (Ảnh: PV)
Ngày 30.5.2018, Công ty CP Đa quốc gia đã có văn bản giải trình đối với các hành vi vi phạm được ghi nhận trong biên bản vi phạm trật tự xây dựng gửi UBND Quận để làm rõ, bản chất đây không phải là các vi phạm về trật tự xây dựng như nội dung Biên bản ghi nhận bởi đây là diện tích nhà tạm đã được UBND Quận Ba Đình cấp phép tại văn bản số 466/UBND-QLXD ngày 19.5.2009.
Ngày 4.6.2018, Công ty đã có văn bản số 40/CV gửi UBND Quận Ba Đình, theo đó, Chủ đầu tư có ý kiến về việc tự nguyện tháo dỡ và khắc phục theo kế hoạch và tiến độ cụ thể sau khi thống nhất với các bên liên quan để phục vụ công tác giám sát và hỗ trợ.
Nhận được văn bản của chủ đầu tư, UBND Quận không có ý kiến gì và đến ngày 11.6, UBND quận Ba Đình ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty CP Đa Quốc Gia.
Điều này trái với những gì ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình nói tại cuộc họp báo chiều ngày 13.6.
Cụ thể, tại cuộc họp PV báo giới đặt câu hỏi “nếu doanh nghiệp (Công ty CP Đa quốc gia) xin tự khắc phục thì quận xem xét thế nào”, ông Bình nói rằng: “Nếu doanh nghiệp có đơn UBND quận sẽ nghiêm túc xem xét nhưng phải trên tinh thần đơn của doanh nghiệp có tính chấp hành hay không. Doanh nghiệp phải hứa, cam kết khắc phục có thời hạn, theo định hướng của chính quyền”.
Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn, vì sao UBND quận lại vội vàng ban hành Quyết định cưỡng chế khi doanh nghiệp đã có ý kiến bằng văn bản trước đó?
Trước đó, trao đổi với Dân Việt, đại diện Công ty CP Đa quốc gia cho biết, dự án cống hóa mương Phan Kế Bính được UBND TP.Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 24.6.2008. Đây là dự án xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội, thực hiện theo hình thức đấu thầu BOT. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 86,815 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên 125 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ 2008-2009, thời gian hoạt động của dự án là 20 năm.
Liên quan đến việc Công ty CP Đa quốc gia đã cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê làm các dịch vụ kinh doanh nhà hàng, quán bia, trái với mục đích kinh doanh ban đầu, đại diện Công ty này cho hay, dự án cống hóa mương Phan Kế Bính là dự án xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội.
Theo đó, chủ đầu tư tự bỏ vốn để đầu tư theo kế hoạch phê duyệt và chủ trương quy hoạch của thành phố. Bù lại, nhà đầu tư được giao đất, quản lý, khai thác và kinh doanh dịch vụ, dịch vụ phụ trợ để thu hồi vốn. Việc cho thuê mặt bằng kinh doanh hay khai thác các dịch vụ mà pháp luật không cấm để thu hồi vốn đầu tư không có nghĩa là trái với mục đích kinh doanh ban đầu.
“Nếu như hiểu theo cách để cho rằng “dịch vụ” và “dịch vụ phụ trợ” ở đây chỉ là trông giữ xe để thu hồi vốn thì không đúng với bài toán về nguồn vốn đầu tư ban đầu, bởi để thu hồi hàng trăm tỷ đồng bỏ ra chỉ bằng việc trông giữ xe thì việc thu hồi vốn cần đến 50 năm chứ không phải 20 năm như hiện nay”, đại diện chủ đầu tư cho hay.
Nhóm PV/Dân Việt