09/09/2015

Dòng tiền vào bất động sản tăng nhanh

Trong bối cảnh USD tăng giá mạnh thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã tìm kênh trú ẩn an toàn cho dòng vốn của mình, trong đó bất động sản (BĐS) là một trong các kênh được lựa chọn hàng đầu.


USD, gửi tiết kiệm đều ngần ngại

Với cam kết duy trì mức tăng giá USD không quá 2%/năm của NHNN, rất nhiều người dân đã lựa chọn gửi tiết kiệm VND thay vì găm giữ USD. Nguyên nhân bởi chênh lệch lãi suất tiết kiệm giữa VND và USD đủ lớn để những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi cân nhắc lựa chọn.

Thế nhưng, diễn biến thay đổi liên tục tỷ giá USD/VND trong tháng 8 khiến nhiều NĐT phải suy nghĩ lại.

Sau 2 lần điều chỉnh tỷ giá, 2 lần điều chỉnh biên độ dao động, tỷ giá USD/VND đã tăng tới 5% kể từ đầu năm đến cuối tháng 8, khiến những nhà đầu tư trung thành với gửi tiết kiệm VND phải đắn đo suy nghĩ.

Chỉ riêng chênh lệch tỷ giá, USD đã giữ ưu thế vượt trội so với gửi tiết kiệm VND. Trong khi đó, việc USD có tiếp tục tăng nữa hay không lại là câu hỏi không dễ trả lời, khiến những nhà đầu tư nắm giữ USD trước đó cân nhắc chốt lời, trong khi những người đang giữ VND trở nên ngần ngại trong việc ra quyết định chuyển đổi qua USD hay tiếp tục gửi VND.

Cả USD và gửi tiết kiệm đều không thực sự khiến nhà đầu tư yên tâm vào lúc này.

Vàng, chứng khoán đều rủi ro

Vàng là kênh đầu tư truyền thống, trong khi chứng khoán lại là kênh đầu tư rất hiện đại, đòi hỏi độ nhanh nhạy cao và am hiểu về tài chính. Trong quá khứ, cả 2 kênh đầu tư này đều từng hút mạnh dòng vốn vào mình, thế nhưng, câu chuyện nay đã có phần thay đổi.

Vàng dù được hưởng lợi do USD tăng giá, nhưng bài học giảm giá từ mức 47 triệu đồng/lượng về chỉ hơn 30 triệu đồng/lượng vẫn còn, khiến những người trung thành với nắm giữ vàng cũng trở nên lung lay. Trong khi đó, các chuyên gia dự báo vàng vẫn nằm trong kênh giảm giá dài hạn, khiến đây không còn là kênh trú ẩn an toàn cho dòng vốn. Rủi ro lỗ lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Với chứng khoán, những người đã đam mê với thị trường này sẽ khó lòng dứt ra, nhưng cơ hội kiếm siêu lợi nhuận từ đây không còn nữa và rủi ro thì chưa từng thay đổi.

Chứng khoán không dành cho tay mơ và càng khó tìm kiếm sự may rủi. Có quá nhiều lý do để tài khoản nhà đầu tư sụt giảm mạnh trong thời gian ngắn như DN kinh doanh thua lỗ, tỷ giá, biến động từ bên ngoài… Với những nhà đầu tư không am hiểu về thị trường, hoặc không thể theo dõi sát sao, chứng khoán chưa bao giờ là kênh bỏ vốn hợp lý.

Dòng tiền đi đâu?

Với những NĐT quy mô vốn đủ lớn, bất động sản đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, nơi trú ẩn an toàn của dòng vốn. Nhiều nhân viên giao dịch tại các ngân hàng phản ánh tình trạng khách đến rút tiền gửi tiết kiệm sau đáo hạn để chuyển qua đầu tư bất động sản.

“Với những người có khoản tiết kiệm nhỏ vài trăm triệu đồng thì xu hướng chính là vẫn tiếp tục gửi tiết kiệm. Thế nhưng, với những khách có sổ tiết kiệm trị giá từ 1,5 -2 tỷ đồng trở lên, xu hướng rút ra để mua bất động sản khá nhiều”, chị Nguyễn Thị Lan Hương, một giao dịch viên ngân hàng cho biết.

Trong khi đó, tại các đầu môi giới lớn, phóng viên cũng ghi nhận thực trạng giao dịch sôi động diễn ra ở rất nhiều dự án. Ở phân khúc cao cấp hẳn, với giá biệt thự lên tới cả chục tỷ đồng/căn như Vinhomes Riverside, giao dịch trong tháng 8 cũng ước tăng khoảng 10% so với giai đoạn trước đó.

Trong khi đó, ở quy mô vốn nhỏ hơn, nhiều dự án cũng rơi vào tình trạng cháy hàng ngay ngày đầu mở bán. FLC Complex 36 Phạm Hùng đã bán xong toàn bộ số căn mở bán lần 1 chỉ trong 1 ngày, trong khi các dự án khác cũng ghi nhận danh sách khách hàng đăng ký xin mua lên tới cả nghìn đơn, dù chưa mở bán như: FLC Twin Towers tại 265 Cầu Giấy, FLC Star Tower hay FLC Garden City…

Giao dịch thị trường bất động sản đã tăng mạnh hơn cả thời kỳ đỉnh cao trước đó, nhưng theo hướng tập trung vào những dự án có quy mô đủ lớn, thuận lợi về mặt giao thông, có đầy đủ tiện ích, có uy tín chủ đầu tư, nhà thầu lớn…

Con số tỷ lệ hấp thụ lên tới 60% tại khu vực Cầu Giấy, Hoàng Mai trong nửa đầu năm 2015, hay trên toàn thị trường Hà Nội trên 30%, với hàng loạt dự án tăng giá thứ cấp hơn 10% đã cho thấy mức sôi động của thị trường này. Điều này cũng cho thấy, bất động sản đã và đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền.

Vân Phương/ Báo Xây dựng