Sáng 18/7, tại huyện Cần Giờ – TP. HCM, lãnh đạo Bộ GTVT, đại diện Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. HCM, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng giao thông Cienco 4 đã tổ chức lễ động thổ gói thầu J3 cầu dây văng Phước Khánh, thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ
Gói thầu J3 có tổng chiều dài 3,186km, gồm cầu dây văng Phước Khánh và cầu cạn kết nối giữa huyện Cần Giuộc qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Cầu có chiều rộng 21,75m, giá trúng thầu hơn 3.922 triệu JPY và hơn 2.844 tỷ đồng. Gói thầu J3 là gói thầu thứ 3 thuộc vốn vay JICA tài trợ thi công và là một trong ba gói thầu xây lắp cầu được thực hiện tại dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Theo VEC, do dự án qua vùng địa chất, thủy văn phức tạp, nhiều sông ngòi, vùng sình lầy, đất yếu nên phải xây dựng 20km cầu câu và cầu cạn, trong đó đặc biệt có 2 cầu lớn có kết cấu dây văng là cầu Phước Khánh và cầu Bình Khánh. Trong đó cầu Bình Khánh có chiều dài 2,76km, kết giữa huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ TP. HCM, cầu có khẩu độ độ nhịp chính dài 375m, trụ chính cao 155m.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với tốc độ thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 31.320 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách nhà nước.
Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành hiện được cho là có suất đầu tư bình quân cao nhất Việt Nam, lên tới 25,8 triệu USD/km, khoảng 554 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành sẽ giúp cho giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam bộ không còn quá cảnh qua TP.HCM, đồng thời sẽ nối trực tiếp với mạng đường cao tốc – quốc lộ với cảng biển Cái Mép – Thị Vải, Sao Mai – Bến Đình và với Sân bay quốc tế Long Thành.
Đồng thời, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phonm Pênh, TP.HCM – Vũng Tàu.
The0 Xây dựng