24/10/2018

Đông Anh được chọn là trung tâm của đô thị thông minh

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu huyện Đông Anh triển khai các biện pháp để xây dựng Đông Anh là quận hiện đại, định hướng là quận trung tâm của đô thị thông minh.

Chủ tịch huyện Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, trong 9 tháng năm 2018, kinh tế trên địa bàn huyện tăng trưởng và cao hơn mức cùng kỳ 2017, giá trị sản xuất các ngành kinh tế ước tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực tăng trưởng là công nghiệp, xây dựng cơ bản, thương mại dịch vụ, nông lâm thủy sản.

Đến hiện tại, địa bàn Đông Anh có 4.030 doanh nghiệp đang hoạt động, có 467 doanh nghiệp thành lập mới, tỷ lệ doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể, dừng hoạt động giảm dần.

Theo ông Lê Trung Kiên, các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường đa dạng, chất lượng bảo đảm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu được huyện quan tâm tạo điều kiện thuận lợi giao thương giữa doanh nghiệp và người dân.

Quản lý tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản là hai nội dung được Đông Anh triển khai tích cực. Trong 9 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 1.300 tỷ đồng, bằng 105,3% dự toán Thành phố giao. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung triển khai quyết liệt, nhất là đối với các công trình trọng tâm, trọng điểm của Thành phố và huyện cùng các dự án xây dựng nông thôn mới. Đến nay có 9 dự án đã thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, 4 dự án cơ bản hoàn thành, 14 dự án đang triển khai thi công, 8 dự án đang triển.

Trong xây dựng nông thôn mới, Đông Anh tiếp tục giữ vững danh hiệu, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn, ưu tiên cải tạo nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất như giao thông, thủy lợi nội đồng. Hiện nay, Đông Anh đã hoàn thành phê duyệt điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới của toàn bộ các xã và tiếp tục đầu tư để đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó xã Đông Hội được lựa chọn xây dựng thành xã nông thôn mới điển hình tiên tiến gắn với phát triển đô thị.

Trọng tâm 3 tháng cuối năm được Đông Anh xác định là tiếp tục giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư; tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp, khu sản xuất làng nghề tập trung, đồng thời có cơ chế thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, đầy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án, nhất là đối với các công trình trọng điểm toàn khóa và các công trình đã được quyết nghị năm 2018, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản để hoàn thành kế hoạch năm 2018.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, Đông Anh là huyện rộng, có tiềm năng rất lớn để phát triển thành quận hiện đại. Chính vì vậy, để bảo đảm yêu cầu phát triển huyện Đông Anh theo chỉ đạo của Chính phủ, của Thành phố, Đông Anh cần triển khai đồng bộ biện pháp để xây dựng đề án Đông Anh thành quận vào năm 2020.

Cụ thể, huyện cần tập trung tổ chức lập quy hoạch 1/500 của huyện theo hướng là quận huyện đại, quận trung tâm của đô thị thông minh; của các khu vui chơi giải trí; khu công viên phần mềm; trung tâm mua sắm cao cấp; trung tâm đào tạo quản lý, đào tạo nghề. Đông Anh cũng định hướng là nơi tập trung phát triển mô hình thành phố công nghiệp đầu tiên của Việt Nam phục vụ cho nghiên cứu và phát triển, là trung tâm sáng tạo lớn nhất của Việt Nam.

Toàn bộ quy hoạch của Đông Anh trước đây khép lại, toàn bộ hồ sơ huyện chuyển về Sở Quy hoạch kiến trúc. Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, Tập đoàn Sumitomi (Nhật Bản) và BRG Group sẽ tài trợ khoảng 15 triệu USD để quy hoạch Đông Anh thành đô thị hiện đại.

Về xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, là huyện được công nhận nông thôn mới, tuy nhiên còn một số chỉ tiêu thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, Đông Anh cần xây dựng tiêu chí mới phù hợp mô hình vừa đô thị vừa làng xã; đẩy nhanh đầu tư cơ sở vật chất, xây bổ sung phòng học theo cơ chế sửa chữa để giải quyết cấp bách phòng học cho học sinh.

Bên cạnh đó, Đông Anh cần xây dựng đề án xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn theo kế hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, xung quanh tất cả các làng xã cần xây dựng cống thu gom nước thải; xây dựng chương trình trồng cây, trồng hoa để làm sạch không khí, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp; chăm lo cung cấp nước sạch nông thôn, bảo đảm đến năm 2020 có 100% người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chí uống tại vòi.

Ngọc Bích/thuonggiaonline.vn