15/07/2021

Đôi nét về KTS Paulo Mendes Da Rocha

Paulo Mendes Da Rocha là một trong những kiến ​​trúc sư vĩ đại thuộc chủ nghĩa tân thời tại Brazil. Các công trình do ông thực hiện thường là những tòa nhà bê tông kiên cố, đóng vai trò quan trọng với cộng đồng.

KTS Paulo Mendes da Rocha (1928-2021)

Sớm thành danh ở độ tuổi ba mươi

Được đánh giá là sự hiện diện đầy mới mẻ tại khu phố Jardim América thuộc São Paulo vào những năm 50 của thế kỷ trước, Câu lạc bộ Thể thao Paulistano là một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi Rocha với những thanh bê tông dài đứng vững trên phần bệ đỡ của công trình; mỗi thanh nằm trên phần rất rìa nhỏ, hướng lên hệ thống dây cáp đóng vai trò cố định tấm mái lợp bằng thép. Ngoài ra, với không gian mở, mặt bằng công trình được thiết kế như một khu vực qua lại miễn phí dành cho cộng đồng.

Công trình trên đã đưa vị thế Rocha lên tầm quốc gia khi ông mới ngoài 30, như một bước đệm quan trọng cho sự nghiệp của ông trong những thập kỷ tiếp theo. Công trình thể hiện được sự tài tình trong nghệ thuật sử dụng bê tông của Rocha, đồng thời được xem như một không gian lý tưởng cho cộng đồng.

Toàn cảnh Câu lạc bộ Thể thao Paulistano

“Ý tưởng đầu tiên trong bất kỳ dự án bao giờ cũng là ý tưởng kết cấu”, ông nhận định như vậy khi được trao tặng Huy chương vàng Giải thưởng Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh (RIBA) sau những cống hiến của mình. Bên cạnh đó, KTS cũng cho rằng, con người có thể tưởng tượng ra thứ mà họ biết sẽ sử dụng để xây dựng ra sao, hay một KTS không am hiểu kỹ thuật sẽ chẳng khác gì một nhà thơ không biết sử dụng từ ngữ.

Vốn được tiếp thu kiến thức từ cha mình, một KTS, nhà thiết kế kiến tạo nên những bến cảng, kênh đào danh tiếng, khi còn nhỏ, Rocha thường được cha dẫn đi xem nhiều công trình hạ tầng, bao gồm những bến cảng và đê điều bằng bê tông; chính hình thức đồ sộ của chúng đã ảnh hưởng không nhỏ tới phong cách thiết kế của KTS này. Dù là phòng trưng bày nghệ thuật, giáo đường hay nhà ở đi nữa, các dự án của Rocha thường ghi dấu ấn với sức kiến tạo mạnh mẽ, sự vững vàng, có khả năng đứng vững trước thử thách của thời gian cùng những biến động chính trị.

Luôn một lòng hướng đến quần chúng nhân dân

Cùng hai đồng sự João Batista Vilanova Artigas và Lina Bo Bardi của mình, Rocha là thành viên theo đuổi trường phái kiến ​​trúc Paulista; họ đều được biết đến với biệt danh Những người theo chủ nghĩa thô mộc của Brazil. Điểm chung của ba vị KTS này là ưa chuộng lối kiến trúc đồ sộ với kết cấu bê tông đúc thô, khác xa những đối tác thuộc trường phái Carioca, vốn thích dạng kiến trúc mềm mại, tròn trịa hơn. Tuy nhiên trên thực tế, Rocha cùng nhóm bạn ông có dụng ý xã hội sâu xa đằng sau hoạt động nghề nghiệp của họ, các “hòn đá lỏng”, theo cách mà Mendes da Rocha đặt tên cho bê tông, mới chính là vật liệu xây dựng thực sự dành cho đại chúng.

Không như nhiều người khác luôn e ngại sự nghèo khổ, Rocha luôn bị thu hút bởi chính những điều giản đơn. Ông không coi đấy là kham khổ, mà chỉ đơn giản là sự khiêm nhường với những điều bình dị. “Tôi cho rằng những thứ thừa thãi đều gây khó chịu. Những thứ không cần thiết sẽ trở nên vô cùng kệch cỡm, đặc biệt trong thời đại của chúng ta ”, ông nhận định. Có lẽ xuất phát từ lối suy nghĩ trên, kiến trúc do Rocha thực hiện đều tối giản, đôi khi bị coi là xoành xĩnh so với nhiều công trình cùng thời.

Đáng chú ý là thiết kế của Mendes da Rocha là luôn đảm bảo nguồn không khí và ánh sáng dồi dào, và sự gần gũi với đại chúng.“Tất cả không gian đều là công cộng”, “Không gian riêng tư duy nhất mà bạn có thể tưởng tượng là trong tâm trí con người”, ông quan niệm một cách thú vị.

Là người dành cả đời mình theo đuổi chủ nghĩa xã hội, Rocha bị liệt vào danh sách đen của chính phủ trong suốt nửa sự nghiệp. Khi chế độ độc tài nắm chính quyền Brazil vào năm 1964, ông và các đồng nghiệp cánh tả đã bị sa thải khỏi vị trí giảng dạy đại học và thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Năm 1969, vị KTS người Brazil này đã giành chiến thắng với dự án khiến danh tiếng của ông mang tầm quốc tế, đó chính là một công trình tại Hội chợ triển lãm 1970 ở Osaka. Hợp tác với Flavio Motta, Julio Katinsky, Ruy Ohtake, Rocha đã tạo nên tấm bê tông rộng lớn hình bánh quế, lơ lửng trên nền cảnh quan và đóng vai trò nâng đỡ tấm mái nhà có trọng lượng lớn. Tác phẩm đã một lần nữa minh chứng rõ nét sự điêu luyện trong kỹ thuật thiết kế của ông. Sự đón nhận mà công chúng dành cho công trình lớn đến mức một trường đại học địa phương đã muốn giữ đó làm nơi dạy múa cho trẻ em. Nhưng tại quê nhà, do không mấy mặn mà với Rocha trên phương diện chính trị, chính phủ quân sự Brazil đã cho hủy bỏ công trình.

Một tác phẩm kiến trúc mang đậm dấu ấn của Rocha tại Osaka, Nhật Bản

Chỉ một ngày sau khi chiến thắng với dự án tại Osaka, Mendes da Rocha đã bị thu hồi giấy phép hành nghề KTS của mình. Trước bối cảnh chính trị ngày một phức tạp, nhiều đồng sự của ông đã tìm cách rời khỏi quê hương, chẳng hạn Niemeyer đến Paris, còn Vilanova Artigas thì đi Uruguay. Tuy nhiên Mendes da Rocha vẫn quyết định ở lại. “Tôi không thể rời đi,” ông nói. “Tôi có năm đứa con và không muốn từ bỏ đất nước mình. Đó quả là khoảng thời gian vô cùng đáng sợ. Những người bạn của tôi đã bị bắt và sát hại. Tới ngày nay, Brazil vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của giai đoạn ấy – tình trạng khủng hoảng hiện tại của chúng tôi chính là tàn dư còn xót lại sau những ngày tháng năm nào”.

Chỉ sau khi lệnh ân xá được ban hành vào năm 1980, sự nghiệp của Rocha mới bắt đầu khởi sắc. Giáo đường São Pedro, xây dựng tại Campos do Jordão năm 1987, là một thiết kế đầy bay bổng khác từ con người này. Tấm bê tông dày dặn của công trình được dựng trên những bức tường kính mỏng manh, mà chỉ có một cột trụ duy nhất đóng vai trò nâng đỡ khối vật liệu trên.

Giáo đường São Pedro với thiết kế độc đáo

Các thiết kế của ông từ thập niên 90 tới nay vẫn là các công trình hấp dẫn nhất tại Mỹ Latinh, đã được phục dựng lại trong những năm gần đây, được đánh giá cao chính bởi sự mộc mạc, và những giá trị xã hội mà chúng đại diện.

Mendes da Rocha thường làm việc độc lập, chỉ cộng tác với những người khác khi cần thiết. Văn phòng của ông là một căn phòng nhỏ tại trụ sở đổ nát từ thuộc Viện Kiến trúc Brazil, São Paulo từ những năm 40 của thế kỷ trước. Không gian làm việc này chỉ được thắp sáng bởi một bóng đèn trần. Các bức tường xung quanh lắp đầy bảng đen, trên đó, Mendes sẽ phác thảo các thiết kế của mình với độ chính xác đáng kinh ngạc.

Những năm tháng cuối đời, ông đã nhận được nhiều huy chương quốc tế như giải thưởng Mies van der Rohe năm 2000, giải Pritzker năm 2006 và huy chương vàng RIBA năm 2017.

Trọng Quý/Biên dịch từ The Guardian