Đổi mới kiến trúc từ tiêu chuẩn – quy chuẩn thiết kế điển hình hoá – Cơ hội từ Luật Kiến trúc 2019
(Tạp chí KTVN 225) – Trong tình hình hiện nay, tiêu chuẩn – quy chuẩn lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị được xem là khung cơ sở quan trọng cho quá trình thiết kế, triển khai quy hoạch – đầu tư xây dựng công trình cũng như quản lý kiến trúc đô thị. Nhưng thực tế kiến trúc đô thị ở một số nơi còn lộn xộn, thiếu kiểm soát cho thấy sự cần thiết có những định hướng giải pháp đồng bộ sớm được thực thi. Việc Luật Kiến trúc vừa được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07/2020 tới đây có thể được xem là cơ hội lớn đổi mới kiến trúc Việt Nam từ việc hoàn thiện và đẩy mạnh ban hành hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn, thiết kế điển hình hóa xây dựng.
Những thách thức và yêu cầu đặt ra với công tác ban hành tiêu chuẩn – quy chuẩn trong tình hình hiện nay
Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kiến trúc, quy hoạch đô thị đã góp phần phục vụ cho công tác quản lý và thiết kế kiến trúc – quy hoạch xây dựng các công trình, vùng lãnh thổ trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ các loại hình kiến trúc đô thị – nông thôn, công tác quy hoạch đô thị – nông thôn đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình quy hoạch theo kế hoạch (từ trên xuống) sang mô hình kiểm soát theo quy hoạch từ dưới lên, phân cấp quản lý cho các cấp chính quyền, và trình tự lập quy hoạch có nhiều thay đổi, hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn đang đứng trước nhiều thách thức rất lớn.
Với công trình kiến trúc, việc xuất hiện ngày càng nhiều kiến trúc mới theo xu hướng “thị trường hóa” thậm chí có nhiều biến tướng lộn xộn, lai căng, phản cảm, lãng phí đòi hỏi cần sớm có những quy định mới phục vụ công tác thiết kế và quản lý kiến trúc.
Với thiết kế quy hoạch đô thị, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm trực tiếp là các quy chuẩn – tiêu chuẩn đã có nhiều quy định về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên, các quy định này dường như còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý còn thấp. Thậm chí, không ít quy định tiêu chuẩn – quy chuẩn đã bị lạc hậu so với thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý phát triển đô thị và hội nhập quốc tế, không xuất phát từ nhu cầu phát triển của đô thị mang yếu tố thị trường, ít tính cạnh tranh bởi hệ thống số liệu thiếu chính xác, thiếu các phân tích, dự báo về các yếu tố trong nước và quốc tế, tác động của các chiến lược, quy hoạch – kế hoạch khác.
Các quy định về quy trình, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế còn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Các giải pháp thiết kế, đặc biệt là quy hoạch đô thị đưa ra thường mang tính chất chung chung, không cụ thể. Giải pháp của quy hoạch này có thể sao chép dùng cho quy hoạch khác dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhiều lần. Thiếu tính khả thi, không đảm bảo nguồn lực để thực hiện dẫn đến quy hoạch kém hiệu quả. Thiếu các quy định định lượng nên số lượng bản vẽ trong đồ án thiết kế đôi khi có thừa nhưng vẫn thiếu nội dung phục vụ công tác triển khai quy hoạch và quản lý sau quy hoạch.
Một số vấn đề quan trọng khác như kiến trúc, quy hoạch và quản lý không gian ngầm, quy hoạch đô thị xanh, quy hoạch đô thị phát triển bền vững, nguồn lực cho công tác lập và triển khai quy hoạch cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy hoạch… còn thiếu quy định cụ thể. Công tác thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị cũng chưa được đổi mới, đặc biệt công tác quản lý quy hoạch đô thị còn yếu dẫn đến phá vỡ quy hoạch ban đầu. Việc điều chỉnh quy hoạch chưa tuân thủ đúng các nguyên tắc, đôi khi còn tùy tiện điều chỉnh nhiều lần. Việc công khai quy hoạch và giám sát của cộng đồng dân cư trong thực hiện quy hoạch còn hình thức, không hiệu quả. Cấp phép xây dựng còn nhiều tồn tại, điển hình là vi phạm về chiều cao tầng, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc. Hệ thống cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng đô thị cấp cơ sở chưa được hoàn thiện. Chính quyền các cấp vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác quản lý hành chính nhà nước với đô thị.
Để sớm khắc phục các tồn tại trong công tác thiết kế kiến trúc – quy hoạch, cũng như quản lý kiến trúc – quy hoạch đô thị và nông thôn, hệ thống quy chuẩn – tiêu chuẩn kiến trúc và quy hoạch đô thị cần sớm được hoàn thiện để đáp ứng có hiệu quả các yêu cầu quản lý nhà nước.
Cơ hội đổi mới kiến trúc đô thị nông thôn với riêng lĩnh vực tiêu chuẩn kiến trúc khi Luật Kiến trúc được thông qua
Trước năm 2019, Việt Nam hoàn toàn chưa có các bộ Luật riêng về lĩnh vực kiến trúc. Các quy định pháp luật liên quan đến kiến trúc (quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc) được quy định rải rác tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như:
(1) Luật Quy hoạch đô thị năm 2009: Chỉ nêu các nguyên tắc chung về tổ chức không gian kiến trúc trong nhiệm vụ quy hoạch đô thị (Điều 23); Về mô hình phát triển không gian kiến trúc, quy định quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị (Điều 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35); Về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị (Điều 58, 59, 60);
(2) Luật Đấu thầu năm 2013: Quy định việc chỉ định thầu cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn (Điều 22);
(3) Luật Xây dựng năm 2014: Quy định thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng (Điều 81); Các quy định về năng lực hoạt động xây dựng (Điều 148, 149);
(4) Luật Nhà ở năm 2014: quy định mang tính nguyên tắc về kiến trúc đối với đối tượng công trình nhà ở, không mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định về kiến trúc ở các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan về kiến trúc: Nguyên tắc kiến trúc nhà ở (Điều 20); Yêu cầu phát triển nhà ở cá nhân, khu vực nông thôn phải bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống (Điều 42);
(5) Luật Di sản văn hóa năm 2014: Quy định việc xếp hạng công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam thuộc Di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh (Điều 29);
(6) Luật Đầu tư năm 2014: Ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ tổ chức thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng” thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4;
(7) Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg ngày 03/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020: Mang tính định hướng chung cho phát triển kiến trúc Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2020;
(8) Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị: Quy định nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan trong đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (Điều 19, 20);
(9) Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị: Điều chỉnh về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với đô thị, trong đó bao gồm công cụ quản lý là Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị;
(10) Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng: Quy định về Tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan: Xác định nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan trong đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù (Điều12,13,14,15); Quy định kiểm soát không gian, kiến trúc trong đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn (Điều 18,19, 20);
(11) Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng: Quy định việc thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng (Điều 15); Các quy định giải pháp kiến trúc trong dự án đầu tư xây dựng, gồm các điều liên quan về lập dự án, khảo sát, thiết kế, xây dựng…
Các quy định trên đã tạo hành lang pháp lý rất quan trọng, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng và công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Tuy nhiên, quy định pháp luật về kiến trúc phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và thường được lồng ghép trong các hoạt động xây dựng chung. Vì vậy, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, ổn định và chưa thể hiện được vai trò quan trọng, đặc thù của kiến trúc và hoạt động kiến trúc. Nhiều chuyên gia đánh giá đây có thể là một trong những nguyên nhân gây nên sự thiếu hiệu quả trong thiết kế cũng như quản lý phát triển kiến trúc và quy hoạch đô thị – nông thôn trong thời gian vừa qua.
Luật Kiến trúc 2019 với hệ thống các quy định tập trung và thống nhất, có thể được xem là một cơ hội thúc đẩy phát triển kiến trúc Việt Nam, bắt đầu từ lĩnh vực tiêu chuẩn – quy chuẩn trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch đô thị nông thôn. Một mặt hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch sẽ là cơ sở định hướng tốt cho công tác thiết kế kiến trúc – quy hoạch đô thị, mặt khác sẽ là công cụ hữu hiệu phục vụ công tác triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình cũng như quản lý kiến trúc đô thị.
Với 05 Chương và 41 Điều, Luật Kiến trúc sẽ tạo công cụ pháp lý có hiệu lực cao để điều chỉnh cơ bản quá trình phát triển và tạo môi trường tốt cho hoạt động kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc; Phát huy vai trò của kiến trúc sư, các tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc và xã hội trong hoạt động kiến trúc. Nội dung cơ bản của Luật Kiến trúc quy định 02 chính sách chính là Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc.
Thể hiện rõ tầm quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn và thiết kế điển hình trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Kiến trúc đã đưa ra các khái niệm hết sức quan trọng: Thiết kế kiến trúc, Công trình kiến trúc… cùng với đó các nhiều quy định cụ thể bao gồm:
– Chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc bao gồm: Thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kiến trúc; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc; Xây dựng mẫu thiết kế kiến trúc đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Điều 6).
– Yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn là khuyến khích áp dụng mẫu thiết kế kiến trúc cho công trình công cộng và nhà ở đảm bảo yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai (Điều 11).
– Thiết kế kiến trúc phải tích hợp giải pháp kiến trúc với quy hoạch; Xem xét toàn diện các yêu cầu về kinh tế – xã hội, công năng, kỹ thuật, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bản sắc văn hoá dân tộc và các yêu cầu khác đối với công trình; Bảo đảm người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dễ dàng tiếp cận sử dụng; bảo đảm bình đẳng giới (Điều 12). Quy chế quản lý kiến trúc phải đáp ứng và phù hợp với thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (Điều 14).
Như vậy, với hệ thống quy định sẽ có hiệu lực từ 01/7/2020 của Luật Kiến trúc, các nội dung của hệ thống văn bản hướng dẫn thực thi Luật Kiến trúc trong thời gian tới, trước hết là các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ cần chỉ rõ một số các định hướng cần hướng đến để tiêu chuẩn – quy chuẩn trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch đô thị cần sớm đạt được trong thời gian tới bao gồm:
– Việc biên soạn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch đô thị và nghiên cứu các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình phải bảo đảm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa, nghệ thuật, thuần phong mỹ tục của các dân tộc. Chỉ rõ cụ thể hóa các nội dung này trong ngắn hạn cũng như dài hạn theo các tầm nhìn và định hướng quản lý kiến trúc đô thị – nông thôn.
– Có các hướng dẫn để biên soạn hệ thống quy chuẩn – tiêu chuẩn cùng hướng tới tính ứng dụng các kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong công trình kiến trúc, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam nhưng cũng cần đáp ứng yêu cầu hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển rất mạnh và nhanh của các cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật công nghệ, yêu cầu hội nhập quốc tế và thực tiễn đa dạng hóa nguồn vốn trong đầu tư xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.
Đồng thời, như Đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 198/QĐ-TTg ngày 09/02/2018, hướng tới thúc đẩy khoa học công nghệ và thị trường xây dựng trong nước phát triển; Tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cùng tham gia xây dựng, tiếp cận và áp dụng thuận lợi hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hướng tới mục tiêu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; Đảm bảo an toàn trong xây dựng; Khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; Hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.
Ngoài các quy định chi tiết bằng văn bản, với các hướng dẫn đặc biệt trong hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch đô thị, thực hiện biên soạn hệ thống các quy định và hướng dẫn về kiến trúc dưới dạng các hình vẽ minh họa, sơ đồ, bảng biểu,… cũng sẽ là công cụ tốt định hướng công tác thiết kế kiến trúc, quy hoạch đô thị, đồng thời cũng góp phần đẩy mạnh tính hiệu quả của công tác giám sát sau quy hoạch và quản lý kiến trúc – quy hoạch đô thị.
Kết luận
Có thể đánh giá, Luật Kiến trúc với các nội dung quy định khung về quản lý kiến trúc, dựa chặt chẽ vào việc đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị sẽ tạo nên một bước tiến mạnh mẽ về quản lý kiến trúc đô thị bởi tầm nhìn tiên phong đi trước và có xem xét đến hiệu quả thực thi. Trong thời gian tới, bên cạnh việc thông tin tuyên truyền về Luật Kiến trúc, Ngành Xây dựng cần sớm ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai áp dụng Luật Kiến trúc, bao gồm cả hoàn thiện và ban hành hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị góp phần tạo nên những đổi mới căn bản trong công tác thiết kế và quản lý kiến trúc đô thị, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị – nông thôn bản sắc và bền vững./.
TS KTS Đào Tiến Ngọc – Giám đốc Viện Tiêu chuẩn, điển hình hoá xây dựng – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng