12/08/2016

Đổi mới công tác quản lý Bảo tồn và phát huy giá trị khu Phố cổ Hà Nội

Quá trình phát triển Thủ đô Hà Nội đã để lại quỹ di sản phong phú không chỉ của Hà Nội, của cả nước mà cả quốc tế cũng công nhận, trong đó có khu phố cổ (KPC) – Quần thể di sản vật thể, phi vật thể tiêu biểu cho quá trình hình thành, phát triển Thành phố Hà Nội.

Khu vực cần được bảo tồn trong Khu phố cổ

Hệ thống văn bản pháp lý về quản lý KPC Hà Nội.

Trong nhiều quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, KPC đã được  đề cập đến, rõ nét nhất là điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng Thủ đô được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt phê duyệt tại quyết định 132/CT ngày 18/4/1992. Trong điều lệ quản lý xây dựng Thủ đô Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Xây dựng được uỷ quyền ban hành (quyết định 106/QĐ-ĐT ngày 210/6/1992) đã nêu rõ các quy định cần thực hiện:

 

  • Gìn giữ hình dáng, lưới đường phố cổ, hình ảnh và phong cách khu phố cổ truyền thống.
  • Cải tạo di tích lịch sử văn hoá được Nhà nước xếp hạng công trình kiến trúc được Thành phố công nhận dù thuộc quyền sở hữu nào đều phải được Hội đồng KTQH thẩm định.
  • Các công trình được phép cải tạo và xây dựng có chiều cao không quá 3 tầng (không kể gác lửng) mái ngói…
  • Nhằm cụ thể hoá các quy định để quản lý, UBND Thành phố đã có quyết định 3234/QĐ-UB ngày 30/8/1993 ban hành “Quy định về quản lý xây dựng và bảo tồn KPC Hà Nội” do Chủ tịch Lê Ất Hợi ký. Đây là mốc giới cần ghi nhận trong quản lý với lưu ý: Phạm vi khu phố cổ hẹp hơn so với ranh giới công nhận hiện hành, việc quản lý được phân theo 2 cấp Thành phố và khu vực đặt dưới sự quản lý và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo KPC.
  • Để cụ thể hoá quy hoạch chung năm 1992 và đáp ứng cơ sở pháp lý cho quản lý khu đặc thù, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn – Bộ Xây dựng sau hơn 2 năm nghiên cứu đã hoàn thiện đồ án “Quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển KPC Hà Nội” đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng theo uỷ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 70/BXD-KTQH ngày 30/3/1995. Trong quy hoạch chi tiết này, phạm vi KPC được điều chỉnh với diện tích khoảng 100ha có ranh giới như hiện nay. Bảo tồn KPC được phân chia thành 2 khu (cấp I, cấp II). Từ quy hoạch này, văn phòng KTS trưởng Thành phố đã nghiên cứu phối hợp với Ban quản lý phố cổ xây dựng “Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng bảo tồn và tôn tạo KPC Hà Nội”. UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt tại quyết định 45/1999/QĐ-UB ngày 04/6/1999. Đây là văn bản pháp quy có các quy định chi tiết, kèm theo danh mục các tuyến phố trong khu vực cấp I, II, danh mục các công trình di tích được công nhận và các công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, tôn tạo (765 số nhà).
  • Sau quy hoạch chi tiết và điều lệ tạm thời quản lý, nhiều nghiên cứu khoa học, nhiều dự án của các tổ chức tư vấn trong nước (Công ty SENA, Công ty CDC, Viện Kiến trúc Quốc gia, Đại học Xây dựng…), của nước ngoài như: Cơ quan phát triển quốc tế Australia (1995), Newzealand (1994-1995), tổ chức SIDA Thụy Điển (1998), chương trình hợp tác với thành phố Toulouse, vùng Ille de France, tổ chức JICA (Nhật Bản). Nhiều dự án tôn tạo về ô phố, tuyến phố, công trình do UBND Thành phố tổ chức nghiên cứu… Các nghiên cứu này đều có phương pháp tiếp cận, nội dung nghiên cứu cụ thể góp phần nâng cao nhận thức di sản và hiệu quả quản lý khu phố cổ Hà Nội.
  • Ngoài các văn bản trực tiếp về KPC, nhiều văn bản pháp quy đã có các quy định liên quan, đặc biệt là trong Luật Thủ đô và các quyết định của UBND Thành phố.
  • Sau quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, việc xây dựng bản quy chế quản lý mới thay thế điều lệ tạm thời có từ năm 1999 và quy hoạch phân khu KPC thay cho đồ án Quy hoạch chi tiết được duyệt năm 1995 đã được Thành phố quan tâm. Gân đây, tại quyết định 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013, Thành phố đã ban hành “Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ Hà Nội”. Đồ án quy hoạch phân khu H1-1A (khu phố cổ) tỷ lệ 1/2000 đã được Thành phố phê duyệt. Nhiệm vụ thiết kế tháng 01/2010, đang thẩm định, hoàn chỉnh để trình duyệt.

Những thể chế mới nêu trên đòi hỏi công tác quản lý KPC Hà Nội phải có những đổi mới để nâng cao hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phát triển mới.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước đây

Đổi mới công tác quản lý bảo tồn, phát huy giá trị KPC Hà Nội

1. Nhận thức đầy đủ mục tiêu để quản lý:

Trong nhiều năm trước, KPC được ghi nhận là khu vực đặc trưng của Hà Nội, song từ tháng 4/2004, KPC Hà Nội đã được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia, bởi vậy bảo tồn KPC phải tuân theo Luật di sản văn hoá, hơn nữa phải đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo bảo tồn phát triển hài hoà các yếu tố là kinh tế đô thị, văn hoá – xã hội, môi trường sinh thái, cơ sở hạ tầng và quản lý hiệu quả.

Xích lô chở khách du lịch dạo quanh Phố cổ (ảnh: Trần Trọng Tỉnh)

2. Nhận diện giá trị di sản KPC Hà Nội:

Về tổng quan, chúng ta dễ thống nhất đây là khu di sản có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có giá trị minh chứng cho từng giai đoạn xây dựng. Chức năng của KPC có đặc trưng là: Thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ dân cư. Trong quy chế lần này đã xác định 120 công trình di tích trong đó có 12 di tích đã xếp hạng, còn 108 chưa xếp hạng. Trong 553 công trình nhà ở có giá trị, có 205 ngôi nhà có giá trị đặc biệt và 318 ngôi nhà có giá trị. Quy định là như vậy nhưng vẫn rất cần xác định giải pháp quản lý thích hợp cho từng loại công trình để không phá vỡ cấu trúc tổng thể KPC, xác định kế hoạch thực hiện để bảo tồn, nâng tầm giá trị di tích mà không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế văn hoá xã hội – Đây thực sự là thách thức cho công tác quản lý.

3. Xây dựng kế hoạch, xác định các dự án ưu tiên để đạt được các chỉ tiêu đề ra.

Đó là:

  • Giảm dân số để đến năm 2020 dân số còn 45.000 người.
  • Tăng diện tích cây xanh để đạt chỉ tiêu 1,5m2/người.
  • Chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu sau dãn dân là 25m2/người.

Các chỉ tiêu này phải được cụ thể hoá trong Quy hoạch phân khu H1-1A từ cơ cấu quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất và tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan từng ô phố, tuyến phố, kể cả không gian ngầm. Việc đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu này rất cần nâng tầm chất lượng của đồ án quy hoạch phân khu với sự đồng thuận của cộng đồng dân cư.

4. Nâng cao hiệu lực quản lý từ đổi mới phân công, phân cấp:

Thành phố thống nhất quản lý Nhà nước, các Sở, Ban, Ngành thành phố là các cơ quan chuyên ngành có trách nhiệm quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực, song cơ chế phối hợp cần được xác định rõ để tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện. UBND Quận là cấp chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong quản lý xây dựng, bảo tồn, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm. Ban quản lý phố cổ cần có năng lực và cơ cấu tổ chức thích hợp để thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý.

Quán ăn vỉa hè. (ảnh: Trần Trọng Tỉnh)

5. Huy động mọi nguồn lực và phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị KPC:

Để quản lý có hiệu quả không chỉ cần tuyên truyền mà còn xác định rõ vai trò tham gia của cả cộng đồng đối với công tác, bảo tồn, phát huy giá trị KPC, bao gồm: Các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng, các chủ sở hữu, chủ đầu tư, người sử dụng. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ dân phố, cộng đồng dân cư, cộng đồng được xác lập rõ quyền lợi, trách nhiệm từ cung cấp thông tin, đề xuất giải pháp đến giám sát việc tổ chức thực hiện. Chỉ có sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng thì công tác bảo tồn phát huy giá trị KPC mới đạt được hiệu quả để xứng tầm là di tích lịch sử quốc gia khu đô thị đặc trưng của quá trình phát triển Thăng Long – Hà Nội, có vị thế với cả nước và cả khu vực và thế giới.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
(Bài đăng trên Tạp chí kiến trúc, Số 08-2015)