.
08/05/2020
Doanh nghiệp khổ vì quy chuẩn trong quản lý đầu tư xây dựng
Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn có vai trò quan trọng trong quản lý đầu tư xây dựng nhưng việc chồng chéo và lặp lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn đang gây ra lãng phí và phiền toái cho DN.
Trùng lặp tiêu chuẩn
Phó Tổng Giám đốc Videc Group Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng phải áp rất nhiều quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng. Cụ thể như quy định về kỹ thuật và quản lý áp dụng cho một lĩnh vực quản lý về quy hoạch, kiến trúc, thiết kế, thi công, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình; quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến an toàn cháy nổ, an toàn xây dựng, an toàn nhiệt, an toàn điện, an toàn sinh mạng và sức khỏe con người; quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng môi trường xung quanh, về chất thải… “Tuy nhiên, rất nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn không phù hợp với thực tế, vì đã sử dụng trong một thời gian dài. Nhiều quy chuẩn được thực hiện theo chu kỳ 5 năm đã gây ra khó khăn cho DN trong quá trình triển khai xây dựng dự án” – ông Dũng cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hồng Điệp, quá trình vận động, phát triển của xã hội là liên tục khiến cho các văn bản luật luôn đi sau sự phát triển; trong khi việc soạn thảo, sửa đổi các quy định phải cần thời gian. Vấn đề này cũng có thể hiểu được nhưng việc áp dụng các quy định một cách cứng nhắc đã gây ra những cản trở không nhỏ cho quá trình phát triển. “Hiện nay, nhiều cơ quan quản lý lại coi các quy chuẩn, tiêu chuẩn là thước đo trong quá trình thẩm định, đã tạo ra nhiều bất cập” – ông Điệp nhìn nhận.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 198/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. Bộ Xây dựng đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, qua rà soát có nhiều tiêu chuẩn bị trùng lặp. “Số liệu do Tổng cục Đo lường Chất lượng và Viện Khoa học công nghệ xây dựng cung cấp có khoảng 1.504 tiêu chuẩn xây dựng. Nhưng qua rà soát đã phát hiện 256 tiêu chuẩn trùng lặp nên thực tế chỉ còn 1.248 tiêu chuẩn” – Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho hay.
Cân nhắc việc xã hội hóa công tác thẩm định
Thạc sĩ, KTS Trần Thị Thanh Ý – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch & Phát triển đô thị cho rằng, cần phải tăng cường việc tham gia xây dựng tiêu chuẩn từ khối các DN, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc áp dụng quy chuẩn, tiểu chuẩn và cho phép việc xã hội hóa trong công tác thẩm định. “Bản thân DN phải chủ trì thực hiện quá trình xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn hơn là chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, thu hút sự tham gia của các bên liên quan và người sử dụng” – KTS Trần Thị Thanh Ý cho hay.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần phải có sự phân cấp hơn nữa đối với các địa phương trong quá trình xây dựng và thực thi các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Nhà nước nên cân nhắc việc xã hội hóa công tác thẩm định, để giảm thời gian cho các DN, trong đó Nhà nước vẫn nắm khâu hậu kiểm.
Trên cơ sở rà soát, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan thống nhất đề xuất danh mục bộ quy chuẩn kỹ thuật xây dựng mới theo hướng tinh gọn và tích hợp, bổ sung các nội dung cần thiết. Các bộ, ngành đã họp bàn và thống nhất sẽ rút gọn 29 quy chuẩn xây dựng hiện hành xuống còn khoảng 13 quy chuẩn. Dự kiến bộ quy chuẩn mới này sẽ được biên soạn từ nay cho đến năm 2023.Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh
Doãn Thành/Kinh tế Đô thị