26/07/2018

Đoàn tàu đi đến tương lai đã khởi động?

Ngày 8/7/2018, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông đã được đóng điện lưới quốc gia và chạy thử. Cũng trong tháng 7, tại Hà Nội diễn ra diễn đàn cấp cao công nghiệp 4.0. Tại Diễn đàn này, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết “Hà Nội sẽ trở thành đô thị thông minh an toàn, thân thiện”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng “ Việt Nam phải sớm bước lên được “đoàn tàu 4.0”, không để bị bỏ lại, để đoàn tàu trôi qua.”.

Mất bao lâu để trở thành Thành phố thông minh?

Ngày 8/7/2018, chúng tôi lên đường tới Hong Kong – thành phố 7,5 triệu dân trên diện tích 300km2 đô thị, nội tiếng mật độ dân cư dày đặc đồng thời có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới .Chúng tôi đến các trường Đại học, Viện nghiên cứu, tổ chức xã hội, tập đoàn năng lượng, doanh nghiệp công nghệ và Văn phòng Đặc khu Hong Kong để tìm hiểu những “phép màu”nhằm cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng sống đô thị một cách nhanh chóng, đạt kết quả kỳ diệu, đáng ngưỡng mộ ?

Năm 2003 xảy ra đại dịch SARS, khi đó Hong Kong không phải là nơi duy nhất trải qua đại dịch, nhưng có số lượng người tử vong lớn nhất vì SARS. Những ai đã từng đến đây thời đó, hẳn còn nhớ cái cảm giác ngột ngạt khó thở vào buổi sáng sớm, khi hàng trăm ngàn chiếc máy điều hòa chạy hết công suất, phả hơi nóng ra đường phố và khói bụi thì khá dày đặc vào những hôm lặng gió. Trong giai đoạn 1985-1990, mỗi năm chỉ có khoảng 60 ngày không khí an toàn ( theo tiêu chuẩn WHO). Khí thải độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, NO2 ở Hong Kong xoay quanh mức 50mcg/m3. Chính quyền thành phố cho biết mức độ khí NO2 đã tăng 1/4 kể từ năm 2006.

1-Emission2016a

Phân tích nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hong Kong của GS Jimmy Chan, Đại học Khoa học & Công nghệ Hong Kong

Hong Kong đã sớm bắt tay vào thực hiện lộ trình cải thiện môi trường và thực hiện nó một cách kiên định. Họ đã nghiên cứu, xác định rõ những nguyên nhân phát thải khói bụi từ tàu thuyền vào ra các bến cảng đông đúc đã gây ra 25% phát thải độc hại, Hong Kong đã ban hành quy định chặt chẽ các tàu thuyền vào cảng phải sử dụng động cơ, nhiên liệu không có khí thải độc hại. Giải pháp này có tác dụng tức thời: các hãng tàu lớn thực hiện ngay, bởi các hải cảng quốc tế lớn đều quy định như vậy và nguồn ô nhiễm không khí lớn nhất của Hong Kong giảm nhanh tức thì … Một số cảng nghèo lo không có tàu cập bến đã hạ thấp tiêu chuẩn khí thải – họ mắc sai lầm hoàn toàn: những con tàu cũ nát có công suất nhỏ và chi phí thấp không thể mang lại nguồn lợi mà chỉ đem đến nhiều vấn đề rắc rối hơn, còn tàu đã cần cập bến thì ắt họ sẽ đến.

Đối với ô nhiễm do các nhà máy điện than, Hong Kong đổi mới công nghệ hiện đại: nhiệt, khói bụi, chất thải nhà máy điện được thu hồi triệt để để sản xuất xi măng, họ cũng có kế hoạch chuyển dần sang điện dầu và điện khí, Hong Kong còn đầu nhà máy điện nguyên tử tại Quảng Đông và mua điện từ nhà máy này. Nhiều cơ sở công nghiệp phát sinh khí thải độc hại đã được dịch chuyển vào các khu vực lãnh thổ nghèo hơn đang khát khao “công nghiệp hóa” (không biết có nhà máy nào đã tới Việt Nam ?).Rắc rối nhất là ô nhiễm khí thải trên đường phố, Hong Kong đã phát triển hệ thống Giao thông công cộng từ những năm 1970, họ tiếp tục phát triển và thêm các giải pháp chuyển đổi nhiên liệu (ô tô điện, LPG và Hybrid) đồng thời tổ chức quy hoạch, thiết kế đô thị để khí thải độc hại không ngưng tụ tập trung…Họ đã có kế hoạch hành động từng bước/rõ ràng nhằm mục tiêu giảm phát thải không khí xuống còn 25% so với hiện tại trong vài năm tới.

Có lẽ TP thông minh là TP biết chọn ra lộ trình thích hợp để giải quyết những vấn đề rắc rối của mình. Ưu tiên đặc biệt cho những giải pháp ít tốn kém mà đem lại hiệu quả nhanh chóng. Tuy vậy, cũng có những vấn đề cần nhiều tiền bạc tỉnh táo và kiên nhẫn thực thi trong thời gian lâu dài, quan trọng hơn cả là có đủ thông minh, can đảm thừa nhận rằng: chẳng có “phép thần” nào có khả năng biến thành phố trở thành thông minh sau một đêm .

Xây dựng và Vận hành thành phố 4.0 như thế nào

Công ty Arthur D Little khảo sát 84 thành phố toàn cầu đã chỉ ra Hong Kong có hệ thống giao thông công cộng tiên tiến nhất thế giới. Đáp ứng 90% nhu cầu đi lại trong TP. Người Hong Kong đăng ký phương tiện giao thông cá nhân thấp thứ hai trên thế giới  (58,2 %), chỉ sau Stockholm (54,7%), bỏ qua Amsterdam, Copenhagen, Vienna và Singapore. Trong khi đó, London đứng ở vị trí thứ 9, Tokyo xếp thứ 19 và Bắc Kinh xếp thứ 28.

2-Phối cảnh 3D

Hình phối cảnh 3D nhà ga Triển lãm Concourse: cho thấy hình ảnh trực quan, hình dung kết quả dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị xây dựng

Chỉ riêng hệ thống đường sắt đô thị MRT hàng ngày vận chuyển 5,5 lượt khách (chiếm 40% GTCC). Bao gồm 218,2 km với ga, MTR là một trong những hệ thống tàu điện ngầm sinh lợi nhất trên thế giới: tỷ lệ thu hồi vốn qua bán vé là 187% ( 2015). …Do vậy nó thu hút đầu tư tư nhân mạnh mẽ và tiến hóa không ngừng. Các dự án phát triển hệ thống giao thông công cộng của Hong Kong đang được quản lý đầu tư bằng giải pháp tiên tiến nhất thế giới: Quản lý thông tin xây dựng: BIM (Buiding Infomation Management) và vận hành bằng Hệ thống giao thông thông minh: ITS (lntelligent Transport System)

3-Phối cảnh BIM

Hồ sơ BIM mô tả nhà ga MRT, trên nhà ga là Trung tâm thể thao. Dưới đường hầm là một tuyến đường MRT với các thiết bị cơ điện phức tạp trong một tổ hợp kiến trúc có nhiều chủ sở hữu cùng tham gia đầu tư xây dựng. BIM đã tạo điều kiện cho thiết kế và phối hợp đa ngành

Hồ sơ thiết kế xây dựng công trình thường được mô tả thành không gian 3 chiều (3D). Quản lý thông tin xây dựng – BIM còn được bổ sung thêm 2 chiều nữa thành 5D, đó là: gán vào hình khối thông tin mô tả vật tư thiết bị, gọi là chiều “Giá thành”; Mỗi loại vật tư thiết bị còn kèm theo thông tin xuất xứ hàng hóa, nhà sản xuất, thời gian dự kiến lắp đặt tại công trình, gọi là chiều “Thời gian”. Nó bao gồm thông tin để xây dựng mối quan hệ tương tác thúc đẩy lẫn nhau, loại trừ xung đột. Ví dụ như xây dựng một nhà ga của tuyến đường ngầm tại WanChai, trên mặt đất là công trình xây dựng lại Trung tâm Thể thao và Hồ bơi. Mô hình BIM mô tả cả hệ thống cấp điện, nước và cơ khí đẻ các bên cùng kiểm soát được quá trình xây dựng và cùng phối hợp triển khai. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều bên cùng một lúc có thể kiểm soát chi phí đầu tư cũng như tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cũng như điều hành giao thông phù hợp trong từng giai đoạn xây dựng.

Trong giai đoạn 2006-2016, Hong Kong đầu tư 3 tỷ USD cho hệ thống kiểm soát giao thông tổng thể. Riêng bằng hệ thống thông minh ITS có tổng vốn đầu tư 423triệu USD bao gồm Hệ thống camera và cảm biến (CCTV); Điều khiển giao thông vùng (ATC); Giám sát hệ thống (TCSS) và Trung tâm Thông tin và Quản lý giao thông (TMIC). Thiết bị do tập đoàn của các công ty quốc tế cung cấp, họ đến từ Canada, Hà Lan, Nhật Bản và Singapore.

4-Hong Kong

Công trường xây dựng ga MRT sát bờ biển

Hành khách sử dụng thẻ Octopus duy nhất để thanh toán tiền vé khi đi tàu MTR và hầu hết các phương tiện giao thông công cộng cũng như thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi, các cửa hiệu ăn nhanh, siêu thị, tiệm bánh, máy bán hàng tự động .

Trao đổi với các đồng nghiệp Hong Kong, các bạn cho biết tất cả các dự án đường sắt đô thị trên thế giới hiện nay đều quản lý bằng BIM, tại Việt Nam cũng vậy. Có thể các cơ quan Việt Nam không quan tâm nhưng các tổng thầu nước ngoài họ tự xây dựng mô hình này để kiểm soát các nhà thầu phụ cùng tham gia dự án (phần xây lắp và thiết bị nhà ga, toa tàu, hệ thống vận hành…). BIM giúp tổng thầu quản lý chi phí, chất lượng hàng hóa cung cấp và điều phối nhân lực tối ưu … những thứ tác động trực tiếp lợi ích của họ … vấn đề là chủ đầu tư Việt Nam có yêu cầu họ cung cấp tài liệu này hay không. Liên quan đến việc chạy thử tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, các bạn cho biết: các chuyên gia kinh tế thế giới đã chỉ ra rằng nếu một dự án đầu tư 1,5 tỷ USD thì tổng giá trị tài sản của dự án đó trong cả vòng đời khai thác sẽ là 10 tỷ USD. Để quản lý, vận hành, bảo trì, khai thác khối tài sản lớn như vậy trong suốt quá trình tồn tại thì không thể thiếu BIM .

Tháng 7/2018, báo chí công bố các dự án đội vốn hàng ngàn tỷ đồng tại nhiều địa phương. Các dự án ĐSĐT Hà Nội và TPHCM cũng đội vốn và chậm tiến độ tràn lan. Nếu quản lý bằng BIM, có thể giảm thất thoát từ các dự án vốn ngân sách ,hiện quản lý bằng công cụ cổ lỗ thời 0.4

Chuyến tàu 4.0 của nền kinh tế Việt Nam đã khởi động, chuyến ĐSĐT Hà Nội đầu tiên cũng đã chạy thử, liệu chúng ta có kịp bước lên tàu hay không ? Tương lai đang vẫy gọi.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội

5

Tác giả trong chuyến tham quan – khảo sát Hong Kong tháng 7/2018

Ghi chú: Ngày 28/6, Hội KTS Hà Nội cử KTS Tần Huy Ánh tham gia Đoàn công tác học tập kinh nghiệm quốc tế về quản lý chất lượng không khí tại Hong Kong. Chương trình do Live & Learn phối hợp cùng Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Mạng lưới Không khí Sạch Hong Kong (CAN-HK) đồng tổ chức, trong khuôn khổ dự án “Không khí sạch – Thành phố xanh”