26/05/2023

Đô thị Yên Bái – Động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

(KTVN) – Tại Quyết định số 116/QĐ-UBND ngày 25/01/2021 của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030, đã xác định thành phố Yên Bái là trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học kỹ thuật của tỉnh Yên Bái. Đồng thời, là đô thị văn hóa, sinh thái, động lực phát triển kinh tế của tỉnh Yên Bái, trong đó công nghiệp hỗ trợ cho sự phát triển nông nghiệp và dịch vụ mang tính đặc trưng của tỉnh miền núi phía Bắc. Đây cũng là điều kiện quan trọng để hình thành một cực tăng trưởng mới phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Một góc thành phố Yên Bái từ trên cao

Lợi thế trong liên kết vùng

Thành phố Yên Bái được xác định là một trong các đô thị trung chuyển quan trọng, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng, có vị trí quan trọng trong kết nối các hoạt động kinh tế với các đô thị nằm trên hành lang thủ đô Hà Nội, các đô thị cửa khẩu và cảng biển, là tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư phát triển các trọng điểm sản xuất, logistic, thương mại dịch vụ của đô thị.

Với hạ tầng giao thông liên vùng thuận lợi, nằm ở vị trí cửa ngõ của vùng Tây Bắc và của tỉnh Yên Bái là đầu mối kết nối nhiều tuyến giao thông quốc gia đường bộ như QL37, QL32, QL32C, QL70, QL2D, đường sắt Yên Viên – Lào Cai, đường thủy Hà Nội – Lào Cai, đặc biệt tuyến đường Cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua đã được hoàn thành đưa vào hoạt động, tạo cho thành phố Yên Bái có những lợi thế, cơ hội thu hút đầu tư.

Đồng thời, giúp cho đô thị dễ dàng giao lưu với vùng Thủ đô Hà Nội và quốc tế qua đường cao tốc đến cảng hàng không Nội Bài, cảng biển Hải Phòng, Khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Có cơ hội thuận lợi để phát triển thành phố Yên Bái thành một trung tâm đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng miền núi biên giới phía Bắc, giữa khu vực Tây Bắc và khu vực Đông Bắc của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, thành phố Yên Bái đã có sự phát triển với những mức độ khác nhau, nhưng luôn giữ vai trò là trung tâm kinh tế – văn hóa – chính trị của tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, từ khi được thành lập thành phố đã có sự thay đổi vượt bậc, có nhiều yếu tố thuận lợi mới; cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ gắn với với việc phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường.

Yên Bái đạt tiêu chí đô thị loại II có tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa và phát triển các loại hình sản xuất, logistic, thương mại dịch vụ trọng điểm trong tỉnh. Là bước đột phá quan trọng tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh về mọi mặt xứng đáng là thành phố có vai trò là động lực phát triển đối với tỉnh Yên Bái và cả vùng Tây Bắc.

Đầu tư hạ tầng đồng bộ

Theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã được phê duyệt và thực hiện cho đến nay, tỉnh và thành phố đã tổ chức phát triển hạ tầng đồng bộ nhiều khu nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu về quỹ đất ở cho thành phố.

Bao gồm, các dự án phát triển nhà ở đang được triển khai như: Khu đô thị Hạnh Phúc; Khu đô thị mới Đồng Tâm – Yên Thịnh; Khu đô thị mới phường Đồng Tâm; Khu đô thị mới phường Hợp Minh; Khu đô thị Bách Lẫm A; Khu đô thị Bách Lẫm B; Khu dân cư nông thôn 4B.

Các dự án đã đầu tư xây dựng như: Dự án chỉnh trang khu dân cư tổ 14 Yên Ninh; Dự án Vincom Plazza; Dự án Melinh Plazza.

Địa phương đang từng bước xây dựng Trung tâm hành chính mới thành phố Yên Bái; cải tạo, nâng cấp các Trung tâm hành chính các cấp (cụ thể, đã có kế hoạch nâng cấp xã Tân Thịnh, Văn Phú, Giới Phiên lên phường).

Các tuyến đường chính đã được xây dựng có bề rộng từ 33m đến 36m, trong đó lấy sông Hồng làm trục động lực chính để tạo trục cảnh quan hai bên sông. Thành phố đã xây dựng 5 cây cầu bắc qua sông Hồng như cầu Yên Bái, cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán, cầu Văn Phú và cầu Giới Phiên đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giao thương hàng hóa trong khu vực.

Các trung tâm thương mại, dịch vụ đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng theo định hướng chung của thành phố Yên Bái như Trung tâm thương mại Vincom Plaza và Melinh Plaza; siêu thị Dũng Linh, siêu thị Anh Mỹ, Điện máy Xanh, Mediamart và 01 chợ trung tâm thành phố; 08 chợ tập trung ở địa bàn các phường, xã; hệ thống salon ô tô Mazda tại phường Đồng Tâm, salon ô tô đường Nguyễn Tất Thành, salon ô tô khu vực xã Văn Phú, salon ô tô Hòa Bình khu vực xã Giới Phiên… phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn.

Đối với Trung tâm, dịch vụ phía Tây của thành phố tiếp tục được cải tạo và hoàn thiện, hiện nay đã xây dựng xong dự án Trung tâm thương mại tổ hợp và nhà phố tại công viên Yên Hòa do Tập đoàn Vingroup đầu tư; Trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện của Tập đoàn Hoa Sen đã được khởi công xây dựng, chuẩn bị khánh thành.

Các nhà văn hóa, khu dân cư được xây dựng, đầu tư, mở rộng, nâng cấp với đầy đủ trang thiết bị kết hợp với khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Cụ thể, đối với các công trình văn hóa, thể dục thể thao, thành phố đang xây dựng Trung tâm thể thao, văn hoá- giải trí tổng hợp tại Công viên Yên Hoà với quy mô, công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, đảm bảo hài hoà truyền thống, bản sắc dân tộc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của mọi đối tượng; Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Yên Bái, sân vận động của tỉnh đều được nâng cấp cải tạo.

Đồng thời, xây dựng các tiểu công viên kết hợp khu vui chơi, thể dục, thể thao khu vực Tổ dân phố số 15, phường Nguyễn Thái Học, khu vực đầu cầu Bách Lẫm, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.

Các cơ sở giáo dục đào tạo được chú trọng đầu tư để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị ngày được nâng cấp, trường lớp các cấp cũng được mở rộng và xây dựng thêm mới.

Về lĩnh vực y tế, cơ sở vât chất khám chữa bệnh được nâng cấp trang thiết bị, và đầu tư xây dựng mới các bệnh viện phục vụ nhân dân trong tỉnh.

Hoạt động xúc tiến du lịch và huy động vốn đầu tư cho hạ tầng du lịch kết nối tour, phối hợp liên kết các tỉnh như Yên Bái – Phú Thọ – Lào Cai và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tổ chức và chương trình du lịch… Một số khu du lịch đã được hình thành ở hồ Thác Bà, Khu tổ hợp sân golf Ngôi sao Yên Bái đã được khởi công.

Với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch hồ Thác Bà đã được phê duyệt, nhiều nhà đầu tư lớn đã quan tâm tìm hiểu, lập dự án đầu tư du lịch tại hồ Thác Bà và hồ Vân Hội.

Định hướng phát triển trong tương lai

Với mục tiêu xây dựng thành phố Yên Bái phát triển bền vững, Ông Nguyễn Ngọc Trúc – Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: “Chúng tôi xác định xây dựng và phát triển thành phố Yên Bái trở thành một đô thị theo hướng xanh, thông minh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc, văn minh, hiện đại, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng, đầu tư hài hòa giữa việc bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới”.

Theo đó, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch chung đã được phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Yên Bái trong giai đoạn 2021 – 2030 nhằm cụ thể hóa quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, các quy hoạch chuyên ngành và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tiếp tục triển khai thực hiện các phương án, giải pháp phát triển đô thị một cách phù hợp với phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội gắn với bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ môi trường. Song song với việc đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước hoàn thành công cuộc chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo Ông Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đến nay, thành phố Yên Bái đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn của đô thị loại II, thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả chương trình phát triển thành phố Yên Bái, nhất là phát triển về hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được.

Đối với tiêu chuẩn về môi trường, Ông Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Hiện nay, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể về thu gom và xử lý nước thải thành phố Yên Bái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Thời gian tới sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư triển khai xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt theo quy hoạch đã được duyệt, bảo đảm nước thải sinh hoạt sẽ được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn và đảm bảo về quy mô, công suất xử lý. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn”.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết thêm: “Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục chỉ đạo thành phố phối hợp các nhà đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sớm thực hiện xây dựng dự án nghĩa trang An Bình Viên trên địa bàn, để đảm bảo tiêu chí nhà tang lễ đảm bảo theo quy định của đô thị loại II. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai quy hoạch ngành thương mại đã được phê duyệt tại Quyết định số 1816 ngày 14/10/2017 của UBND tỉnh trong đó có quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố và toàn tỉnh. Với nhiệm vụ và các giải pháp nêu trên, tôi tin tưởng rằng thành phố Yên Bái sau khi nâng cấp lên đô thị loại II sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế của thành phố đối với sự phát triển chung của tỉnh”.

Việt Khoa