01/06/2017

Đô thị thông minh bắt đầu từ lập quy hoạch

Một đô thị thông minh không chỉ từ một cơ quan chuyên trách hay được ứng dụng công nghệ thông minh nhất mà cần một hệ thống tổng thể với nguồn thông tin lớn cho cả thành phố. Vì thế, khi xây dựng một đô thị thông minh thì cần được bắt đầu quy hoạch tổng thể, để từ đó xác định không gian đô thị, lựa chọn công nghệ, huy động vốn, phân công nhiệm vụ, phương pháp điều hành để có một đô thị thông minh bền vững.


Phối cảnh khu phức hợp Thủ Thiêm Eco Smart City trong khu đô thị mới Thủ. (Ảnh: Internet)

Phải bắt đầu từ quy hoạch

Tại Hội thảo “Đô thị thông minh trong quy hoạch và phát triển đô thị” do Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (SISP) tổ chức, bà Trần Thị Lan Anh – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã khẳng định: Đô thị thông minh là xu hướng toàn cầu hóa, chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị vì thế cần bắt từ công tác lập quy hoạch với mục tiêu hướng tới đô thị thông minh (ĐTTM).

Khi chúng ta lập quy hoạch đô thị thì cần có hệ thống công nghệ thông tin cung cấp nền tảng dữ liệu đô thị để căn cứ vào đó xác lập từng khu vực ứng dụng các công nghệ, có sự kết nối phù hợp. Tuy nhiên, hệ thống công nghệ thông tin cho lĩnh vực quy hoạch còn chưa được chú trọng.

Khái niệm ĐTTM còn nhiều mới mẻ và mỗi xã hội, mỗi nước lại có cách hiểu, định nghĩa khác nhau và kéo theo đó là cách thức ứng xử với mô hình này cũng khác nhau. Nhưng trước hết một ĐTTM sẽ có rất nhiều hệ thống công nghệ thông minh được kết nối với nhau, tuân thủ theo một quy hoạch chặt chẽ.

Cũng với quan điểm muốn có một ĐTTM thì cần phải bắt đầu từ phương pháp quy hoạch, TS Nguyễn Ngọc Hiếu – Trường Đại học Việt Đức cho rằng: Hệ thống quản lý đô thị hiện nay cần được đổi mới, trong đó, quy hoạch còn bất cập cả về thể chế và phương pháp quản trị. Phương pháp quy hoạch thì thiếu cơ sở tính toán cho những dự báo dài hạn; các lĩnh vực thiếu sự kết nối, các cơ quan chuyên ngành thiếu sự tích hợp và phối hợp khi sử dụng cơ sở dữ liệu riêng, không dễ dàng chia sẻ, chưa kết hợp trực tuyến trong khi tổ chức quản lý thì theo trình tự dẫn tới tác động liên ngành khó xử lý.

Mỗi vùng, địa phương cũng thiếu sự kết nối và giải quyết vấn đề phát triển đô thị theo không gian ảnh hưởng, thiếu cơ chế phối hợp, thậm chí cạnh tranh không cần thiết trong nội bộ vùng đô thị hóa dẫn tới sự dư thừa các khu công nghiệp, cảng biển, xung đột trong sử dụng tài nguyên. Công cụ để làm rõ những tác động đa chiều, chi phí ẩn có tính lâu dài cũng còn thiếu như giao thông, ngập lụt, nhà ở, tài chính, ô nhiễm môi trường.

Từ những bất cập này, TS Nguyễn Ngọc Hiếu khẳng định: Để xây dựng ĐTTM thì cần có hệ thống quy hoạch chiến lược. Đầu tiên làm chủ thông tin có chất lượng, từ đó xử lý thông tin để định hướng, chỉ số giám sát tin cậy, điều chỉnh cơ chế vận hành đô thị. Bên cạnh đó, cần phát triển công cụ quản lý, xây dựng nền tảng thể chế thích ứng. Để hướng tới đô thị thông minh thì cần chuyển sang quản lý phát triển và tích hợp, đó là tổng hợp và phát triển các công cụ đánh giá, cơ chế nuôi dưỡng và sử dụng chỉ số.

Các nhóm giải pháp

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng cấp bách, TS.KTS Lê Văn Thương và TS.KTS Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM lại đưa ra những nhóm giải pháp để tạo nên một đô thị thông minh bền vững trong đó có sử dụng công nghệ và cả sự “Thông minh không cần công nghệ”.

Theo nhóm giải pháp kiến trúc thì để có một ĐTTM bền vững, mỗi công trình phải có thiết kế phù hợp với tiết kiệm năng lượng, tận dụng chiếu sáng tự nhiên và sử dụng các vật liệu hấp thụ năng lượng tự nhiên như kính, film phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam; giảm sử dụng gạch đất nung, chuyển sang dùng gạch không nung với tỷ lệ 50-70%; thiết kế hệ thống chiếu sáng, cấp nước, điều hòa không khí thông minh để tiết kiệm năng lượng phục vụ cho công trình.

Với nhóm giải pháp quy hoạch, nhóm nghiên cứu của TS Thương nêu ra những đô thị tiêu biểu trên thế giới.

Cùng với những giải pháp đặc trưng là giải pháp “Đô thị Amip” của Nhật Bản – những đô thị không bị phụ thuộc vào hình mẫu hay quy tắc giống nhau, đạt được sự cân bằng giữa tự nhiên và nhân tạo trong từng ngôi nhà, từng khu phố và có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một đô thị điển hình nữa là “Thành phố nổi” của Noah Ark, một thành phố nổi bền vững có khả năng bảo vệ sự sống trên ruộng bậc thang, cung cấp không gian rộng rãi cho các mô hình lương thực, thực phẩm phát triển, thu thập nguồn nước mưa và thông qua các nguồn năng lượng tự nhiên như năng lượng mặt trời, gió, sóng… để phục vụ sự sống cho con người. Bên cạnh đó, “Thành phố nổi” còn bảo vệ người dân tránh được thảm họa tự nhiên thông qua mạng lưới kết nối với các đường hầm nổi dưới nước, liên kết chúng với đất liền, cùng với bức tường cao 65m để cản những cơn gió biển và sóng thần… Dự án này không chỉ tạo năng lượng mà còn tạo nên sự thoải mái cho người dân bởi đầy đủ các tiện ích phục vụ cho đời sống.

Với nhóm giải pháp kỹ thuật hạ tầng, nhóm nghiên cứu của TS Thương lại đưa ra những mẫu hình khác như “Đô thị xanh” Vancouver – Canada hay giải pháp đô thị thông minh của Rio de Janero – Brazil.

Theo TS Thương: Đô thị Việt Nam khi xây dựng đô thị thông minh thì cần làm rõ khái niệm và mục tiêu để xác định phương thức xây dựng (dùng công nghệ hiện đại hay những cách khác), rồi xác định các nhóm giải pháp ưu tiên là điều hết sức quan trọng khi bắt đầu.

Bên cạnh đó, cũng cần chọn các giải pháp có tính tương hỗ đối với các vấn đề khác của đô thị như: đô thị hóa tăng; vấn đề đô thị tăng; cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; chất lượng cuộc sống tăng.

Cuối cùng là chọn các giải pháp có công nghệ thân thiện, có tác dụng cảnh báo sớm và ngăn chặn tác hại của những thay đổi về môi trường.

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, trong thời điểm hiện nay, khi các công nghệ điện tử đang phát triển rầm rộ, nhiều doanh nghiệp tổ chức có chiến lược truyền thông khôn khéo, vì thế chúng ta cần sáng suốt trong lựa chọn công nghệ. Quan trọng hơn, để có 1 đô thị thông minh thì bắt đầu cần phải đổi mới phương pháp lập quy hoạch và mục tiêu lập quy hoạch hướng tới đô thị thông minh với không gian đô thị hướng tới thông minh, sau đó mới đầu tư, xây dựng, vận hành chu trình đô thị theo hướng thông minh. Đó cũng là lý do để SISP tổ chức buổi hội thảo “Đô thị thông minh trong quy hoạch và phát triển đô thị”.

Mai Thanh/Báo Xây dựng