16/06/2017

Đô thị thích ứng với lũ lụt: Giải pháp sống chung với lũ cho thiết kế đô thị tại TPHCM

Để thúc đẩy khả năng thích ứng với lũ và giảm thiểu tai hại của lũ lụt trong đô thị, bài viết đề xuất một mô hình thích ứng với lũ dựa trên mô hình thủy văn đô thị, kết hợp với năng lực của hạ tầng sinh thái. Mô hình này bao gồm việc cho phép lũ đi vào thành phố và phục hồi mối quan hệ tương tác giữa lũ và hệ sinh thái ven sông. Đồng thời, ngăn ngừa thiệt hại khi xảy ra lũ bằng cách điều chỉnh hệ thống một cách kịp thời và chuyển sang cơ chế thích nghi với lũ trong đô thị (bao gồm nhận thức và tự ứng phó của cộng đồng dân cư). Việc tiếp cận này được gọi là nhận thức sinh thái thích ứng với lũ. Để thực hiện ý tưởng này, bài viết chuyển thành các nguyên tắc thiết kế đô thị, bao gồm: Thiết kế đô thị cần coi lũ là một nguồn tài nguyên cho hệ sinh thái đô thị; Thiết lập không gian chứa lũ dựa trên hạ tầng sinh thái thích ứng với các động thái của lũ; Cấu trúc đô thị luôn tính đến các tình huống rủi ro và sẵn sàng chuyển sang cơ chế thích nghi với lũ; Phổ biến động thái của lũ và nâng cao nhận thức sống chung với lũ tới công chúng.

Tại Việt Nam, quan điểm cho rằng, lũ lụt cần được ngăn chặn ngay từ đầu cũng được gọi là mô hình kiểm soát lũ vẫn rất phổ biến. Mặc dù nhiều cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ đã được xây dựng nhưng các thành phố tại Việt Nam rất dễ chịu tổn thương trước các hiểm họa của lũ lụt (ADB, 2010; Storch, 2011; Liao, 2014). Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện tượng lũ lụt là thảm họa tự nhiên phổ biến nhất tại Việt Nam trong vài thập niên trở lại đây, đe dọa nghiêm trọng đến các thành phố, đặc biệt tại những thành phố lớn, lũ lụt thường để lại những hậu quả nặng nề (ADB, 2010; World bank, 2010). Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến trên thế giới như là một trong những thành phố chịu nhiều rủi ro nhất trước tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực xây dựng các cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ (điển hình là hệ thống đê chắn lũ trong nội đô, đập ngăn triều cường, các đập nước và trạm bơm tiêu nước) nhưng tình trạng ngập lụt tại thành phố Hồ Chí Minh nhìn chung vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể, thành phố vẫn không thể hoàn toàn ngăn chặn được các hiểm họa về lũ lụt (Ho 2008). Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng và nguy cơ lũ lụt do biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nếu chỉ dựa vào các cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ để giảm thiểu nguy cơ lũ lụt thì các thành phố càng dễ bị tổn thương hơn (Liao, Le et al. 2016).

Để thúc đẩy khả năng thích ứng với lũ trong đô thị, nhiều mô hình “thích ứng với lũ” được đề xuất nhằm ngăn ngừa các thiệt hại khi xảy ra lũ lụt. Lý luận về khả năng “tự phục hồi của hệ thống nước trong đô thị” kế thừa và phát triển từ nền tảng “tự hồi phục” trong sinh thái học và xã hội – sinh thái học, đang thu hút được sự chú ý rộng rãi trong công tác quản lý lũ lụt (Walker, Holling et al. 2004). Khả năng tự phục hồi (hay thích ứng) với lũ không chỉ gắn với phục hồi sau thiên tai mà còn liên quan đến giảm thiểu nguy cơ trước thiên tai. Theo quan điểm của (Liao, 2012) thì khả năng thích ứng với lũ là khả năng chịu đựng lũ để tránh những rủi ro khi lũ đang diễn ra chứ hoàn toàn không phải ngăn chặn lũ, hoặc là khả năng tổ chức lại một cách nhanh chóng khi thiệt hại về vật chất, thiệt hại về kinh tế xã hội vẫn đang diễn ra. Hiện nay, với những thành phố đang phải đối mặt với những nguy cơ bất ngờ và khó dự đoán về lũ lụt, khái niệm “tự phục hồi” là rất quan trọng trong các kế hoạch ứng phó và giảm thiểu rủi ro. Trong đó, “tự phục hồi” hay còn gọi khả năng “thích ứng” với lũ cần được hiểu là khả năng chịu đựng lũ và khả năng tổ chức lại nhanh chóng.

Đối với các thành phố, khả năng thích ứng với lũ chính là khả năng chịu đựng lũ, có nghĩa là khả năng bảo toàn, không bị tàn phá và vẫn giữ được chức năng hoạt động khi bị ngập lụt, có thể tổ chức lại nhanh chóng nếu thảm họa vượt quá sức chịu đựng xảy ra, tức cấu trúc các thành phố này phải thích nghi với các trận lũ. Thích nghi ở đây được hiểu là các biện pháp điều chỉnh sao cho phù hợp với chế độ lũ mà không cần thay đổi chế độ của các đợt lũ đó, thích nghi với lũ trái ngược với kiểm soát lũ (tức cố gắng làm thay đổi chế độ lũ). Thích nghi với lũ cũng bao gồm “sống chung với lũ” , thể hiện đến một lối sống chấp nhận và chịu đựng lũ nhờ vào tăng cường khả năng thích nghi của tài sản và nâng cao nhận thức về lũ của công chúng (Liao, Le et al. 2016). Trong giới hạn của bài viết này, đô thị thích ứng với lũ lụt chủ yếu tập trung vào xây dựng một cấu trúc tương tác tự nhiên giữa con người và thiên nhiên. Trong đó cho phép lũ đi vào thành phố nhờ các không gian chứa lũ, lợi dụng lũ để nuôi dưỡng hệ sinh thái đô thị (chủ yếu tập trung vào hệ sinh thái thân cận nước). Bên cạnh đó, môi trường xây dựng tính đến các rủi ro từ lũ và chủ động các phương án chịu đựng lũ, nâng cao nhận thức và khả năng đối phó của cộng đồng với lũ và sẵn sàng chuyển sang cơ chế thích nghi với lũ khi cần.

Khái quát về khu vực nghiên cứu

Về vị trí địa lý, TP.HCM nằm ở vùng khí hậu cận nhiệt đới xích đạo, phía đông bắc đồng bằng sông Cửu Long và cách bờ biển Đông 50km về phía đông. Địa hình của TP.HCM tương đối thấp, nằm ngay hạ lưu của 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai, được bao bọc bởi một cấu trúc dày đặc mạng lưới sông ngòi cùng một hệ sinh thái ngập nước đa dạng. Sự kết hợp đặc biệt này từ lâu đã phản ánh mối quan hệ không thể tách biệt giữa cấu trúc đô thị và cảnh quan mặt nước vốn tồn tại hơn 300 năm qua (Thu Thiem new urban area, 2012). Sài Gòn có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Vũ lượng trung bình hàng năm khoảng 2.000 mm, 80% lượng mưa trong đó xảy ra chủ yếu vào mùa mưa. Lượng mưa tối đa trong ngày là 200 mm, lượng mưa hàng giờ tối đa là 50 mm.

TPHCM là một ví dụ điển hình nhất về quá trình phát triển đô thị nhanh chóng trong vòng 20 năm qua tại Việt Nam. Quá trình đô thị hóa của TP.HCM liên quan chặt chẽ đến quá trình công nghiệp hóa sau chính sách Đổi Mới năm 1987. Từ năm 1986 tới 2010, dân số của Tp Hồ Chí Minh tăng gần gấp đôi từ 3,78 triệu người tới 7,1 triệu người (số liệu không bao gồm thêm 2 triệu người nhập cư không đăng ký chính thức). Từ năm 1997 đến năm 2003, trước sức ép của đô thị hóa, chính quyền TP.HCM đã buộc phải mở rộng ranh giới đô thị liên tục, dẫn đến việc thành lập sáu quận, huyện mới. Việc chuyển đổi cơ cấu hành chính này đã biến lượng lớn đất nông nghiệp nông thôn thành đất đô thị, khiến tổng diện tích khu vực đô thị của TP.HCM tăng từ 142,15km2 lên tới 494 km2 vào năm 2008 (Du & Fukushima, 2009).


Hình 1: Vị trí địa lý TP.HCM (Nguồn: Hồ Phi Long)

Mặc dù được biết đến trong vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia, lượng dân cư và tài sản kinh tế lớn, thành phố còn được coi là điểm nóng dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu (ADB, 2010; Carew-Reid, 2007). Biến đổi khí hậu được thể hiện rất rõ ở Việt Nam với nhiệt độ trung bình tăng 0,5oC và mực nước biển tăng cao 0,2m trong 50 năm qua (Bộ TN & MT, 2009). Mặc dù việc dự báo thay đổi khí hậu trong tương lai là rất khó khăn và không chắc chắn, đặc biệt là dự báo ở cấp độ thành phố, nhưng các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với dự báo trước đó. Biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ có tác động sâu sắc tới TPHCM bởi thành phố nằm trên vùng đất thấp, lại cận kề ven biển nên những rủi ro từ biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Các tác động trọng yếu nhất đã được xác định là nguy cơ ngập lụt, nhiệt độ tăng cao, an ninh năng lượng và thiếu hụt tài nguyên nước (Ho, 2007, 2008; ADB, 2010). Hơn nữa, các nghiên cứu địa lý rộng lớn về nguy cơ ngập lụt đô thị được thực hiện bởi Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế (OECD) (Nicholls et al., 2008), đã tập trung vào nghiên cứu thực trạng và nguy cơ ngập lụt duyên hải trong tương lai của 136 thành phố cảng quan trọng trên toàn thế giới. Nghiên cứu này xếp hạng TP.HCM nằm trong top 5 thành phố hàng đầu có lượng dân số bị ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới vào năm 2070.

Kịch bản ngập lụt tại TP.HCM trong tương lai

Trong các đánh giá về mức độ tổn thương của các thành phố vùng duyên hải, các nghiên cứu thường tập trung chủ yếu vào vấn đề nước biển dâng, trong khi thường bỏ qua ảnh hưởng của các yếu tố phi khí hậu hay cụ thể là sự thay đổi của vấn đề kinh tế – xã hội. Do đó, kịch bản nước biển dâng cần kết hợp với dự báo về kinh tế – xã hội trong tương lai (thay đổi cơ cấu sử dụng đất, mức tăng dân số,…) (Nicholls et al., 2008). Trong giới hạn của bài viết này, biến đổi khí hậu và phát triển đô thị đều được đánh giá là động cơ gây ra nguy cơ ngập lụt. Trong đó mối quan hệ giữa mực nước dâng và diện tích đất đai đô thị bị ngập lụt đặc biệt được chú ý. Do đó cần thiết phải xây dựng một hệ thống bản đồ sử dụng đất, bản đồ này nhấn mạnh sự phơi nhiễm của đất xây dựng hiện tại và tương lai, cung cấp các kết quả cụ thể về sự phơi nhiễm của sử dụng đất cũng như phân bố không gian của các loại đất bị phơi nhiễm với lũ lụt, xác định các điểm nóng ngập lụt trong đô thị, nhằm phục vụ hiệu quả cho các nghiên cứu thích ứng sâu hơn với mực nước dâng.


Hình 2: Mối quan hệ tương quan của các kịch bản phát triển đô thị và dự báo thay đổi mực nước biển dâng đối với TP.HCM ở hiện tại và tương lai (Nguồn: Harry Storch & Nigel K. Downes, 2011)

Những thay đổi về mực nước biển có thể được phân loại dựa trên những kịch bản biến đổi khí hậu của IPCC dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2070 – 2100. Trong báo cáo này, dự báo nước biển dâng của Việt Nam là 75cm, được dựa trên sự thu nhỏ từ những dự báo nước biển dâng toàn cầu (Bộ TN & MT, 2009). Đồng thời, thông số riêng của Việt Nam được sử dụng trong các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (Bộ TN & MT, 2008) là mực nước biển trung bình tăng 100cm vào năm 2100. Theo nghiên cứu của (Harry Storch & Nigel K. Downes, 2011), kịch bản không gian của đất xây dựng bị phơi nhiễm với mực nước 150, 200 và 250cm trên mực nước biển hiện tại. Trong đó, 150cm tương ứng với triều cường tối đa hiện tại, 200 và 250cm trên mực nước biển tương ứng với nước biển dâng cao thêm 50 – 100cm.

Kết quả nghiên cứu của (Harry Storch & Nigel K. Downes, 2011) cho thấy, một tỷ lệ lớn các khu vực xây dựng hiện nay đã hiển thị phơi nhiễm với nguy cơ ngập lụt ở mức độ cao (Xem hình 2). Khoảng 160 km2 tương ứng với 32% trong tổng số 500km2 đất hiện tại được xây dựng ở khu dân cư và công nghiệp bị phơi nhiễm với ngập lụt sẽ xảy ra nếu mực nước đạt 150cm trên mực nước biển trung bình hiện tại, tức triều cường lớn nhất hiện tại. Phần lớn phơi nhiễm tập trung ở một vài điểm nóng nằm ở vùng đất thấp phía nam. Đây là hệ quả của những phát triển trong thập kỷ qua (2000-2010). Chưa kể đến những phát triển đô thị trong tương lai, hiện tại 45% tương ứng với 230 km2 diện tích được xây dựng đã phơi nhiễm với mực nước 250 cm, tương đương với mực nước biển tăng 100cm xảy ra đồng thời với triều cường lớn nhất. Với việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất dự thảo cho các năm 2010-2025, diện tích được xây dựng tăng lên 750 km2, tức tăng 50%. Với mức tăng này, tổng diện tích đất được xây dựng sẽ phơi nhiễm với nguy cơ ngập lụt tăng gấp đôi khoảng 360 km2 đối với mức triều cường lớn nhất hiện nay. Nếu tính đến kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai xảy ra cùng với 100 cm nước biển dâng (tức là mực nước tổng cộng 250 cm trên mực nước biển trung bình hiện tại), thì tổng diện tích xây dựng phơi nhiễm sẽ tăng lên đáng kể, lên đến 450 km2. Con số này tương đương với gần 60% tổng diện tích khu dân cư và công nghiệp được quy hoạch xây dựng sẽ bị phơi nhiễm. Như vậy việc thực hiện phát triển đô thị như quy định trong dự thảo kế hoạch sử dụng đất 2010-2025 sẽ tăng mức độ phơi nhiễm với rủi ro ngập lụt tăng lên gấp ba lần so với những rủi ro ngập lụt do triều cường hiện tại.

Theo Trung tâm Chống ngập của thành phố, 60% diện tích toàn thành phố có cao độ thấp hơn 2 m, trong khi mực nước cao nhất tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn và gần trung tâm thành phố có thể đạt 1,55m (ghi nhận vào lúc 5 giờ sáng ngày 15/12/2008). Với mực nước 1,55 m cộng thêm 1m nước biển dâng cao vào cuối thế kỷ sẽ gây ngập phần lớn diện tích thành phố. Nghiên cứu của Trung tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM, 2009) dự báo tới năm 2050, 50% các nhà máy nước, 60% các nhà máy xử lý nước thải, 90% diện tích các bãi rác thải và 30% đến 70% hệ thống giao thông bao gồm đường cao tốc, cảng và hệ thống metro có nguy cơ ngập lụt. Đây là một trong những viễn cảnh đầy thách thức đối với thành phố trong tương lai, sự cần thiết phải có những giải pháp và điều chỉnh kịp thời với tình trạng và viễn cảnh này.

Giải pháp sống chung với lũ cho thiết kế đô thị tại TP.HCM

Để tồn tại trong điều kiện thủy văn không chắc chắn, các thành phố hiện đại cần phải “lưỡng cư”, nghĩa là cần có khả năng hoạt động trong cả điều kiện khô ráo và ngập nước. Tri thức về một “hệ sinh thái lưỡng cư” nên được áp dụng rộng rãi cho các thành phố thường xuyên phải đối mặt với những nguy cơ bất ổn và khó dự đoán của lũ lụt. Tri thức này được xây dựng trên mối quan hệ giữa con người với các động lực học của lũ. Trí tuệ sinh thái ở đây được thể hiện trong các hoạt động thích ứng chứ không phải kiểm soát lũ, bắt nguồn từ các kiến thức về sinh thái lũ, cũng như các dịch vụ hệ sinh thái của lũ. Khi các dịch vụ hệ sinh thái của lũ được đánh giá cao, môi trường xây dựng sẽ không còn mục đích kiểm soát, đàn áp lũ nữa (Liao, Le et al. 2016).

Nhận thức về thích ứng với lũ trái ngược hoàn toàn với các hoạt động kiểm soát lũ. Các mô hình kiểm soát lũ dẫn tới phân chia kênh rạch, đê quai, thay đổi điều tiết nước ở thượng nguồn, hạn chế ngập nước tự nhiên có thể khiến nhiều con sông tại các khu vực đô thị mất đi hầu hết các dịch vụ sinh thái (Grimm et al., 2008). Cần phổ biến rộng rãi các tác động tiêu cực về thủy văn của các hoạt động kiểm soát lũ tới công chúng, đặc biệt là sự xuống cấp của môi trường. Đối với lũ có tính chất chu kỳ, là chìa khóa để hệ sinh thái ngập nước phát triển nên lũ không phải hoàn toàn có hại. Nếu có đầy đủ kiến thức về lũ, các thành phố sẽ tương tác tốt hơn với các hiện tượng lũ lụt tự nhiên, từ đó giảm thiểu tác hại của lũ lụt với con người và tài sản.

1. Thiết kế đô thị cần coi lũ là một nguồn tài nguyên cho hệ sinh thái đô thị

Ngày nay kiểm soát lũ vẫn được xem là giải pháp tối ưu trong quản lý lũ lụt, lũ luôn mang hình ảnh tiêu cực thông qua truyền thông và các hoạt động của chính phủ, các chương trình quản lý lũ chỉ coi lũ là vấn đề rắc rối, hoàn toàn bỏ qua các dịch vụ của hệ sinh thái lũ. Thiết kế đô thị nên học hỏi cách thích nghi với lũ tại các vùng nông thôn ngập lũ, tại đây lũ giúp làm sạch môi trường, lũ tăng lượng phù sa cho nông nghiệp, làm giàu nguồn đánh bắt hải sản, lũ góp phần phát triển du lịch thông qua các hình thức tham quan lũ,…Cách nhìn nhận tại đây là lũ là một nguồn tài nguyên cho cuộc sống con người (Liao, Le et al. 2016).

Tất nhiên các thành phố không hoàn toàn giống với các vùng nông thôn ngập lũ này, nhưng các dịch vụ của hệ sinh thái lũ thì hoàn toàn giống nhau. Với các thành phố đối mặt với lũ theo chu kỳ, lũ giúp phục hồi các hệ sinh thái ngập nước, mang thêm tính đa dạng sinh học cho hệ sinh thái đô thị, cung cấp thêm nguồn phù sa cho các vùng tự nhiên quanh đô thị. Lũ cải thiện môi trường nước ô nhiễm trong đô thị, loại bỏ các tích tụ của hoạt động đô thị, làm sạch môi trường sống. Tuy nhiên điều kiện ở đây phải có không gian cho lũ hoạt động và các động thái của lũ không bị cản trở.

Trong thiết kế đô thị, cần tận dụng lũ để nuôi dưỡng các hệ sinh thái thân cận nước như đất ngập nước, cảnh quan ven sông. Các hệ sinh thái này có sẵn tính thích ứng với lũ nên có thể tái tạo và phục hồi mạnh mẽ sau các cơn lũ, góp phần đảm bảo cân bằng cho HSTĐT. Vì vậy, trong thiết kế đô thị cần bảo tồn và phục hồi các không gian cho hệ sinh thái này, tiếp đến thúc đẩy các quá trình tự nhiên giữa các hệ sinh thái này với các động thái của lũ. Tận dụng lũ sẽ giảm tác hại của lũ, thay đổi quan điểm trong cách tiếp cận với lũ trong đô thị.

2. Thiết lập không gian chứa lũ dựa trên hạ tầng sinh thái (HTST) thích ứng với các động thái của lũ

Các vấn đề thiên tai về nước không phải do bản thân nước gây ra mà là do công năng của hệ sinh thái nước mất đi chức năng điều hòa, vậy chìa khóa của vấn đề là nằm ở môi trường tương tác giữa nước và các HST tự nhiên. Đô thị muốn nâng cao khả năng thích ứng với lũ cần xây dựng một hạ tầng sinh thái để tham gia vào quá trình phức tạp của vòng tuần hoàn nước. Khả năng điều tiết, thu gom, thẩm thấu và thanh lọc ô nhiễm với nước đều do HTST tham gia đảm nhiệm, vì vậy cần lợi dụng HTST để cung cấp các lợi ích về thủy văn (nâng cao năng lực điều tiết) để giảm nhẹ tác hại của lũ (Gill, Handley, Ennos, & Pauleit, 2007).

Việc đầu tiên, cần nghiên cứu động thái và không gian phân bố của lũ. Đối với một thành phố, lũ có thể xuất hiện ở thượng nguồn, có thể do triều cường dâng cao từ biển, hay cũng có thể xuất hiện trong ngay điều kiện khí hậu cục bộ. Xác định lũ ở cường độ, tần xuất và mức đỉnh lũ ở các hướng tiếp cận khác nhau sẽ có phương án giảm thiểu rủi ro tốt hơn, các cấu trúc đô thị sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn khi được dự báo trước. Cần phân biệt lũ có tính chất định kỳ với các hiện tượng bão lũ tai hại. Các loại lũ nhỏ, lũ có ý nghĩa sinh thái có ý nghĩa nhiều hơn cho phát triển đô thị và không thể gộp chung vào lũ lớn, lũ nguy hiểm.

Đối với các thành phố, tăng cường khả năng chịu đựng lũ là cơ hội để công chúng hiểu rõ hơn về các loại lũ có giá trị sinh thái và là cơ hội để khôi phục lại một số chức năng dịch vụ của HST của các con sông chảy qua đô thị. Bằng cách phát triển các công viên ven sông thành các diện tích ngập nước tự nhiên (Công viên ngập nước), hay tự nhiên hóa các không gian mở, khôi phục điều kiện tự nhiên các kênh rạch nối với dòng chảy chính sẽ tạo thêm môi trường ngập nước,…theo thời gian HST sẽ được hồi phục hoặc có thể xuất hiện HST mới trong thời kì lũ lụt dưới dạng lưỡng cư dưới nước và ven bờ (Liao, 2014). Dự án ở Kampen tại Hà Lan là một ví dụ điển hình về việc lồng ghép giữa mở rộng đô thị, phát triển hạ tầng và các chương trình sinh thái. Chính sách “thêm chỗ cho sông” trở nên hữu hiệu nhờ tận dụng những động thái tự nhiên để tái thiết lập trạng thái “sống chung với lũ”. Một ví dụ khác, việc hồi phục sông Isar ở Munich chứng minh rằng một công viên ven sông không chỉ đem lại lợi ích giải trí mà còn giảm nhẹ tác hại, đồng thời tôn trọng quá trình sinh thái của lũ.


Hình 3: Thiết lập các không gian chứa lũ nhằm điều tiết và giảm thiệt hại từ lũ tại TP.HCM
(Nguồn: Handbook on Climate Change Adapted Urban Planning & Design for Ho Chi Minh City)

3. Cấu trúc đô thị luôn tính đến các tình huống rủi ro và sẵn sàng chuyển sang cơ chế thích nghi với lũ

Thiết kế môi trường có tính đến các điều kiện xấu và thích nghi với lũ là một phần bình thường của môi trường sống. Khi dựa vào các mô hình kiểm soát lũ, thiết kế đô thị rất ít khi tính đến các tình huống xấu, việc giảm nguy cơ của lũ được cho rằng đó chỉ là vấn đề của kỹ thuật thủy lực. Tuy nhiên các trận lũ lụt điển hình trên thế giới lại cho thấy, các mô hình kiểm soát lũ hoàn toàn mất tác dụng khi lũ vượt quá công suất thiết kế, một số trường hợp lại không có tác dụng với cả lưu lượng lũ nhỏ.

Tại các vùng nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam, lũ có thể đi vào thôn xóm và dễ dàng thoát đi nhờ không gian linh hoạt. Với các đô thị điều này khó khăn hơn vì mật độ dân cư thường rất cao và giá đất đắt đỏ nên quy hoạch rất hạn chế không gian cho lũ. Tuy nhiên, các biện pháp thiết kế đô thị có thể cho phép các thành phố tính đến các tình huống xấu để thích nghi với lũ (Liao, 2014; Shannon, 2013). Gần đây, việc thiết kế các không gian mở cho lũ đã trở thành một xu hướng mới, các không gian này được tổ chức vào mục đích giải trí và đồng thời làm nhiệm vụ giảm thiểu rủi ro từ ngập lụt. Tại Singapore, công viên Bishan-Ang Mo Kio được thiết kế để chứa lũ định kỳ cho con sông chảy qua khu vực này, công viên được thiết kế với hai chức năng chính là giải trí và giảm thiểu rủi ro từ lũ lụt.

Với các quy mô lớn, nước được quản lý tập trung để dễ dàng kiểm soát thiệt hại, nhưng ở quy mô nhỏ hơn việc quản lý nước phi tập trung cũng thu hút sự chú ý rộng rãi của các chuyên gia thiết kế đô thị. Các kênh sinh thái (Bio-swales), vườn mưa, đất ngập nước được xây dựng trong đô thị đã tạo thêm không gian mở để thúc đẩy lưu giữ, thấm và xử lý nước mưa, tạo điều kiện cho hạ tầng xanh được chú ý hơn trong chức năng điều hòa nguồn nước mưa. Không chỉ phát triển hạ tầng xanh, các không gian có mặt sàn cứng, khó thoát nước như quảng trường, sân chơi và các khu thể thao cũng có thể chuyển thành nơi chứa nước lũ.

Phân khu chức năng cho vùng ngập lụt cần được chú ý trong thiết kế đô thị, các vùng ngập tự nhiên cần được bảo vệ để cung cấp không gian ngập cho sông ngòi trong thời điểm lũ. Chức năng thủy học của của vùng ngập lũ có thể được bảo vệ bằng các giải pháp, bao gồm: Hạn chế các công trình xây dựng, các chức năng sử dụng đất thích ứng với lũ (công viên, sân chơi, đất nông nghiệp) được khuyến khích. Vùng ngập lụt được chia thành khu vực cấm xây dựng hoàn toàn và khu xây dựng có kiểm soát, qua ranh giới này là khu vực an toàn với lũ (Hình 4).


Hình 4: Phân khu chức năng cho vùng ngập lụt
(Nguồn: Handbook on Climate Change Adapted Urban Planning & Design for Ho Chi Minh City)

Đối với các công trình xây dựng nhỏ, việc thiết kế thích ứng với lũ sẽ phức tạp hơn. Các giải pháp đôn nền công trình, thiết kế tường và nền nhà chống lũ, cửa ngăn di động chống lũ hay tầng trệt thích ứng với lũ là những ý tưởng được tính đến trong thiết kế đô thị (xem hình 5). Trong đó tầng trệt thích ứng với lũ nên được khuyến khích, giải pháp này là thiết kế nhà trên cột, hoặc tầng trệt của ngôi nhà được thiết kế cho các chức năng phụ như kho chứa đồ hay nơi đỗ xe.


Hình 5: Thích ứng với lũ cho các công trình nhỏ
(Nguồn: Handbook on Climate Change Adapted Urban Planning & Design for Ho Chi Minh City)

Đối với các công trình lớn, các tòa nhà với kiến trúc Pilotis (kiến trúc cột chịu lực) được hỗ trợ bằng các cột tiếp đất là một hình thức hiện đại của nhà sàn. Kiến trúc này không quá xa lạ ở các khu vực đô thị và đã được xây dựng với quy mô lớn ở nhiều nước, ví dụ như Singapore. Có tới 83% dân số thành phố này sống trong các khu chung cư là các tòa nhà cao tầng có cột chịu lực ở dưới, thường được gọi là “tầng hầm”, tầng này có chức năng như một không gian mở với hệ thống thông gió và an ninh. Tầng hầm này cũng cho phép các tòa nhà chứa được nước lũ nhờ việc sử dụng tường, nội thật chống thấm và đưa hệ thống điện lên cao (Bichard & Kazmierczak, 2012). Tuy nhiên để có thể hiệu quả trên toàn hệ thống, việc thích ứng với lũ cần sự tích hợp ở nhiều phương diện khác nhau, ví dụ như trong mùa lũ thì giao thông đường thủy cũng cần được xem xét trên những điều kiện sẵn có của thành phố.

4. Phổ biến động thái của lũ và nâng cao nhận thức sống chung với lũ tới công chúng

Hiện nay tại hầu hết các thành phố, các dòng sông thường tách biệt với khu dân cư bằng các hệ thống đê và tường ngăn lũ, nhấn mạnh vai trò của kiểm soát lũ, khiến lũ bị đưa ra khỏi tầm nhìn, ra khỏi tâm trí người dân. Việc điều tiết ổn định tạm thời của hệ thống kiểm soát lũ vô hình chung khiến công chúng ít quan tâm đến tình trạng của dòng sông và thiếu nhận thức về động thái thủy văn ven sông. Muốn nâng cao nhận thức của công chúng với quá trình sinh thái của lũ, thiết kế đô thị cần đưa nước mưa và lũ lụt vào tâm trí của người dân trong đô thị. Lồng ghép các công viên ven sông vào quá trình sinh thái của lũ có thể đưa công chúng tiếp cận tốt hơn đến các hiện tượng liên quan đến động lực học của lũ. Có thể kể đến như, đưa công chúng hiểu biết về khả năng điều hòa lũ và cải thiện chất lượng nước của đất ngập nước ven sông, hay sự thay đổi chế độ nước sông theo mùa và sự bồi đắp phù sa cho các sinh cảnh ven sông phát triển, quan sát sự phong phú của hệ sinh thái lưỡng cư theo thời gian (Liao, Le et al. 2016) là cách thức nâng cao nhận thức của công chúng với lũ. Thiết kế các không gian chứa lũ trong đô thị, đặc biệt là các không gian mở cũng giúp người dân hiểu hơn về động lực học của lũ, nhờ đó có thể hiểu biết tốt hơn về lũ tự nhiên.

Trong bối cảnh hiện nay, công chúng có thể dễ dàng hiểu được lợi ích của lũ tại các khu vực nông thôn nhưng hoàn toàn không hiểu về lợi ích của lũ tại khu vực đô thị. Nhiệm vụ của các nhà thiết kế đô thị, các nhà quản lý lũ và các nhà sinh thái học cần có sự hợp tác sâu rộng hơn nhằm tiếp tục khám phá các dịch vụ sinh thái của lũ tại các thành phố nhằm phổ biến vai trò của chúng tới công chúng. Cần làm sáng tỏ và phân loại lũ, trong đó lũ tốt cần được đón nhận và lợi dụng, tránh xuyên tạc để tạo các hình ảnh tiêu cực về lũ tới cộng đồng. Các mô hình chuyển đổi sang thích ứng lũ sẽ được đón nhận nếu công chúng thực sự hiểu đúng về lũ, hướng đến chấp nhận sống chung với lũ trong tương lai.

Kết luận

Để giảm thiểu rủi ro từ lũ sông và triều cường tại TP.HCM, chính quyền địa phương và chính quyền quốc gia đều đang tập trung nỗ lực xây dựng các công trình kiểm soát lũ. Khi kiểm soát lũ vẫn được coi là tối quan trọng trong quản lý lũ thì các biện pháp thích ứng sẽ rất khó để có thể thực hiện trong nay mai. Như vậy, cùng với công tác quy hoạch, công tác quản lý lũ, thiết kế đô thị tại TP.HCM có vai trò không thể thiếu để hiện thực hóa việc chuyển đổi sang mô hình thích ứng với lũ trong tương lai. Muốn thích ứng với lũ cần sự hiểu biết về sinh thái, đó là nền tảng cơ bản để điều hòa mối quan hệ cộng sinh giữa con người và tự nhiên. Xây dựng mối quan hệ cộng sinh với lũ có thể đưa đến một đô thị bền vững hơn, nơi thành phố sẽ an toàn hơn trước các trận lũ, nơi người dân có thể thân thiện với lũ, các lợi ích sinh thái của lũ sẽ được hiểu biết sâu hơn, các thành phố có thể hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Nguyễn Văn LongGiảng viên ngành Cảnh quan & Kỹ thuật Hoa viên, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Budge T.Sponge Cities and Small Towns: A New Economic Partnership[M]//Rogers MF, Jones DR. The Changing Nature of Australia’s Country Towns.Ballarat, Australia: Victorian Universities Regional Research NetworkPress, 2006.
2. Yu Kongjian, Li Dihua. The Way to Urban Landscape: Communicating with Mayors[M]. Beijing: China Architecture & Building Press, 2003:149-153.
3. Tobin G A.Natural Hazards: Explanation and Integration[M]. Guilford Press, 1997.
4. Huynh, D. (2015). The misuse of urban planning in Ho Chi Minh City. Habitat International, 48, 11–19. http://dx.doi.org/10.1016/j.habitatint.2015.03.007
5. ADB (Asian Development Bank) (2010). Ho Chi Minh City—Adaptation to climate change: Summary report. Mandaluyong City: Asian Development Bank, 53.
6. Storch, H. (2009). The spatial dimensions of climate change at the mega-urban scale in South-East-Asia–Urban environmental planning strategies for Ho Chi Minh City´s response to climate change. In E-proceedings: 45th ISOCARP congress 2009 “Low Carbon Cities”, Porto, Portugal. Case Study Platform (12 pp). The Hague: ISOCARP. <www.isocarp.net> and Congress CD.
7. Van, T. T., Bao, H. D. X. (2007). Urban land cover change through development of imperviousness in Ho Chi Minh City, Vietnam.In Asian Association on Remote Sensing (Ed.), Proceedings of 28th Asian conference on remote sensing, Kuala Lumpur.
8. Folke, C., S. R. Carpenter, T. Elmqvist, L. H.Gunderson, C. S. Holling, and B. H. Walker.2002. Resilience and sustainable development: building adaptive capacity in a world of transformations. Ambio 31:437-440.
9. Gunderson, L. H., and C. S. Holling, editors. 2002. Panarchy: Understanding transformation in human and natural systems. Island Press, Washington, D.C., USA.
10. Ho, L. (2008). Impacts of climate changes and urbanisation on urban inundation in Ho Chi Minh City. Proceedings of the 11th international conference on urban drainage.
11. Liao, K.-H., T. A. Le and K. Van Nguyen (2016). “Urban design principles for flood resilience: Learning from the ecological wisdom of living with floods in the Vietnamese Mekong Delta.” Landscape and Urban Planning 155: 69-78.
12. Walker, B., C. S. Holling, S. R. Carpenter and A. Kinzig (2004). “Resilience, adaptability and transformability in social–ecological systems.” Ecology and society 9(2): 5.
13. World Bank (WB) (2010). Climate risks and adaptation in Asian coastal megacities. A
synthesis report. Washington, DC: WB.
14. Storch, H., Downes, N., Katzschner, L., & Thinh, N. X. (2011). Building resilience to climate change through adaptive land use planning in Ho Chi Minh City,
Vietnam. In K. Otto-Zimmermann (Ed.). Resilient cities: Cities and adaptation to climate change. Proceedings of the global forum 2010, local sustainability (Vol. 1,
pp. 349–363). Berlin: Springer.
15. Thái, N. H. (2015, 19/02/2015). 40 năm nhìn lại và hướng tới xu thế “đại đô thị hóa” của TP.HCM. Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh.
16. Nguyễn Đỗ Dũng, 2011. Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh: Đi tìm căn nguyên. https://dothivietnam.org/2011/02/28/ngapluthcmc/

(Bài đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 28-2017)