Việc mở rộng không gian đô thị Huế là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của tỉnh Thừa Thiên – Huế trong xu thế hội nhập và phát triển.
Ngày 25-9, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đã thông qua Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP.Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một gốc TP Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: N.DO
Huế hiện là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, quy mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển, mật độ dân số cao (5.029 người/km2, trong khi quy định là 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.
Tại cuộc họp đóng góp ý kiến xây dựng đề án, các đại biểu cho rằng, từ yêu cầu phát triển khách quan của hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay, việc mở rộng không gian đô thị Huế là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên-Huế trong xu thế hội nhập và phát triển. Việc mở rộng đô thị phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và của tỉnh.
Đồng thời, theo các đại biểu, đây là định hướng hết sức cần thiết, nhằm tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Việc xây dựng đề án này sẽ tạo điều kiện cho đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như trong nâng cao bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị.
Theo đề án này, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang. Với tổng diện tích khoảng 348,54 km2, gấp 5 lần so với diện tích hiện nay.
Thời gian qua, để chuẩn bị cho việc mở rộng này, địa phương này đã tập trung đầu tư, cơ sở hạ tầng về phía nam thành phố. Tỉnh lập khu đô thị mới, xây dựng nhiều tuyến đường lớn. Trung tâm hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang được xây dựng trong khu đô thị mới.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định việc xây dựng đô thị Huế trở thành Đô thị di sản-thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” xứng tầm là trung tâm văn hóa-du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ của cả nước và khu vực là hết sức cần thiết. Đây cũng là sự mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh.
Trước đó, vào tháng 5-2019, Ban chỉ đạo 182 (thuộc Ban Chấp hành Trung ương) đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện kết luận 48 của Bộ Chính trị. Hội nghị đã kết luận sau 10 năm thực hiện kết luận 48, Thừa Thiên-Huế vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu cơ bản là đưa tỉnh này trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Nguyễn Do/PLO