Điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện
Chính phủ vừa có báo cáo về “Kết quả thực hiện Nghị quyết số 134 ngày 17/11/2020 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII”.
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, theo báo cáo của Chính phủ công tác thanh tra chuyên ngành xây dựng tiếp tục được Bộ Xây dựng đẩy mạnh, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, bao quát, phủ kín các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng.
Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực như: Công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị, công tác quản lý hoạt động xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản, quản lý vận hành chung cư tại các địa phương; những lĩnh vực có quy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được báo chí hoặc dư luận xã hội phản ánh.
Nội dung, phạm vi thanh tra đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định, phù hợp với lực lượng cán bộ, các điều kiện thực hiện khác và tình hình dịch bệnh COVID-19; hạn chế chồng chéo với các cơ quan có chức năng thanh tra của trung ương, địa phương và Kiểm toán Nhà nước.
Cũng theo báo cáo, kể từ đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã triển khai 3 đoàn thanh tra theo kế hoạch, thanh tra Công tác quản lý nhà nước về xây dựng trong các lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý hoạt động xây dựng, chất lượng công trình xây dựng.
Đối với việc điều chỉnh quy hoạch qua công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ: thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gắn với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển nhà ở xã hội, quản lý hoạt động xây dựng và trật tự xây dựng đô thị.
Bộ Xây dựng và nhiều địa phương đã tổ chức xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện… Trong đó, xác định cụ thể các nội dung công việc, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả trong triển khai thực hiện song song đồng bộ với các nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương.
Theo quy định của pháp luật, UBND các cấp định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đô thị, báo cáo cấp có thẩm quyền để điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, quy định pháp luật cũng đã quy định chặt chẽ về điều kiện, nội dung và trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, trong triển khai thực tế, công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời, nội dung đánh giá chưa đầy đủ, thấu đáo.
Chưa làm rõ ảnh hưởng, tác động của việc điều chỉnh quy hoạch đến kinh tế – xã hội của địa phương, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung điều chỉnh quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc về đối tượng lấy ý kiến, nội dung ý kiến và giải trình và tiếp thu ý kiến của cộng đồng dân cư.
“Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật diễn ra tại các thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao”, báo cáo chỉ rõ.
Ngoài ra, các dự án thường điều chỉnh quy hoạch chi tiết trong thời gian thực hiện, nội dung chủ yếu là tăng số tầng cao, diện tích sàn, chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng… dẫn tới gia tăng dân số.
Tại một số địa phương, việc điều chỉnh cục bộ không được nghiên cứu một cách đồng bộ trong quy hoạch phân khu, dẫn đến quy hoạch phân khu bị phá vỡ, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị không đảm bảo, đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm.
Điểm “nóng” điều chỉnh quy hoạch hơn 1 năm chưa thanh tra xong
Như Tiền Phong thông tin trước đó, thực hiện Quyết định số 17 ngày 5/3/2020 của Chánh thanh tra Bộ Xây dựng về thanh tra Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hà Nội; Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội; các chủ đầu tư dự án công trình và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài), khu đô thị (KĐT) Trung Hòa – Nhân Chính, Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh kiểm tra hiện trường các chủ đầu tư đồ án, dự án, công trình xây dựng.
Theo kế hoạch, Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh kiểm tra loạt dự án tại KĐT Trung Hòa – Nhân Chính như dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở tại ô đất C1; dự án Công trình công cộng đơn vị ở tại ô đất C2; dự án Trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội tại ô đất T1…
Theo đó, Đoàn kiểm tra, ghi nhận hiện trạng các dự án, công trình xây dựng theo quy hoạch được duyệt, giấy phép xây dựng được cấp, theo thiết kế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định hoặc tham gia ý kiến (nếu có).
Đồng thời, cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cung cấp tài liệu có liên quan đến dự án của mình như: Bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được chấp thuận; giấp phép xây dựng (nếu có); hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công phần kiến trúc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định hoặc tham gia ý kiến (nếu có); Bản vẽ hoàn công (phần kiến trúc) và hồ sơ điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế xây dựng (nếu có)…
Thế nhưng, đã hơn 1 năm kết luận thanh tra vẫn chưa được công bố. Trao đổi với PV, lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, đến nay vẫn chưa thanh tra xong do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài.
Ninh Phan/Tiền Phong