09/06/2021

Điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội: đừng để ước mơ mãi chỉ là mơ ước!

Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (2011-2021), Hà Nội triển khai rà soát, đánh giá việc thực hiện những tồn tại bất cập và đề xuất điều chỉnh tổng thể cho phù hợp với các quy định pháp luật mới ban hành (Luật quy hoạch 2017).

Đây là lần đầu tiên lập huy hoạch tích hợp đa ngành, hy vọng lần này vượt qua trở ngại đầu tiên: tiền đâu để thực hiện theo quy hoạch.

Tích hợp đồng bộ trong một hệ thống: “Liên kết Hà nội – Hanoilink”

Hà Nội vốn đã thiếu nguồn lực để triển khai các dự án theo quy hoạch, đã vậy các dự án phát triển riêng rẽ đã không tạo sức mạnh tổng hợp mà còn triệt tiêu lẫn nhau: kinh doanh bất động sản tràn lan dẫn đến thiếu hụt giao thông; Thiếu công viên mặt nước dẫn đến úng ngập, môi trường sống suy giảm. Dồn lực cho dự án đường sắt đô thị với đầu tư lớn, bằng tổng kinh phí đầu tư cho toàn bộ giao thông đô thị trong 10 năm,  triển khai lúng túng, chậm chạp dẫn đến cản trở giao thông nhiều năm.

City Solution đề xuất mô hình “Liên kết Hà nội – Hanoilink” để tạo nên sức mạnh liên kết đồng bộ đa ngành

City Solution đề xuất mô hình “Liên kết Hà nội – Hanoilink” để tạo nên sức mạnh liên kết đồng bộ đa ngành

Để khắc phục hạn chế này cần đặt mục tiêu liên kết các loại hình giao thông trong một hệ thống, tương tác, hỗ trợ thúc đẩy với các hệ thống khác:  thương mại, dịch vụ, y tế giáo dục, giải trí… Các hệ thống liên kết các dòng chảy vật chất tuần hoàn: phân phối hàng hóa kết hợp với thu hồi rác thải, nước thải và tất cả đều mang lại cơ hội sinh kế  cũng như lợi ích công bằng cho toàn xã hội.

Ví dụ như khi đường sắt đô thị (ĐSĐT)  Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội đi vào hoạt động thì không chỉ tính mở thêm tuyến buýt kết nối, liên kết đi bộ, xe đạp từ khu dân cư tới ga trạm, mà còn kết nối với tuyến đường vành đai 2, vành đai 3 trên cao. Hà Nội  mất hàng chục năm để làm 20km ĐSĐT, nhưng chỉ cần 1-2 năm là có hàng chục km đường trên cao (do không cần giải phóng mặt bằng). Trước mắt dành cho xe buýt chạy nhanh, khi tích tụ đủ lượng khách và tài chính sẽ mua tàu lắp ray.  Chỉ cần 12 tháng là hoàn thành 4km đường trên cao, nối ga Thủ Lệ tới Tây Hồ Tây là có thể kết nối 20km đường sắt đô thị và  hơn 100km đường vành  đai 2, vành  đai 3 tới năm trung tâm đô thị lịch sử, Tây Nam, Nội Bài, Bắc sông Hồng.

Đường bộ và đường sắt trên cao giải phóng mặt đất cho đường phố, không gian thương mại dịch vụ - tạo vốn đầu tư.  Các hà ga được giải phóng mặt đất để phát triển không gian Xanh – Vườn Nhà Ga

Đường bộ và đường sắt trên cao giải phóng mặt đất cho đường phố, không gian thương mại dịch vụ – tạo vốn đầu tư. Các hà ga được giải phóng mặt đất để phát triển không gian Xanh – Vườn Nhà Ga

Kết nối đường trên cao với gia cường đê bê tông bờ Nam sông Hồng, Hà Nội có thêm đường lại có hơn 10km đê bê tông cũng như chỗ để hàng trăm ngàn xe bên rìa thành phố. Nhượng quyền khai thác bãi đỗ xe sẽ tạo nguồn lực mới cho đầu tư cho đường và đê, giải quyết bế tắc chỗ đỗ xe trung tâm thành phố. Các nhà ga tàu và buýt trên cao đã giải phóng diện tích mặt đất để tiếp nhận đi bộ vào không gian vườn rộng hàng chục ha, Hà Nội có thêm diện tích xanh gấp đôi công viên Thống Nhất và Thủ Lệ cộng lại.

Kết nối không gian giao thông đô thị đang bị chia cắt rời rạc thành một hệ thống liên thông đồng bộ không chỉ tối ưu hóa hạ tầng đô thị trị giá hàng chục tỷ USD mà còn  kết nối cơ hội sinh kế cho hàng chục triệu người, tạo cơ hội tăng trưởng hàng trăm tỷ USD cho hàng vạn doanh nghiệp, nhà đầu tư nội địa.

Vườn đào Nhật Tân “tái sinh” với những chức năng mới

Vườn đào  Nhật Tân trong 20 năm qua đã từng bước trở thành các dự án bất động sản thương mại. Mảnh đất trống cuối cùng đang được được quy hoạch xây dựng khu trụ làm việc của 12 bộ/ngành, quy mô 35ha.

City Solution đề xuất mô hình “Vườn đào Nhật Tân: Ngày mới chức năng mới”. Kết nối giao thông bằng xe buýt (có thể chuyển thành đường sắt) trên cao từ Ga Thủ Lệ tới Tây Hồ Tây.

City Solution đề xuất mô hình “Vườn đào Nhật Tân: Ngày mới chức năng mới”. Kết nối giao thông bằng xe buýt (có thể chuyển thành đường sắt) trên cao từ Ga Thủ Lệ tới Tây Hồ Tây.

Do tọa lạc tại khu vực tập trung nhiều đầu mối giao thông, hạ tầng: quỹ đất này  được tính toán có thể xây dựng tại đây có thể lớn gấp 5 lần diện tích làm việc. Nếu áp dụng mô hình nhượng quyền phát triển (Transfer of Development Right – TDR) từ ngay dự án này để đầu tư hồi sinh vườn đào rộng hàng chục ha, kết hợp chuỗi hồ nước cây xanh 5km  đầu nguồn sông Nhuệ, tạo thành không gian lọc nước sạch, không chỉ bổ cập cho Hồ Tây, sông Tô, sông Nhuệ mà còn tổng đương lượng 30 triêu mét khối nước của toàn bộ sông hồ nội thành Hà Nội ngoài sông Hồng.

Mô hình quản trị “Một hệ thống” đồng bộ/tuần hoàn khép kín cả hệ sinh thái môi trường đến lợi ích tài chính gắn liền sẽ khởi động cho chuỗi giá trị nước đô thị Hà Nội. Vườn đào Nhật Tân được tái sinh trong Ngày Mới sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mới

Để bờ bãi  sông Hồng an toàn  hai mùa lũ cạn

Làm việc với Hà Nội về Quy hoạch sông Hồng, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết phải phù hợp với “Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.”  đã được Thủ tướng CP phê duyệt 2016. Ngoài ra, cần “xây dựng phương án phòng chống lũ trong quy hoạch phát triển Thủ đô”.

Căn cứ vào các điều kiện trên cho thấy vị trí đê và chiều cao mặt đê hiện trạng giữ nguyên, nhưng có thể gia cố bê tông hóa đê đảm bảo không gian thoát lũ và đáp ứng các thách thức khác.  Nhiều quốc gia đã sử dụng đất ngoài đê thích ứng với hai mùa lũ cạn: mùa nước để nước tràn còn mùa khô làm không gian cây xanh công cộng.

Bờ bãi sông Hồng làm Công viên Hài hòa mùa khô, thao trường tập luyện mùa lũ. Tòa nhà   Thân thiện, an toàn trong hai mùa lũ cạn. Nguồn: City solution

Bờ bãi sông Hồng làm Công viên Hài hòa mùa khô, thao trường tập luyện mùa lũ. Tòa nhà Thân thiện, an toàn trong hai mùa lũ cạn. Nguồn: City solution

Hà Nội cũng đã có phương án sử dụng bãi sông làm thao trường huấn luyện cho dân quân tự vệ, bộ đội, công an… nay mở rộng ra đối tượng thanh thiếu niên rèn luyện thể thao và  kỹ năng cứu hộ cứu nạn. Để tái định cư cho cư dân tại chỗ bằng cách xây dựng để trống mặt đất dành cho không gian thoát lũ – như vậy nhà ở an toàn hơn và diện tích mặt đất được giải phóng hoàn toàn, tăng diện tích  thoát lũ lên hàng ngàn ha.

KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội/Người đô thị