Điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng: Đảm bảo lợi ích nhiều bên
Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn điều chỉnh giá và phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng. Sau khi được ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 08/2010/TT-BXD ngày 29/7/2010 về hướng dẫn phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.
Sau khi được ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 08/2010/TT-BXD Bộ Xây dựng.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư là hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng và phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng. Thông tư này cũng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng (bao gồm cả hợp đồng xây dựng giữa nhà đầu tư thực hiện dự án BOT, BTO, BT và PPP với nhà thầu thực hiện các gói thầu của dự án) sau: Dự án đầu tư xây dựng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập. Dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp nhà nước. Dự án đầu tư xây dựng không thuộc quy định tại điểm a, b khoản này có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Đối với hợp đồng xây dựng thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những quy định khác với các quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.
Việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng, bao gồm cả thời gian được gia hạn theo thoả thuận của hợp đồng. Giá hợp đồng sau điều chỉnh (bao gồm cả khối lượng công việc phát sinh hợp lý ngoài phạm vi hợp đồng đã ký) không vượt giá gói thầu được phê duyệt, thì Chủ đầu tư được quyền quyết định điều chỉnh; trường hợp vượt giá gói thầu được phê duyệt thì phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận trước khi điều chỉnh.
Đối với các công việc bổ sung, phát sinh thì chủ đầu tư và nhà thầu tính toán, thỏa thuận và ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng; trong đó cần xác định rõ khối lượng công việc bổ sung, phát sinh và đơn giá áp dụng. Khối lượng này phải được thống nhất trước khi thực hiện, trường hợp không thỏa thuận được thì hình thành gói thầu mới.
Việc điều chỉnh giá hợp đồng phải được các bên thỏa thuận và quy định cụ thể trong hợp đồng về các trường hợp được điều chỉnh giá, thủ tục, trình tự, phạm vi, điều kiện điều chỉnh, phương pháp và căn cứ điều chỉnh giá hợp đồng. Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng phải phù hợp với loại giá hợp đồng, tính chất công việc của hợp đồng. Các nội dung khác mà các bên thỏa thuận được điều chỉnh trong hợp đồng không được trái với những qui định của Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan về hợp đồng xây dựng.
Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh được xác định khi khối lượng công việc thực tế hoàn thành được nghiệm thu tăng hoặc giảm lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng hoặc khi khối lượng công việc phát sinh, bổ sung chưa có đơn giá trong hợp đồng thì các bên thống nhất xác định đơn giá mới theo nguyên tắc thoả thuận trong hợp đồng về đơn giá cho các khối lượng công việc này để thanh toán. Đơn giá mới được xác định theo Thông tư hướng dẫn về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng và các thoả thuận trong hợp đồng.
Trường hợp trong hợp đồng các bên có thỏa thuận điều chỉnh đơn giá (toàn bộ hoặc một số đơn giá) cho những công việc được điều chỉnh giá do trượt giá sau một khoảng thời gian nhất định kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Nếu bất khả kháng xảy ra thì đơn giá cho các công việc phải khắc phục hậu quả bất khả kháng xác định căn cứ vào điều kiện thực tế và có thể áp dụng đơn giá theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết, kể cả đơn giá đã được điều chỉnh theo thoả thuận của hợp đồng.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh góp ý Dự thảo Thông tư như sau: Tại Điều 2 của dự thảo về nguyên tắc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng quy định: “Giá hợp đồng sau điều chỉnh (bao gồm cả khối lượng công việc phát sinh hợp lý ngoài phạm vi hợp đồng đã ký) không vượt giá gói thầu được phê duyệt (bao gồm cả chi phí dự phòng cho gói thầu đó) thì Chủ đầu tư được quyền quyết định điều chỉnh; trường hợp vượt giá gói thầu được phê duyệt thì phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận trước khi điều chỉnh”.
Căn cứ vào khoản 3 Điều 12 và điểm c, khoản 1 Điều 31 của Nghị định số 32/2015/ND-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu xây dựng để thay thế giá gói thầu xây dựng ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã phê duyệt. Do đó, theo quy định của dự thảo sẽ bất cập vì giá gói thầu do chủ đầu tư quyết định từ đầu, nếu điều chỉnh vượt giá gói thầu thì chuyển người có thẩm quyền quyết định đầu tư. Mặt khác trình tự thủ tục để người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận chưa có hướng dẫn trong dự thảo vì muốn chấp thuận phải xem xét lại từ đầu.
Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam góp ý với dự thảo Thông tư như sau: Điểm c, khoản 2 Điều 1 dự thảo Thông tư quy định đối tượng áp dụng tại dự thảo thông tư: “Dự án đầu tư xây dựng không thuộc quy định tại điểm a, b khoản này có sử dụng vốn nhà nước…”. Điểm a, khoản 3 Điều 143 Luật Xây dựng quy định: “3.Ngoài các quy định nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước còn phải tuân thủ các quy định sau: a, việc điều chỉnh đơn giá thực hiện hợp đồng chỉ áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian”. Do vậy cần có quy định loại trừ không áp dụng việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng đối với hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước tại Điều 3 của dự thảo Thông tư.
Vũ Chiến/Báo Xây dựng