Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cửa hàng mặt phố lao đao, chủ mặt bằng chung tay hỗ trợ vượt qua khủng hoảng
Doanh thu bán lẻ sụt giảm mạnh kéo dài liên tục trong 2 tháng qua đã dẫn đến tình cảnh vô cùng ảm đạm cho các doanh nghiệp. Việc cho thuê mặt bằng bán lẻ ở các con phố trung tâm TP lớn vì thế cũng ảm đạm theo.
Lỗ nặng không chỉ vì tiền thuê mặt bằng mà còn chi phí nguyên vật liệu, vận hành, nhân sự, đầu tư, sụt giảm dòng tiền,… Và hậu quả là các doanh nghiệp phải quyết định “bỏ của chạy lấy người”.
Giá thuê mặt bằng bán lẻ leo thang thời gian qua có nguy cơ “bong bóng xì hơi”
Theo Savills Việt Nam, các cửa hàng dịch vụ ăn uống tại các con đường thương mại lớn tại Tp.HCM như Phan Xích Long hay Đồng Khởi luôn phải gồng gánh giá thuê rất cao so với các con đường khác, cao hơn khoảng 30%-50% so với các cung đường bình thường, dao động chi phí từ 5.000 USD đến 15.000 USD/căn nhà cho tổng diện tích sử dụng từ 50- 300m2.
Theo nhận định của đơn vị này, có những nhà hàng doanh thu tốt và đều, và cũng có những nhà hàng doanh thu hòa hoặc lỗ vốn nhưng chủ doanh nghiệp đều luôn cố gắng cầm cự vì đã đầu tư lớn vào cửa hàng. Trong khi đó, tiền thuê liên tục leo thang khiến thị trường mặt bằng bán lẻ như quả bong bóng trực chờ “xì hơi”.
Trước khi dịch Covid -19 xuất hiện, thị trường kinh doanh ăn uống tại các con đường tại Tp.HCM khá sôi động, tuy nhiên vẫn có sự cạnh tranh gay gắt. Do chi phí đầu tư nhà hàng rất cao, luôn cần doanh thu cao hàng tháng để có thể duy trì việc kinh doanh và sinh lợi nhuận. Do đó, một cửa hàng có thương hiệu trên thị trường nếu đầu tư tươm tất vào cửa hàng ăn uống chi phí lên tới hàng tỉ đồng và mất khoảng 2 năm để hoàn vốn.
Theo Savills, giá thuê 5.000 đến 7.000 USD ở giai đoạn trước dịch là mức giá hợp lý cho các căn nhà tại Phan Xích Long. Với doanh thu kiếm được , khách thuê có thể kinh doanh có lời được với mức tiền thuê này.
Nhưng trong thời điểm kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay, doanh thu của cửa hàng không có, thói quen tiêu dung của khách hàng đang dần thay đổi – con người ta chỉ bận tâm về sức khỏe của mình hơn bất kỳ các sự ưu tiên nào khác thì việc chủ doanh nghiệp hoặc start up mạo hiểm thuê nhà để kinh doanh trong thời điểm này là một nước đi không hề khôn ngoan. Do vậy, dù mức giá thuê có thấp hơn và hấp dẫn hơn những con số được đề cập, e rằng các doanh nghiệp cũng sẽ nói “không” trong thời điểm này.
Dịch Covid-19 xuất hiện, mọi thứ đảo lộn
Theo Savills, đến thời điểm Covid 19 xuất hiện, đây chính là giọt nước tràn ly hay là điểm giới hạn làm cho quả bong bóng thị trường vỡ vụn. Doanh thu sụt giảm đến 50% thậm chí 90% kéo dài liên tục trong 2 tháng đã dẫn đến tình cảnh vô cùng ảm đạm cho các doanh nghiệp. Lỗ vốn nặng trong không chỉ tiền thuê nhà mà còn chi phí nguyên vật liệu, vận hành, nhân sự, đầu tư, sụt giảm dòng tiền,… Và kết quả rõ ràng là các doanh nghiệp phải quyết định “bỏ của chạy lấy người”.
Trong khi đó, tương lai cũng không ai đoán được dịch Covid 19 sẽ ảnh hưởng tới mức độ nào và tới thời điểm nào sẽ qua đi.
Hiện nay, các Trung tâm thương mại cũng rất khổ sở khi lượng khách vào mall giảm đến chóng mặt, kể cả những trung tâm thương mại hot nhất cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng. Nặng nhất là vào nửa đầu tháng 2, lượng khách giảm tới 50-80%. Gần đây các TTTM đang có một chút tiến triển nhỏ giọt, tuy nhiên các khách thuê trong TTTM cũng đang đau đầu với bài toán kinh doanh khi sụt giảm lượng khách quá nhiều. Nhiều cửa hàng đã có thông báo xin được hỗ trợ giảm tiền thuê từ chủ nhà, một số cửa hàng thì xin rút khỏi trung tâm hoặc xin đóng cửa tạm thời.
“Giá thuê sẽ có xu hướng giảm dần nếu Chủ nhà muốn chào mời được mặt bằng thuê. Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều trường hợp chủ nhà kiên nhẫn chờ đợi khoảng thời gian khủng hoảng trôi qua để duy trì giá trị căn nhà. Tuy nhiên, mức độ kiên nhẫn như thế nào không phải ai cũng giống nhau”, đại diện Savills nhấn mạnh.
Hiện nay đã có một số động thái từ một số trung tâm thương mại lớn về vấn đề hỗ trợ khách thuê trong thời kỳ khủng hoảng này. Gần đây nhất là tập đoàn Vingroup đã dành ra ngân sách hơn 300 tỷ đồng cho các gói hỗ trợ khách thuê. Một số trung tâm thương mại khác cũng đang lên phương án để cân đối giữa doanh thu của trung tâm nhưng vẫn hỗ trợ phần nào các khách thuê vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo Savills, đơn vị cũng đang làm việc với một số chủ đầu tư khác nhau, trong đó có 1 số dự án thương mại – văn phòng mới sẽ khai trương hoặc hoạt động vào quý 3 và quý 4 năm nay, thì các chủ đầu tư này cũng sẵn sàng tặng khách thuê các gói thuê hỗ trợ hơn so với thị trường. Việc các chủ đầu tư, chủ sở hữu bất động sản cùng chung tay với khách thuê để vượt qua giai đoạn khủng hoảng là cần thiết và được ủng hộ.
Theo đơn vị này, thị trường sẽ sớm phục hồi nhẹ vào cuối tháng này khi học sinh quay trở lại trường lớp. Sau đó sẽ có chiều hướng phát triển tích cực vào tháng 5 và 6. Việt Nam đang chống dịch Covid 19 rất tốt, các hoạt động kinh doanh đang dần trở lại bình thường.
“Trải nghiệm của Covid 19 cũng là một phần tái cân bằng lại thị trường trong tình cảnh giá cả leo thang, tuy nhiên việc tái cân bằng lại quá sức nặng nề và đường đột với nền kinh tế nói chung và người làm doanh nghiệp nói riêng”, đại diện Savills nhấn mạnh.
Hạ Vy/Báo dân sinh