Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Ban soạn thảo dự án Luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp đô thị đối với quy hoạch thành phố và các khu dân cư. Cần phải quy định thống nhất và hạn chế các thủ tục không cần thiết đối với việc thẩm định các dự án để hạn chế nhiều dự án chậm tiến độ xây dựng.
Bởi thực tế, có nơi xây dựng xong mới hoàn thiện quy hoạch nên có nhiều công trình bị phát hiện sai phạm về quy hoạch vị trí, xây dựng không đúng theo quy hoạch. Nhằm kịp thời ngăn chặn những bất cập trên, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Đại biểu Phương cho rằng, cần ban hành quy chế xử phạt nghiêm khắc khi địa phương để xảy ra những sai phạm trong quy hoạch xây dựng.
Còn Đại biểu Trần Tất Thế (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) đề cập tới việc đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân trong vùng quy hoạch đã được công bố mà chưa thực hiện công trình xây dựng thì Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi thu hồi đất của họ khi quá thời hạn quy hoạch.
Ngoài ra, để cho phép xây dựng công trình, ở Điều 87 của dự thảo Luật quy định: “Công trình hoàn thành phải được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng”. Tuy nhiên, theo Đại biểu Thế, quy định này là một bước lùi trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng.
Đại biểu Thế phân tích: Trước đây, quy định các cơ quan cấp phép của Nhà nước hoàn công các công trình xây dựng chưa đưa vào sử dụng nhưng không đem lại hiệu quả trong việc quản lý xây dựng. Thủ tục trên đã được thay bằng biên bản hoàn công do chủ đầu tư chịu trách nhiệm, nay nếu Nhà nước cấp phép sử dụng công trình xây dựng gần như khôi phục hoàn công sẽ tạo tâm lý ỷ lại cho người dân và dễ phát sinh tiêu cực, dễ làm gia tăng tình trạng xây dựng trái phép.
Với bấp cập này, Đại biểu đến từ Đoàn Hà Nam đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần có thêm quy định chặt chẽ, trách nhiệm của địa phương, xử lý nghiêm các hành vi khi để diễn ra xây dựng các công trình trái phép.
T.Quyên/Báo Pháp luật