18/03/2022

Di sản kiến trúc đặc biệt phải được gìn giữ, bảo tồn

Sự đan xen hòa quyện giữa các đường nét kiến trúc cổ với nghệ thuật kiến trúc Pháp đã tạo nên một không gian kiến trúc Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại cùng tồn tại mãi với thời gian.

Bảo tồn theo hướng bền vững

Nói như vậy để thấy được rằng, các công trình kiến trúc Pháp cổ đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian sinh hoạt cộng đồng của TP Hà Nội. Từ các công trình công cộng như nhà hát, viện bảo tàng, trường học, nhà thờ đến các công trình nhà ở biệt thự đã tồn tại từ rất lâu và trở thành một bộ phận hữu cơ trong đời sống của người dân, kết nối các tầng lớp trong xã hội một cách bền vững…

Theo KTS. Hoàng Đạo Kính, công trình kiến trúc Pháp cổ chính là một quỹ tài sản đô thị đặc biệt của TP Hà Nội. Về mặt kinh tế, cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài các giá trị của khối tài sản này. Bên cạnh đó, khai thác hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính có tác dụng hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì di tích, các công trình thường xuyên và hiệu quả. Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển.

Công trình kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội, đầu thể kỉ 20 vốn được ca tụng với những thành phố đẹp nhất vùng Viễn Đông. Các công trình từ kiến trúc biệt thự, dinh thự, hay khu phố Pháp đều có thể trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Tùy theo các đặc điểm về công năng sử dụng, giá trị văn hóa, hình ảnh kiến trúc của công trình mà chúng ta có đưa ra những giải pháp linh hoạt ở các cấp độ khác nhau từ công trình – tuyến phố – khu vực di sản.

Đối với môi trường thiên nhiên, công trình di sản cần phải được bảo tồn tránh các tác động có hại của môi trường thiên nhiên, như gió bão, nắng nóng, độ ẩm… Việc duy trì và phát triển môi trường vi khí hậu và cảnh quan khu vực di sản (cây xanh, mặt nước) là hết sức quan trọng.

Liên quan đến vấn đề này, TS.KTS Trương Ngọc Lân – Phó Trưởng khoa Khoa Kiến trúc và quy hoạch (ĐH Xây dựng) chia sẻ thêm, bên cạnh giá trị đơn lẻ về kiến trúc biệt thự, rất cần sự thống nhất về giá trị tổng thể của kiến trúc Pháp như là di sản kiến trúc đô thị lịch sử – một thành phần quan trọng góp phần tạo nên giá trị của cấu trúc không gian đô thị khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội để có giải pháp can thiệp thích ứng và nhất quán trong quá trình phát triển hiện nay. Quá trình phát triển kiến trúc biệt thự ở Hà Nội trong gần một trăm năm đã tạo nên một quỹ di sản kiến trúc và đô thị có giá trị, góp phần làm nên bản sắc đô thị.

Đâu là vấn đề then chốt?

Đánh giá về công tác bảo tồn, duy tu, tôn tạo các công trình có lối kiến trúc Pháp tại Thủ đô, TS.KTS Trương Ngọc Lân cho rằng “chưa hoàn chỉnh”. Bởi, có rất nhiều công trình thuộc sở hữu bởi nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức, tư nhân… khác nhau. Và những chủ sở hữu này chưa hiểu hết về những giá trị của di sản. Ngoài ra, có rất nhiều công trình kiến trúc chưa được xếp hạng. Nên theo thời gian dài sử dụng, sang tên đổi chủ… hầu hết các công trình đều bị biển đổi, thay đổi so với ban đầu, thậm chí có những công trình đã bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Trao đổi thêm về thông tin trên, TS.KTS Trương Ngọc Lân cho biết, ở một số quốc gia, những công trình mà thậm chí chưa được công nhận là di sản nhưng mà nó trong vùng được bảo tồn, bảo vệ thì hiệu lực quản lý cũng khá tốt và ý thức chấp hành của người dân cũng rất cao.

“Họ có những ràng buộc bởi luật, pháp luật rõ ràng, chi tiết. Người dân vẫn có thể khai thác hiệu quả kinh tế, xã hội từ những công trình đó, đồng thời bảo tồn, gìn giữ phần “hồn cốt”, cốt lõi của công trình kiến trúc. Đó là mô hình “bảo tồn thích ứng” – gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội. Đây là mô hình rất hay mà Việt Nam nên học tập. Bởi nó là vấn đề then chốt quyết định đến việc gìn giữ một kho tàng công trình kiến trúc khổng lồ, độc đáo có một không hai trong dòng chảy hối hả của cuộc sống đương đại”, ông Lân cho hay.

Vậy nên, để công tác bảo tồn có kết quả, Hà Nội cần xem xét lựa chọn những biệt thự tiêu biểu, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc để tu bổ, tôn tạo và bảo tồn. Khi các biệt thự đã được phục hồi nguyên trạng hình thức kiến trúc ban đầu, sẽ giao cho các đơn vị Nhà nước hoặc tư nhân sử dụng vào kinh doanh du lịch.

Để làm được việc này phải có quy định hết sức rõ ràng và cơ chế giám sát chặt chẽ, người nào được giao thì người đó phải chịu trách nhiệm trước TP; phân công phân cấp rõ ràng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời phải tuyên truyền và có cơ chế, để người dân đang sống trong những biệt thự cùng chung tay với TP trong việc bảo tồn những công trình này, vì chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ không thực hiện được.

“Với những công trình đã xuống cấp cần phải khảo sát, đánh giá các bộ phận hư hỏng, mức độ hư hỏng. Tiến hành trùng tu trên cơ sở các tài liệu lưu trữ, ảnh chụp trước đây hay các tài liệu có tính khoa học khác để không dẫn tới sự biến đổi tính nguyên bản của công trình. Đây là một quá trình đòi hỏi có sự nghiên cứu tỉ mỉ, khách quan và khoa học, tránh những sự nhầm lẫn của các bộ phận kiến trúc phát sinh sau 1954”, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hiệp hội KTS Việt Nam cho biết.

Triệu Tâm