10/06/2020

Di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch tại thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực tìm các giải pháp

Dù đã bước sang nửa cuối năm 2020, kế hoạch di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2016-2020) vẫn chưa hoàn tất. Do khối lượng công việc còn lại lớn, nguồn kinh phí thực hiện khó khăn, thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực tìm các giải pháp hoàn thành mục tiêu đã đề ra, giúp các hộ dân có cuộc sống tốt hơn.

Nhiều nhà ven và trên kênh, rạch tại thành phố Hồ Chí Minh chưa di dời do nguồn kinh phí thực hiện khó khăn

Nhiều nhà ven và trên kênh, rạch tại thành phố Hồ Chí Minh chưa di dời do nguồn kinh phí thực hiện khó khăn

Chưa đạt mục tiêu đề ra

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị sông nước với 2.953 tuyến sông, kênh, rạch. Trong đó, nhiều tuyến kênh, rạch bị người dân lấn chiếm để xây dựng nhà ở như: Kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, rạch Xuyên Tâm…

Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 21.851 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tập trung ở các quận: Bình Thạnh, 4, 7, 8… Chỉ tính riêng quận 8 chiếm gần một nửa (khoảng 10.000 căn). Giai đoạn 2016-2020, thành phố phấn đấu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch nhằm chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ và tổ chức lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, đến nay thành phố chỉ mới di dời hơn 2.400 căn.

Ông Phạm Văn Cung, phường 4 (quận 8) cho biết, dọc bờ phía Nam kênh Đôi bị quy hoạch “treo” hàng chục năm nay. Lúc triều cường lên cao thì ngập, lúc triều cường xuống thấp mùi nước kênh bốc lên nồng nặc. “Người dân không thể sửa chữa, nâng cao nền nhà, cũng không biết phải di dời về đâu. Người dân mong thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án chỉnh trang tại khu vực này và sẵn sàng chuyển đến nơi ở khác nếu được hỗ trợ di dời, tái định cư”, ông Phạm Văn Cung cho hay.

Về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND quận 8 Nguyễn Nha Kha cho biết, địa phương đã nhiều lần tổ chức gặp gỡ các hộ dân bị ảnh hưởng ở bờ phía Nam và bờ phía Bắc kênh Đôi để vận động người dân ủng hộ chủ trương của thành phố, chấp hành di dời khi dự án được triển khai. Tuy nhiên, do chưa được bố trí vốn nên chưa thể khởi động như kế hoạch.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, kế hoạch di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch trọng điểm thuộc bờ phía Nam kênh Đôi, liên quan đến khoảng 7.000 hộ gia đình nằm trên địa bàn quận 4, quận 7 và quận 8. Chương trình này tiêu tốn nguồn kinh phí rất lớn vì phải giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời và tái định cư, đồng thời xây dựng bờ kè, chống sạt lở… trong khi nguồn vốn này đang bị ách tắc do cả vốn ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa đều gặp khó khăn trong phân bổ, huy động. Đây là nguyên nhân chính khiến dự án bị chậm trễ.

Tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn

Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, để hoàn thành mục tiêu di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch thuộc địa bàn các quận, thành phố sẽ phải thực hiện 65 dự án với tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư ước tính hơn 44.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách là 22.000 tỷ đồng, vốn xã hội hóa bằng hình thức đối tác công – tư (PPP) khoảng 19.000 tỷ đồng, số còn lại từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học (Đại học Khoa học, xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), kế hoạch cải tạo, chỉnh trang nhà ở ven và trên kênh, rạch là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong công tác an sinh xã hội của thành phố. Tuy nhiên, kế hoạch cần nguồn vốn rất lớn, trong khi thành phố không thể vay thêm theo hình thức ODA, còn các nguồn huy động tư nhân theo hình thức PPP cũng gặp khó khăn.

“Để giải quyết vấn đề vốn, thành phố cần nghiên cứu giải pháp mở rộng hành lang giải tỏa, tạo quỹ đất thương mại lớn, sau đó đấu giá để lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở tái định cư”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa đề nghị.

Tại buổi làm việc mới đây với Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho kế hoạch di dời hơn 20.000 nhà ở trên và ven kênh, rạch trên địa bàn.

Theo ông Võ Văn Hoan, do điều kiện lịch sử để lại, phần lớn các hộ dân có nhà ở trên và ven kênh, rạch đều có nguồn gốc pháp lý không rõ ràng. Trong khi đó, nhiều hộ có số nhân khẩu đông, cần có chỗ ở để bảo đảm cuộc sống. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ bồi thường riêng cho đối tượng đặc thù này thì mới giải quyết được bài toán tái định cư hiệu quả.

Trọng Ngôn/Hà Nội mới