25/08/2022

Di dời hạ tầng ga Hà Nội và Giáp Bát nhường đất cho metro như thế nào?

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt, đường sắt quốc gia sẽ dừng lại tại tổ hợp ga Ngọc Hồi mà không đi vào trung tâm. Hạ tầng ga Hà Nội và ga Giáp Bát sẽ được bàn giao để sử dụng cho ga đường sắt đô thị. 

Đường sắt quốc gia dừng tại ga Ngọc Hồi

Tại văn bản trả lời đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã họp để phân định rõ trách nhiệm làm cơ quan chủ quản đầu tư các hạng mục thuộc tổ hợp ga Ngọc Hồi.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ đầu tư các hạng mục với chức năng lập tàu của đường sắt quốc gia và UBND TP Hà Nội đầu tư các hạng mục khu Depot thuộc dự án đường sắt đô thị số 1, Yên Viên – Ngọc Hồi.

Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các hạng mục thuộc đường sắt quốc gia trong tổ hợp ga Ngọc Hồi, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan của dự án đường sắt đô thị Hà Nội Yên Viên – Ngọc Hồi để UBND TP Hà Nội chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư khu Depot và dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi theo thẩm quyền.

Ga Hà Nội hiện tại là ga đầu mối hành khách

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như ga Hà Nội, ga Giáp Bát để bàn giao mặt bằng cho UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi.

Làm rõ hơn thông tin về việc di dời hạ tầng ga Hà Nội và ga Giáp Bát để nhường đất cho đường sắt đô thị, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia đến 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì, đường sắt quốc gia qua Hà Nội đi theo các tuyến vành đai phía Đông, kết nối Ngọc Hồi- Lạc Đạo- Bắc Hồng- Thạch Lỗi và vành đai phía Tây kết nối Ngọc Hồi-Thạch Lỗi (không đi vào trung tâm TP Hà Nội).

Ga Giáp Bát hiện là tổ hợp đầu mối ga hàng hóa

Các đoạn đường sắt quốc gia hiện hữu Ngọc Hồi- Yên Viên và Gia Lâm- Lạc Đạo sẽ chuyển thành đường sắt đô thị sau khi tuyến vành đai phía Đông đưa vào khai thác.

Các ga đầu mối kết nối đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị khu vực Hà Nội gồm: Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Yên Viên, Bắc Hồng. Trong đó, tổ hợp ga Ngọc Hồi là điểm đầu của tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội-TP.HCM có chức năng ga lập tàu của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và khu Depot của đường sắt đô thị.

“Điều này có nghĩa, sau khi hoàn thiện thì các tuyến đường sắt quốc gia hiện tại như Hà Nội. TP.HCM, Hà Nội- Hải Phòng, Hà Nội- Lào Cai… sẽ không đi vào ga Hà Nội và Giáp Bát nữa mà dừng lại ở ga Ngọc Hồi, sau đó đi theo các tuyến vành đai.

Còn ga Giáp Bát và ga Hà Nội sẽ bàn giao cho TP Hà Nội để trở thành ga đường sắt đô thị. Hành khách đi đường sắt quốc gia về ga Ngọc Hồi, sau đó sẽ đi tiếp đường sắt đô thị về trung tâm thành phố”- đại diện VNR thông tin.

Ga Giáp Bát là ga hàng hóa trung chuyển lớn của mạng lưới đường sắt phía Bắc

Chuyển đổi công năng ga Hà Nội thành ga đường sắt đô thị

Nói rõ hơn về việc này, đại diện VNR cho hay, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì ga Giáp Bát và ga Hà Nội vẫn giữ nguyên, không phá bỏ hay chỉ chuyển đổi công năng, từ ga đường sắt quốc gia thành ga đường sắt đô thị.

Dù vậy, đại diện VNR cũng cho rằng, hiện các bên như Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang trong tiến trình bàn giao dự án metro số 1 Yên Viên- Ngọc Hồi, nhưng việc bàn giao hồ sơ, giấy tờ thì đơn giản, còn việc di dời hạ tầng đường sắt quốc gia từ ga Giáp Gát, ga Hà Nội về tổ hợp ga Ngọc Hồi thì còn là bài toán trong tương lai xa xa.

“Theo Quy hoạch thì ga Ngọc Hồi sẽ là tổ hợp ga đường sắt quốc gia, ga đường sắt đô thị của TP Hà Nội. Do vậy, tổ hợp ga này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện để vận hành mạng lưới đường sắt quốc gia cũng như tổ hợp kỹ thuật đi theo thì mới đảm bảo vận hành được mạng lưới đường sắt quốc gia, đảm bảo điều kiện chạy tàu. Liệu quy hoạch tổ hợp ga Ngọc Hồi có đáp ứng hết được các điều kiện này hay không”- đại diện VNR đặt vấn đề.

Theo các chuyên gia đường sắt, thời điểm để di dời hạ tầng ga Giáp Bát và ga Hà Nội về tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ còn ở tương lai khá xa, bởi đến nay, dự án tuyến metro số 1 vẫn đang ì ạch và gần như dậm chân tại chỗ.

Đặc biệt, qua nhiều năm, vị trí cầu vượt sông Hồng cho đường sắt đô thị Yên Viên- Ngọc Hồi đặt ở đâu, xây cầu mới hay sử dụng chung với cầu Long Biên vẫn còn chưa được quyết định.

Do vậy, việc hoàn thiện hạ tầng tổ hợp ga Ngọc Hồi để có thể di dời hạ tầng đường sắt quốc gia từ ga Giáp Bát và ga Hà Nội thì còn là tương lai của nhiều năm tới.

Ngân Tuyền/An ninh Thủ đô