Di dân phố cổ Hà Nội: Canh cánh nỗi lo mưu sinh
Phía sau sự hào nhoáng phố xá khi lên đèn, không mấy ai biết có hàng trăm hộ dân đang sống ngay trong những mái đền, chùa. Có những căn nhà chờ sập nhưng vẫn có tới hàng chục nhân khẩu hằng ngày đều dùng chung một khu vệ sinh che chắn tạm bợ…
Nhà bảo tồn chờ sập
Căn nhà số 47 Hàng Bạc được đánh giá là công trình kiến trúc có giá trị đặc trưng của phố nghề mang đậm nét văn hóa phố cổ Hà Nội. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu, đoàn khảo sát đánh giá để tiến hành bảo tồn, cải tạo. Tuy nhiên, hiện trạng tại đây khiến không ít người ngần ngại khi bước chân vào. Ngay cửa là chồng than tổ ong xếp cao, quần áo, giầy dép của các gia đình tầng một treo kín các bức tường tầng 1.
Hai khu bếp ăn liền nhau kê hết sức tạm bợ liền với bể nước lộ thiên xây bằng xi măng nhỏ giọt tí tách ẩm thấp, hôi hám. Mảng tường còn sót lại sau trận cháy nhà cách đây 4 năm loang lổ, rêu phong, treo đầy nồi niêu xoong chảo, túi ni long cũ nát.
Ngước nhìn trên đầu là thanh xà gồ bị cháy nham nhở đen sì vắt ngang không gian chung. Hai cụm dương xỉ và cỏ dại cũng xõa cả xuống bờ tường. Đây cũng là dấu tích của căn nhà gỗ nguyên gốc đã bị cháy đổ sập cách đây 4 năm về trước.
Do lâu ngày không được cải tạo nên hệ thống thoát nước kém, dẫn đến mùi hôi và ẩm mốc ở khắp nơi. Chiều sâu căn nhà từ ngoài vào trong ước trên hai chục mét nhưng gần như không có điện thắp sáng bên ngoài. Đi lại trong nhà liên tục phải căng mắt quan sát để không dẫm vào nước hoặc đá phải đồ đạc.
Theo bác Nguyễn Tân Dược sống tại 47 Hàng Bạc, số hộ khẩu đăng ký trên giấy tờ thì nhiều nhưng hiện tại căn nhà còn khoảng 5 hộ với khoảng 20 nhân khẩu đang sinh sống. Con gái bác Dược cho hay, mấy chục con người sinh sống tại đây nhưng nhà vệ sinh thì chỉ có một cái nên vô cùng bất tiện trong sinh hoạt, thường xuyên người này phải chờ người kia!
Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết hiện có tới 173 biển số nhà có giá trị đang cần được bảo tồn với 519 hộ, tương đương 1.557 nhân khẩu. Tại đây nhiều căn nhà đang từng ngày xuống cấp mà không thể áp dụng các biện pháp bảo tồn phù hợp do có quá nhiều các hộ dân đang sinh sống và tình trạng đa sở hữu, nhiều ý kiến khác nhau.
464 hộ dân sống trong di tích
Tại đền Phù Ủng (nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão và Đức thánh Trần) di tích đã được xếp hạng tại 25 Lý Quốc Sư, chúng tôi được mục sở thị cảnh nhà dân sinh sống nơi cửa phật! Do buông lỏng quản lý nhiều năm liền, đến nay cả bốn góc của đền đều án ngữ bốn căn nhà nhìn vô cùng nhức mắt nằm ngay trong khuôn viên đất của đền.
Theo lời kể của bác Đào Duy Tự, mỗi người dựng nhà trong đền có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau. Người thì vốn là quản lý đền từ mấy chục năm trước không có nhà ở đã cơi tạm một góc lấy nơi tá túc.
Người thì ban đầu được đền cho thuê tạm lấy mấy đồng tiền trả dầu, hương, nến nhưng dần dà thì “bám rễ” vào đền lúc nào không hay!
Bác Tự cho biết, đền là nơi thờ tự rất cần không gian trang nghiêm, tĩnh lặng trong khi đó có tới 7 hộ dân sống trong di tích với những sinh hoạt đời thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn tại đây.
Sân đền cũng là nơi các gia đình đi lại hằng ngày. Việc thờ tự, cải tạo di tích vì vậy cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Liên quan đến việc di dời khỏi di tích, nếu như trước đây người thì mượn, người thì thuê nhưng đến lúc di dời thì đều trở thành gánh nặng lớn với chính quyền do những yêu cầu về chi phí đền bù, lo nơi ở mới.
Tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc), đình Thanh Hà số 10 Ngõ Gạch, đình Trung Yên tại số 10 Trung Yên, đình Sơn Hải tại 53 Bạch Đằng, đền Hỏa Thần tại 30 Hàng Điếu… đều đang có hàng chục hộ dân sinh sống ngay trong di tích.
Thống kê của UBND quận Hoàn Kiếm hiện có tới 97 di tích, đình, đền chùa cần phải di dời các hộ dân. Tổng số hộ dân phải di dời lên tới 464 hộ, tương đương 1.653 nhân khẩu.
Ngoài ra, một hiện trạng cũng không kém phần nhức nhối đó là tình trạng xuống cấp của khu chung cư cũ tại 15 Cao Thắng với 68 căn hộ. Do nằm sát chợ Đồng Xuân, ba mặt nhà là phố buôn bán đông đúc nên toàn bộ tầng một của khu chung cư biến thành một khu chợ bán đủ loại mặt hàng từ quần áo, túi xách, nước mắm, hành tỏi, thịt cá.
Toàn bộ khoảng sân chung đã biến thành điểm trông giữ xe máy tới 2 tầng, chật cứng cả lối đi. Vào sâu trong sân chung cư, chúng tôi bắt gặp từng bó ống nước, dây điện loằng ngoằng treo đầy trên đầu cực kỳ mất an toàn về cháy nổ. Những ban công tại đây từ lâu đã biến mất và thay vào đó là hệ thống “chuồng cọp” đủ mọi hình thù đua ra không gian với chiều dài kỷ lục!
Khu nhà di dân có ki-ốt kinh doanh
Khi trao đổi với PV Tiền Phong về nguyện vọng, hầu hết những người dân thuộc diện di dời khỏi phố cổ đều chung tâm trạng lo lắng về nơi ở mới có khang trang, thuận lợi cho cuộc sống của họ hay không. Bác Nguyễn Tân Dược trú tại 47 Hàng Bạc khẳng định, về chủ trương, ai cũng ủng hộ di dời nhưng người dân băn khoăn về cuộc sống tại Việt Hưng.
“Sống ở phố cổ, chỉ cần kê cái ghế bán chén nước trà ngoài cửa nhà là mỗi ngày cũng có thu nhập từ một đến vài trăm ngàn đồng. Nhiều người dân phố cổ đã quen với cuộc sống như vậy”. Một số hộ dân khác thì băn khoăn rằng nhà cũ tại phố cổ chỉ có chục mét vuông nhưng nhân khẩu có tới cả chục người thì tại nơi ở mới có được tạo điều kiện mua thêm hay không?
Trả lời về nội dung này, ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng Ban Quản lý phố cổ cho hay: Tại khu nhà phục vụ giãn dân phố cổ tại đô thị Việt Hưng sẽ có hệ thống ki-ốt để phục vụ nhu cầu kinh doanh của người dân. Khoảng gần 40% các hộ dân sẽ được xem xét bố trí ki-ốt kinh doanh, đảm bảo cuộc sống.
Theo ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, khu nhà ở tại Việt Hưng được thiết kế hiện đại sẽ đáp ứng rất tốt nhu cầu của người dân. Khu nhà được bố trí thang máy, có tầng hầm đỗ xe. Những trường hợp có nhu cầu mua thêm do nhiều nhân khẩu cũng sẽ được xem xét giải quyết.
Cơ cấu căn hộ có diện tích từ 45-70m2. Những trường hợp không đủ khả năng mua thì sẽ được thuê nhà xã hội. Dự kiến giai đoạn đầu sẽ đủ nhà để bố trí 1.500 căn hộ. “Với diện tích nhà được đền bù, người dân có quyền chuyển nhượng theo quy định. Tuy nhiên với nhà xã hội thì điều kiện chuyển nhượng bị hạn chế”, ông Hùng nói.
Theo Tiền Phong