22/02/2023

Đề xuất xây cầu Ô Môn qua sông Hậu, kết nối Kiên Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp

(KTVN) – UBND TP Cần Thơ vừa có đề xuất xây thêm cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu, nối TP Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp và kết nối liên vùng Kiên Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp với tổng mức đầu tư gần 9.200 tỷ đồng.

Ngày 20/2, UBND TP Cần Thơ vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ – dự án 2 (Đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp).

Theo đó, Cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu xây dựng tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ) và huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) có tổng chiều dài khoảng 5.400m. Tổng bề rộng mặt cầu gần 27m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, 1 dải phân cách giữa… và tốc độ thiết kế 80km/h.

Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng hơn 9.187 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA vay Chính phủ Nhật Bản là 7.276 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.911 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Cầu Vàm Cống, một trong hai cây cầu bắc qua sông Hậu hiện tại

Thành phố đề xuất thời gian thực hiện dự án trong khoảng từ năm 2023 đến năm 2030. Trong đó, từ năm 2023 đến năm 2026 là lập, trình, phê duyệt dự án, bồi thường hỗ trợ tái định cư, thẩm định, lựa chọn nhà thầu…; khởi công xây dựng công trình vào năm 2027 và hoàn thành năm 2030.

Việc xây dựng cầu Ô Môn cùng với tuyến đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và tuyến nối cầu Ô Môn với thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) sẽ hình thành một tuyến đường trục kết nối liên vùng đảm bảo phù hợp với kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của trung ương, vùng, tỉnh.

Đồng Thời, xây dựng cầu Ô Môn đồng bộ với các tuyến đường kết nối nêu trên là hết sức cần thiết, cấp bách nhằm giải quyết vấn đề trực tiếp trước mắt là việc đi lại của nhân dân trong khu vực và kết nối, phát triển kinh tế – xã hội, giao thương hàng hóa được thuận tiện, dễ dàng mang tính liên vùng Kiên Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp.

Ngoài ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.

14